Từ ngày 23/6 đến 26/6/2020, Cục Phát triển thị trường doanh nghiệp khoa học và công nghệ đã tổ chức đoàn kiểm tra định kỳ một số sự dự án có thời gian thực hiện triển khai đến năm 2020, thuộc Chương trình phát triển thị trường khoa học và công nghệ đến năm 2020. Đoàn kiểm tra bao gồm Đại diện Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp KH&CN; Quỹ Phát triển KH&CN quốc gia; đại diện Ban chủ nhiệm Chương trình phát triển thị trường khoa học và công nghệ đến năm 2020.
Nhận xét chung về các kết quả đạt được của các đơn vị chủ trì thực hiện dự án, Đoàn kiểm tra đánh giá tốt công tác báo cáo và kế hoạch triển khai tiếp theo của các đơn vị. Dù ảnh hưởng lớn từ tình hình dịch Covid19 từ đầu năm 2020, nhiều kết quả, tiến độ đề tài, dự án hỗ trợ thương mại hóa vẫn đảm bảo được theo yêu cầu. Tiếp tục hoàn thiện, phát huy được các lợi thế công nghệ cùng với khai thác tốt các hoạt động hỗ trợ thương mại từ nguồn ngân sách nhà nước, sản phẩm của các dự án sẽ đem lại lợi ích rất lớn về kinh tế cho các tổ chức, cá nhân nghiên cứu, phát triển nên công nghệ cũng như các đối tượng khách hàng sử dụng sản phẩm.
Nhiều dự án đã hoàn thành tốt các nội dung đúng tiến độ và đạt được kết quả ấn tượng với những sản phẩm thương mại hóa hoàn thiện và bắt đầu được đặt hàng bởi nhiều đối tác lớn. Tiêu biểu có Dự án “Hỗ trợ thương mại hóa quy trình công nghệ sản xuất vòng tẩm progesteron (vòng ProB) nâng cao sức sinh sản trâu bò” với kết quả nghiên cứu sau nhiều năm của PGS.TS Sử Thanh Long – giảng viên Khoa thú y của Học viên Nông nghiệp Việt Nam. Trong 06 tháng đầu năm, dự án đã thực hiện đúng tiến độ đề ra liên quan đến thiết lập hệ thống máy móc, khuôn vòng, nhà xưởng với công xuất vận hành theo qui mô công nghiệp 150,000 vòng/năm. Hệ thống đường điện, đường nước, hệ thống khí được thiết lế lắp đặt để đảm bảo sự hoạt động của hệ thống máy… Từ sự hỗ trợ của Chương trình 2075, sản phẩm hoàn thiện – Vòng tẩm progesterone (ProB) sẽ có giá thành rẻ, chất lượng tương đương với sản phẩm vòng nhập khẩu. Qua đó, góp phần thúc đẩy việc phát triển chăn nuôi bò sữa, bò thịt và trên cả đàn trâu ở Việt Nam.
Ông Sử Thành Long giới thiệu sản phẩm tại xưởng sản xuất vòng ProB – Viện nghiên cứu bảo tồn đa dạng sinh học và nhiệt đới
Dự án “Hỗ trợ thương mại hóa công nghệ chế tạo một số thiết bị chuyên dụng chữa cháy rừng thương hiệu Việt Nam” cũng đã được Đoàn kiểm tra đánh giá là có qui trình triển khai bài bản và đạt chất lượng, tiến độ vượt trội. Các sản phẩm đã hoàn thiện của dự án bao gồm: Bộ tài liệu thiết kế và qui trình công nghệ chế tạo sản xuất một số thiết bị chuyên dụng chữa cháy rừng thương hiệu Việt Nam được nghiệm thu cấp cơ sở; Xe chữa cháy rừng đa năng được tích hợp thiết bị chữa cháy chuyên dụng… Từ hỗ trợ thương mại hóa công nghệ từ chương trình 2075, thiết bị chuyên dụng chữa cháy rừng có giá rẻ sẽ được sản xuất hàng loạt để phục vụ cho nhu cầu cấp thiết về thiết bị chữa cháy rừng hiện nay ở Việt Nam, góp phần hạn chế diện tích rừng bị cháy, bảo vệ hệ sinh thái, môi trường rừng.
