Khởi nghiệp là khởi nguồn cho sự đổi mới. Vượt lên trên các mô hình kinh doanh và tư duy truyền thống, các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (ĐMST) là đơn vị có nhiều đột phá trong mô hình kinh doanh với sản phẩm và dịch vụ đổi mới dựa trên tài sản trí tuệ và ứng dụng công nghệ. Đặc biệt, năm 2020, thế giới đối mặt với khủng hoảng bởi đại dịch Covid–19, đây là cơ hội đối với các doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST khi các tổ chức phát triển tập trung tìm kiếm những giải pháp công nghệ mới giúp giải quyết các thách thức từ những nguồn lực nội tại trong nước. Quá trình hợp tác với các tổ chức phát triển sẽ mang lại cơ hội cho các doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST tiếp nhận sự hỗ trợ về tài chính, nhân lực và kinh nghiệm quản lý, vận hành doanh nghiệp.

Tại Việt Nam, mặc dù mô hình hợp tác giữa các tổ chức phát triển và doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST còn khá mới, song đã có những điển hình thành công. Đó là câu chuyện của startup Hekate với Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc Việt Nam (UNDP Việt Nam) thông qua sản phẩm chatbot 1022. Năm 2017 sau khi triển khai thành công chatbot du lịch tại Đà Nẵng, startup này đã nhận được đề nghị hợp tác từ UNDP để tạo ra một sản phẩm phục vụ cộng đồng. Một năm sau, Chatbot 1022 đã ra đời và hoạt động trên nền tảng mạng xã hội facebook qua nhắn tin Messenger, có thể tự động trả lời tất cả những yêu cầu, câu hỏi, phản hồi của người sử dụng. Với khả năng nhận được 40 nghìn tin nhắn đến và trả lời cùng một lúc, Chatbot giúp người dân Đà Nẵng thoải mái, tiện dụng hơn khi giao tiếp với chính quyền.

Thực tế không chỉ hỗ trợ về tài chính, UNDP cùng uy tín và kinh nghiệm đã mang lại cho Hekate nhiều hơn thế, nhất là những hiểu biết đúng đắn về tâm lý của người dân, chính quyền để có cách tiếp cận chính xác trong việc xây dựng sản phẩm và trở thành một trong 12 sản phẩm lọt vào vòng chung kết GO SMART Award 2020 của Tổ chức toàn cầu của các thành phố thông minh.

Năm 2020, trước tình hình dịch COVID-19, nhận thấy nhu cầu lớn của hệ thống ĐMST Việt Nam, UNDP triển khai một chương trình mới nhằm thúc đẩy phát triển các doanh nghiệp ĐMST, làm sâu sắc hơn hiểu biết về đầu tư của các nhà khởi nghiệp. Ngoài ra, UNDP cũng đã tổ chức một nghiên cứu quan trọng trong việc hỗ trợ và thành lập trung tâm ĐMST tại trường đại học. UNDP luôn chào đón các mô hình đổi mới sáng tạo. Đây là cơ hội cho các doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST có thêm các mối quan hệ hợp tác để cùng giải quyết các vấn đề xã hội.

Đến nay, hệ sinh thái đổi mới sáng tạo của Việt Nam đã bước sang giai đoạn mới, chính vì vậy, việc thúc đẩy hơn nữa sự liên kết, kết nối, đặc biệt là với các tổ chức phát triển để tận dụng hiệu quả các nguồn lực, hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo là điều rất quan trọng.

Truyền thông Chương trình 2075 – StartupLinks