“Việc khai thác thông tin sáng chế là một thách thức không nhỏ bởi cơ sở dữ liệu sáng chế lên tới hàng trăm triệu bản, đồng thời bí quyết công nghệ trong bản mô tả sáng chế thường bị ‘ẩn’ đi nên cần phải có quá trình phân tích, giải mã”.

Theo đánh giá, Chương trình khoa học và công nghệ quốc gia đối với lĩnh vực cơ khí – tự động hóa được Bộ KH&CN triển khai từ năm 2013 đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể.

Hiện Việt Nam có hơn 25.000 doanh nghiệp trong lĩnh vực cơ khí chế tạo, trong đó có khoảng 1/3 doanh nghiệp nội địa, xuất khẩu đạt gần 20 tỷ USD mỗi năm. Năng lực công nghệ của doanh nghiệp được nâng lên đáng kể: doanh nghiệp trong nước đã làm chủ công nghệ thiết kế, sản xuất các thiết bị siêu trường, siêu trọng, động cơ, phụ tùng ô tô; sản xuất robot nhiều bậc tự do; sản xuất thiết bị phụ trợ cho các hãng cơ khí, điện tử hàng đầu thế giới như LG, Samsung, NEC… cũng như hỗ trợ các nhà sáng chế không chuyên hoàn thiện, thương mại hóa các kết quả sáng tạo của mình; mang lại hiệu quả kinh tế cao cho doanh nghiệp và cho toàn xã hội.

Tuy nhiên sự phát triển nhanh chóng của hệ thống các sáng chế trong lĩnh vực cơ khí chế tạo cũng đặt ra “bài toán” khó: Làm thế nào để các Doanh nghiệp khai thác hiệu quả những sáng chế này khi mà tại nước ta chưa có hệ thống cơ sở dữ liệu sáng chế trong lĩnh vực cơ khí chế tạo để các doanh nghiệp tìm kiếm, cập nhật, khai thác thông tin.

                        Xây dựng cơ sở dữ liệu sáng chế trong lĩnh vực cơ khí chế tạo

Từ thực tế đó, Viện nghiên cứu sáng chế và khai thác công nghệ đã bắt tay vào thực hiện đề tài nghiên cứu: “Nghiên cứu phát triển các giải pháp khai thác cơ sở dữ liệu sáng chế trong lĩnh vực cơ khí chế tạo” thuộc chương trình Đổi mới công nghệ quốc gia. Mục tiêu của đề tài là xây dựng phần mềm  phục vụ tìm kiếm, cập nhật, khai thác sáng chế  nhằm cung cấp cho doanh nghiệp cơ khí chế tạo phương pháp luận về tìm kiếm, nhận dạng và làm chủ các sáng chế, công nghệ; Thúc đẩy hoạt động đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực tìm kiếm và nhận dạng công nghệ, khai thác thông tin sáng chế cho doanh nghiệp cơ khí chế tạo.

“Việc áp dựng cơ sở dữ liệu này đã hỗ trợ rất nhiều cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực cơ khí chế tạo. Thực tế thì trong năm 2019 vừa qua, chúng tôi đã hỗ trợ áp dụng các giải pháp khai thác cơ sở dữ liệu sáng chế cho 1 số doanh nghiệp như công ty cổ phần cáp Quang Nam. Họ đã ứng dụng cơ sở dữ liệu này để khai thác các thông tin sáng chế, áp dụng thành công vào việc đổi mới công nghệ sản xuất. Công ty này đã chế tạo thành công máy cuộn cáp cung ứng thị trường trong nước và xuất khẩu, với chất lượng và hiệu quả kinh tế cao.” – ông Đỗ Đức Đam, Viện Phó Viện nghiên cứu sáng chế và khai thác công nghệ cho biết.

Bên cạnh làm việc, tiếp xúc với các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực cơ khí chế tạo, ông Đam cho biết, nhóm thực hiện đề tài cũng đã giới thiệu nguồn cơ sở dữ liệu sáng chế đến các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực liên quan khác. “Nguồn cơ sở dữ liệu này đã hỗ trợ cho doanh nghiệp dễ dàng tìm kiếm các giải pháp công nghệ. Đồng thời, chúng tôi đã sử dụng nguồn cơ sở dữ liệu này để phân tích thông tin, giúp họ đưa ra giải pháp đổi mới công nghệ tối ưu nhất nhằm tăng năng suất và chất lượng sản phẩm đầu ra.”

Những khó khăn khi phải tìm kiếm người có nhu cầu hỗ trợ

Trên thực tế, việc khai thác cơ sở dữ liệu sáng chế không phải là chuyện dễ dàng. Viện nghiên cứu sáng chế và khai thác công nghệ đã phải đối mặt với nhiều khó khăn ngay từ bước khởi đầu, một trong số đó là việc tìm kiếm người có nhu cầu cần được hỗ trợ vì chưa có nhiều nơi biết đến Viện và sẵn sàng trao đổi ý tưởng với Viện.

Để nắm bắt được nhu cầu thực tế, nhiều giải pháp đã được triển khai như tổ chức đoàn công tác thực tế tới các địa phương trên cả nước, tiến hành khảo sát và gặp gỡ nhiều đối tượng, từ các nhà sáng chế không chuyên, nhà khoa học trong các viện, trường tới doanh nghiệp với mục tiêu “nắm được họ đang làm gì, nhu cầu của họ là gì”. Không chỉ có vậy, Viện cũng chủ động tìm kiếm thông tin qua rất nhiều kênh khác nhau như thông qua Sở KH&CN của các tỉnh, thành phố, Hội doanh nghiệp vừa và nhỏ, Hội nông dân,… – những nơi mà Viện cho rằng gần gũi với các nhà sáng chế địa phương nhất.

Với số lượng cán bộ hạn chế nhưng lại có quá nhiều lĩnh vực đòi hỏi sự hiểu biết chuyên sâu, việc chủ động xây dựng đội ngũ chuyên gia, cộng tác viên trong nhiều lĩnh vực khác nhau và mời họ cùng tham gia vào các chuyến khảo sát thực địa là một trong những nỗ lực của Viện thời gian qua.

“Việc khai thác thông tin sáng chế là một thách thức không nhỏ bởi cơ sở dữ liệu sáng chế lên tới hàng trăm triệu bản, đồng thời bí quyết công nghệ trong bản mô tả sáng chế thường bị ‘ẩn’ đi nên cần phải có quá trình phân tích, giải mã. Để dự án này thành công và áp dụng được cho các cá nhân, doanh nghiệp là một quá trình dài, vất vả nhưng chúng tôi tin hiệu quả mà nghiên cứu này mang lại cho lĩnh vực cơ khí chế tạo là không hề nhỏ.”, TS. Nguyễn Trọng Hiếu, viện trưởng Viện nghiên cứu sáng chế và khai thác công nghệ cho biết.

Truyền thông Chương trình 2075