Đoàn kiểm tra tại Công ty Cổ phần Thiết bị thiết bị chuyên dụng Việt Nam
Dự án Hỗ trợ thương mại hóa quy trình công nghệ sản xuất một số sản phẩm hỗ trợ phòng và điều trị ung thư từ cây Xạ đen (Ehretia asperula zoll.&Mor) do Công ty CP. Nghiên cứu phát triển dược liệu Hòa Bình làm chủ trì thực hiện cũng đã bước đầu cho ra mắt các nhóm sản phẩm chức năng từ cây Xạ đen; 03 quy trình, 0 4 bộ tiêu chuẩn cơ sở và 05 báo cáo và các máy móc thiết bị phục vụ dự án. Ban chủ nhiệm dự án đã thực hiện các chuyên đề/sản phẩm một cách nghiêm túc từ phương pháp, bố trí thí nghiệm đến thu số liệu. Từ các nội dung hỗ trợ của Chương trình 2075, sản phẩm từ dự án có thể giúp sử dụng hiệu quả nguồn dược liệu trong nước, đặc biệt là dược liệu trồng của tỉnh Hòa Bình. Từ đó, sản phẩm có thể thay thế được các sản phẩm nhập ngoại với chi phí rẻ hơn, phù hợp với nhu cầu sử dụng của người dân trong nước.
Các sản phẩm từ dự án / Đoàn kiểm tra tại Công ty CP nghiên cứu phát triển dược liệu Hòa Bình
Dự án “Xúc tiến kết nối cung cầu công nghệ, thiết bị giữa các doanh nghiệp Việt Nam và nước ngoài nhằm thúc đẩy phát triển thị trường khoa học và công nghệ” do Sàn giao dịch công nghệ và thiết bị Hải Phòng chủ trì đã thực hiện được đã theo đúng các tiêu chí, yêu cầu, tiến độ. Tuy nhiên, từ tháng 2/2020, dịch bệnh xảy ra tại Việt Nam và khắp nơi trên thế giới đã ảnh hưởng đến tiến độ triển khai các phiên kết nối cung cầu trong và ngoài nước, cho đến thời điểm hiện tại tất cả các chuyến bay đến và đi từ nước ngoài vẫn chưa được khai thác. Nhiều hội chợ triển lãm chuyên ngành về công nghệ, thiết bị tổ chức định kỳ hàng năm tại Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc bị hoãn hoặc tổ chức trực tuyến. Tổ chức chủ trì và ban chủ nhiệm dự án đề xuất kéo dài tiến độ triển khai xúc tiến, kết nối cung cầu công nghệ giữa DN trong nước, và DN nước ngoài tại Hải Phòng và một tỉnh, thành phố trong vùng DDBSH và tham gia hội chợ triển lãm và hoạt động kết nối giữa DN Việt Nam và DN nước ngoài tại Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc được tiếp tục đến hết tháng 12/2020.
Đoàn kiểm tra nghe báo cáo tại Sàn giao dịch công nghệ và thiết bị Hải Phòng
Đoàn kiểm tra cũng đã ghi nhận những kết quả tích cực từ các dự án “Hỗ trợ thương mại hóa công nghệ sản xuất chế phẩm sinh học MB1” do công ty CP. Vi sinh Việt Nam chủ trì thực hiện; Dự án “Hỗ trợ thương mại hóa quy trình công nghệ nuôi trồng, sơ chế và bảo quản rong câu chỉ vàng (Gracilaria tenuistipitata)” do Công ty CP. Công nghệ và Dịch vụ Minh Phát chủ trì thực hiện.
Bên cạnh việc đánh giá cao những kết quả đạt được từ các Dự án cùng với sự chủ động vượt qua ảnh hưởng tiêu cực từ dịch Covid 19 của các đơn vị chủ trì, Đoàn kiểm tra cũng đã cùng các bên phân tích, đánh giá và đưa những giải pháp tháo gỡ khó khăn trong quá trình tiếp tục triển khai, hoàn thiện dự án. Những giải pháp được đưa ra tập trung chủ yếu vào việc giải quyết các thủ tục tài chính, hỗ trợ các đơn vị thực hiện các hoạt động báo cáo, xác nhận khối lượng công việc đã thực hiện để hoàn thiện các qui trình sản xuất và thương mại hóa sản phẩm, dịch vụ theo đúng yêu cầu, tiến độ.
Truyền thông Chương trình 2075