Trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng, các doanh nghiệp phát triển ngành vật liệu đóng vai trò quan trọng trong việc giải quyết các vấn đề kinh tế, chính trị và xã hội của đất nước. Do đó, việc tạo môi trường thuận lợi thúc đẩy các doanh nghiệp này phát triển là một trong những ưu tiên hàng đầu trong các chương trình, chính sách hỗ trợ của Nhà nước thời gian qua.
Hoạt chất IAMS-M2-P phục vụ bơm ép tăng cường thu hồi dầu tại thân dầu móng khu vực Đông Nam mỏ Rồng, dự án thuộc chương trình “Nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ vật liệu mới” (KC.02/11-15) của Bộ Khoa học và Công nghệ
Động lực cho các ngành kinh tế
Các doanh nghiệp vật liệu thời gian qua đã trở thành một trong những động lực chính của nền kinh tế quốc gia. Trước hết, các doanh nghiệp này tạo ra nguyên vật liệu phục vụ các ngành công nghiệp sản xuất trong và ngoài nước, từ đó tạo tiền đề cho sự phát triển của các ngành kinh tế chủ chốt như công nghiệp cơ khí (đóng tàu, ô tô, xe máy, linh kiện điện tử,…), công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng kết cấu hạ tầng (giao thông, thủy lợi, du lịch, dịch vụ,…). Điều này cũng đồng thời giúp đất nước giảm đáng kể việc nhập khẩu nguyên vật liệu từ nước ngoài, tối ưu hóa chi phí đầu tư trong nước. Bên cạnh đó, với việc chế biến và xuất khẩu được nguồn nguyên vật liệu lớn, các doanh nghiệp vật liệu đang góp phần khắc phục được tình trạng xuất khẩu tài nguyên giá rẻ, qua đó nâng cao giá trị sản phẩm, tạo thêm nguồn lực cho đất nước về lâu dài. Đây cũng chính là yếu tố đóng vai trò vô cùng quan trọng cho việc phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa của Việt Nam.
Tạo việc làm cho người lao động
Với một quốc gia đông dân có tốc độ gia tăng nguồn lao động trung bình 1 triệu người/năm như Việt Nam, giải quyết việc làm luôn là một trong số những vấn đề vô cùng nan giải. Trong khi đó, các doanh nghiệp vật liệu lại cần một số lượng người lao động rất lớn cho các khâu khai thác và sản xuất. Điều này giúp tạo ra việc làm cho người lao động, hạn chế tình trạng thất nghiệp. Tuy nguồn lao động trong lĩnh vực này chưa được đào tạo bài bản nhưng đang có xu hướng chuyên nghiệp và nâng cao tay nghề hơn. Với sự mở rộng và phát triển của các ngành công nghiệp, số lượng người lao động cần thiết phục vụ cho ngành vật liệu sẽ còn tăng nhiều hơn nữa. Đặc biệt, nhờ việc đầu tư cho công nghệ cùng với việc các chế độ đãi ngộ thích hợp, các doanh nghiệp vật liệu đã hạn chế tối đa tình trạng chảy máu chất xám.
Cân bằng giữa việc khai thác nguyên vật liệu và bảo vệ môi trường
Hội thảo quốc tế về “Khoa học và công nghệ vật liệu xây dựng vì sự phát triển bền vững” năm 2019 do Viện Vật liệu xây dựng Việt Nam (VIBM) phối hợp với Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tổ chức
Hiện nay, tình trạng cạn kiệt và ô nhiễm môi trường là các vấn đề hàng đầu của ngành công nghiệp vật liệu nói riêng và của cả nước nói chung. Trong bối cảnh đó, nhằm tạo sự cân bằng giữa việc khai thác nguyên vật liệu và bảo vệ môi trường, các doanh nghiệp vật liệu đã và đang đi theo các xu hướng phát triển bền vững góp phần giải quyết các vấn đề chung cùng đất nước. Cụ thể, nhiều doanh nghiệp hướng tới khai thác và sử dụng nhiên liệu ít gây ô nhiễm môi trường nhất có thể như nhiên liệu hỗn hợp, than đá, than hóa học; đồng thời nghiên cứu, chế tạo các vật liệu mới đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của khoa học – công nghệ và sự phát triển chung của kinh tế – xã hội tại Việt Nam.
