Sáng ngày 24/3, tại Cục Phát triển Thị trường và Doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ đã diễn ra cuộc họp nghiệm thu Dự án quốc gia “Thông tin, truyền thông về phát triển thị trường Khoa học và Công nghệ trên các mạng xã hội tại Việt Nam từ 2018 – 2020” với nhiều kết quả và giải pháp đáng ghi nhận. Tham dự hội đồng nghiệm thu có sự góp mặt của TS. Tạ Bá Hưng – Ban chủ nhiệm Chương trình 2075; các chuyên gia trong lĩnh vực truyền thông báo chí và quản lý KH&CN cùng với đại diện đơn vị thực hiện dự án Maymedia.
Được chủ trì thực hiện trong 2 năm bởi công ty Truyền thông Maymedia cùng với sự hỗ trợ của Ban quản lý Chương trình 2075, Cục Phát triển Thị trường và Doanh nghiệp KH&CN – Bộ KH&CN, Quỹ Phát triển KH&CN Quốc gia, dự án “Thông tin, truyền thông về phát triển thị trường Khoa học và Công nghệ trên các mạng xã hội tại Việt Nam từ 2018 – 2020“ có mục tiêu chính nhằm hỗ trợ tuyên truyền về các đối tượng của thị trường khoa học và công nghệ, qua đó góp phần thúc đẩy cung – cầu, ứng dụng công nghệ, khai thác các kênh mạng xã hội hiệu quả trong hoạt động truyền thông.
Trên thực tế tại Việt Nam đã có nhiều chương trình truyền thông về các nhà khoa học và các công trình nghiên cứu khoa học. Các chương trình giai đoạn từ 2015 đến 2018 tập trung chủ yếu trên các kênh truyền thống như truyền hình, báo chí uy tín, trên website, báo điện tử. Việc khai thác tối đa sức mạnh lan tỏa (viral) thông tin trên các kênh mạng xã hội như facebook, youtube và ứng dụng các công nghệ trong truyền thông là đề xuất mới và được nhìn nhận là cần thiết để theo kịp xu hướng truyền thông hiện đại. Với những thế mạnh đặc thù về các công cụ, kỹ thuật của mạng xã hội sẽ giúp lan tỏa các thông tin cần tuyên truyền, định hướng tiếp cận tới các đối tượng của thị trường khoa học công nghệ một cách nhanh chóng và đúng trọng tâm.
Có thể kể đến một số điểm khác biệt trong nội dung thực hiện dự án so với các hình thức truyền thông truyền thống.
– Hình thành được kênh thông tin chuyên biệt về các sản phẩm, công nghệ, dự án… và các nội dung cần định hướng người đọc về thị trường khoa học và công nghệ; Kênh thông tin có thể chia sẻ các nội dung chất lượng từ các kênh có chuyên đề về khoa học, công nghệ khác như VTV, VTC, VOVTV, TTXVN, VietnamNet, VnExpress.net,…; Kênh thông tin có công cụ hỗ trợ tiếp cận không giới hạn người đọc là đối tượng quan tâm đến thị trường khoa học & công nghệ;
– Ứng dụng các công nghệ Chatbot – trả lời tự động, trắc nghiệm trực tuyến hỗ trợ kết nối, tương tác và cung cấp thông tin cần truyền thông cho số lượng không giới hạn độc giả. Khai thác tính năng thu thập dữ liệu người tương tác theo các hệ thống, hỗ trợ các hoạt động đăng ký tham gia sự kiện qua mã QR, thông báo tự động hàng loạt tới dữ liệu hàng nghìn người tương tác trong một thời điểm;
– Khai thác lợi thế lan tỏa của mạng xã hội facebook, youtube khi các thông tin hiển thị cấp số nhân mỗi lượt nội dung được chia sẻ;
– Khai thác triệt để vai trò của kênh mạng xã hội khách quan có thể chia sẻ nội dung truyền thông từ nhiều nguồn tuyên truyền truyền thống khác nhau cho đến các kênh truyền thông kỹ thuật số khác.
Dự án đã hoàn thành các mục tiêu chính với các sản phẩm cụ thể đạt chất lượng nội dung cao với sự hỗ trợ của các đối tác phối hợp, quản lý nhà nước, chuyên gia và các tổ chức, cá nhân có chuyên môn về thị trường khoa học và công nghệ. Trong đó, với 4 đối tượng chính của thị trường: Nguồn cung, nguồn cầu, các định chế trung gian, cơ chế chính sách đều tập trung ở các hoạt động lớn, các sự kiện thường niên của Bộ Khoa học và Công nghệ. Ngoài việc hoàn thành các sản phẩm, nội dung theo thuyết minh theo dự án, đơn vị chủ trì đã đầu tư đội ngũ thực hiện dự án, biên tập viên, phóng viên thực hiện các hoạt động trực tiếp, trực tuyến, sản xuất phóng sự, tin bài hỗ trợ truyền thông, sáng tạo các hoạt động tương tác thu hút các đối tượng người quan tâm đến thông tin về khoa học, công nghệ và khởi nghiệp cho các hoạt động lớn của Bộ Khoa học và Công nghệ.
Theo nhận xét từ các chuyên gia truyền thông từ hội đồng nghiệm thu, Dự án có tính sáng tạo và đã khai thác, ứng dụng công nghệ hiệu quả trong các hoạt động truyền thông. Khối lượng công việc lớn đã được hoàn thành từ dự án đã thể hiện được nỗ lực khắc phục khó khăn về giới hạn kinh phí và sự ảnh hưởng của đại dịch Covid 19 của đơn vị chủ trì Maymedia. Ngoài ra, đây cũng chính là kết quả đáng ghi nhận của sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan nhà nước và đơn vị tư nhân thực hiện dự án, minh chứng cho sự nhạy bén kịp thời trong công cuộc quản lý KH&CN trong thời đại 4.0 của các cơ quan chức năng.
Truyền thông chương trình 2075.