Phát huy tiềm lực kinh tế của các nguyên vật liệu truyền thống
Việt Nam là một quốc gia có lợi thế lớn trong việc sản xuất nguyên vật liệu nhờ nguồn tài nguyên dồi dào. Tuy nhiên, nguồn tài nguyên đó sẽ không thể sử dụng nếu chưa qua xử lý. Vì thế để có thể phát huy tối đa hiệu quả của các nguyên vật liệu truyền thống, cần phải nhờ đến sự can thiệp của các doanh nghiệp vật liệu. Đây sẽ là tiền đề để ngành này trở thành động lực của nền kinh tế nước nhà.
Các chương trình hỗ trợ của Chính phủ phát triển vật liệu mới
Hội nghị Tổng kết Chương trình trọng điểm cấp quốc gia “Nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ vật liệu mới” do Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức
Các doanh nghiệp vật liệu có vai trò vô cùng lớn trong việc giải quyết các vấn đề chính của đất nước. Chính vì thế Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Khoa học và Công nghệ kết hợp với các Bộ – ngành khác thực hiện các Chương trình Khoa học và Công nghệ quốc gia nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp vật liệu. Cho đến nay, một số dự án/nhiệm vụ đã được triển khai, trong đó phải kể đến dự án khoa học và công nghệ (KH&CN) cấp quốc gia “Hoàn thiện công nghệ chế tạo vật liệu geopolyme trên cơ sở nguồn nguyên liệu tại chỗ sử dụng cho các công trình ven biển và hải đảo” thuộc Chương trình và tổ chức KH&CN công lập thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm. Dự án này đã nghiên cứu, chế tạo thành công bê tông geopolyme có cường độ cao, bền trong môi trường xâm thực, đồng thời góp phần giảm đáng kể lượng phế thải xây dựng, bảo vệ môi trường và đời sống con người. Kết quả KH&CN này sau đó trở thành nền tảng quan trọng để các doanh nghiệp vật liệu ứng dụng và phát triển ngành công nghiệp vật liệu công nghệ cao của quốc gia.
Cũng với mục tiêu thúc đẩy đổi mới công nghệ của ngành vật liệu, chương trình Các nhiệm vụ KH&CN theo cũng đã triển khai nhiều dự án quan trọng, tiêu biểu là dự án “Nghiên cứu công nghệ chế tạo vật liệu điện cực hiệu năng cao từ vỏ trấu ứng dụng trong siêu tụ và ắc quy”. Đây là nhiệm vụ Nghị định thư hợp tác với Đài Loan, dự án thành công chế tạo hai vật liệu điện cực mới trên cơ sở cacbon xốp và CSiOx từ vỏ trấu, từ đó khắc phục những nhược điểm cho siêu tụ cũng như giảm giá thành khi chế tạo. Ngoài ra, một số dự án nổi bật khác thuộc chương trình khoa học công nghệ này có thể kể đến như dự án “Nghiên cứu ứng dụng công nghệ hàn nổ để chế tạo tấm vật liệu composite dạng lớp hợp kim nhôm – thép kích thước lớn phục vụ cho công nghiệp đóng tàu”, dự án “Nghiên cứu chế tạo và ứng dụng hạt cốt liệu nhẹ từ phế thải phá vỡ công trình xây dựng dân sự (PTXD) ở Việt Nam”, …
Đặc biệt, sau nhiều năm hoạt động, các chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm cấp quốc gia, trong đó tiêu biểu phải kể đến Chương trình “Nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ vật liệu mới”, cũng đã có được những đóng góp quan trọng vào sự phát triển của ngành công nghiệp vật liệu. Chương trình này đã thành công tạo ra trên 20 loại vật liệu mới, hàng hóa sử dụng loại vật liệu mới cho các ngành công nghiệp trong và ngoài nước.
Có thể nói, trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, sự phát triển của các doanh nghiệp vật liệu đang giải quyết những vấn đề rất cơ bản trong các lĩnh vực kinh tế, chính trị và xã hội. Tuy nhiên, xu thế cạnh tranh toàn cầu và các vấn đề môi trường hiện nay ngày càng tạo ra nhiều thử thách lớn hơn cho các doanh nghiệp này. Để góp phần thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp vật liệu nói chung và các doanh nghiệp vật liệu nói riêng, sự phối hợp chặt chẽ giữa Nhà nước và các doanh nghiệp là điều vô cùng cần thiết, từ đó kéo theo sự phát triển vững mạnh của đất nước, nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
Văn phòng Các chương trình KH&CN Quốc gia
Truyền thông Chương trình 2075 T/H