Sáng 10/7, Hội thảo “Vai trò và giải pháp ươm tạo doanh nghiệp công nghệ cao tại Khu công nghệ cao Đà Nẵng” đã diễn ra với sự tham dự đông đảo của Đại diện các tổ chức ươm tạo doanh nghiệp, các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp, các tổ chức quản lý KHCN, tập đoàn, doanh nghiệp, các trường đại học, các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, các dự án khởi nghiệp khoa học và công nghệ, doanh nghiệp công nghệ 4.0 trong nước và quốc tế hoạt động trong lĩnh vực công nghệ cao và đại diện các cơ quan thông tấn, báo chí. Sự kiện được tổ chức bởi Trung tâm Dịch vụ Tổng hợp Khu công nghệ cao Đà Nẵng (Trung tâm DVTH) phối hợp với Trung tâm ươm tạo khởi nghiệp Sông Hàn.

                             TS. Nguyễn Trung Dũng – Tổng giám đốc BK Holdings

Trao đổi về Kinh nghiệm vận hành, triển khai ươm tạo doanh nghiệp khoa học và công nghệ, đầu tư và chuyển giao công nghệ, TS. Nguyễn Trung Dũng – Tổng giám đốc BK Holdings đã chia sẻ về các thành quả đạt được từ mô hình phát triển các hoạt động khởi nghiệp. Ông Dũng cho rằng đổi mới sáng tạo không chỉ là nền tảng phát triển cho startup mà còn cho cả các doanh nghiệp lớn. Bên cạnh đó, để đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp thành công, đặc biệt, với mục tiêu phát triển ươm tạo được mô hình startup về công nghệ cao thành công cần đảm bảo được 2 yếu tố: Kết nối được 3 nhà: nhà nước – nhà doanh nghiệp và nhà trường và Kết hợp được các nguồn lực.

Ông Nguyễn Hải An – Giám đốc Trung tâm ươm tạo doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao

Về Ươm tạo nông nghiệp công nghệ cao, những thách thức, kinh nghiệm và định hướng ươm tạo, Ông. Nguyễn Hải An – Giám đốc Trung tâm ươm tạo doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao đã chia sẻ chỉ có 7 – 8% doanh nghiệp nông nghiệp CNC thành công do năng lực đầu vào thấp, kết quả nghiên cứu chưa gắn được với thị trường, thiếu vốn và không nghiên cứu kỹ thị trường. Theo ông An, một số định hướng ươm tạo các doanh nghiệp CNC trong việc tổ chức sản xuất theo chuỗi liên kết lấy doanh nghiệp là hạt nhân liên kết tổ chức sản xuất với hộ nông dân. Ngoài ra, các cơ sở ươm tạo cần đại diện để đề xuất các cơ chế, chính sách để cải cách thể chế thực chất, nghiêm túc, tạo môi trường minh bạch, thuận lợi, nâng cao năng lực cạnh tranh để doanh nghiệp, nhà sản xuất trong và ngoài nước đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.

 

                         Ông Lý Đình Quân – Tổng Giám đốc Songhan Incubator

Tại hội thảo, ông Lý Đình Quân – Tổng giám đốc vườn ươm Sông Hàn có đóng góp ý kiến về phát triển Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo dành cho các dự án ươm tạo tại các khu công nghệ cao ở nhiều địa phương. Theo ông Quân, cần có sự chung tay của một hệ sinh thái đi trước để chuẩn bị các nguồn lực bao gồm cả cơ chế, chính sách cùng đồng hành để giúp phát triển đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp, đặc biệt cho đội ngũ doanh nghiệp khởi nghiệp công nghệ cao.

Ý kiến chung của các đại biểu tập trung vào nhu cầu cần sự vào cuộc của quản lý nhà nước trong việc hoàn thiện các cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển hệ sinh thái khởi ghiệp đổi mới sáng tạo. Giải pháp phần nào cho các khó khăn trong cơ chế, chính sách, về các hoạt động cải thiện về chính sách hỗ trợ cho khởi nghiệp thời gian qua.

Hiện nay, Bộ Tài chính đã phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành thông tư 45/2019 về quản lý tài chính triển khai đề án 844, trong đó có căn cứ chi cho các hoạt động hỗ trợ cho các tổ chức khởi nghiệp (đào tạo nâng cao năng lực, ươm tạo, truyền thông, cung cấp dịch vụ cho startup) và hỗ trợ cho startup trong 4 nhóm: trả tiền công lao động, hoàn thiện sản phẩm mẫu, tham gia các chương trình đào tạo/tập huấn ngắn hạn/dài hạn tại các tổ chức hỗ trợ có uy tín trên thế giới, kinh phí sử dụng các dịch vụ hỗ trợ.

Sau khi Thông tư ban hành, Bộ Khoa học và Công nghệ cũng đã phối hợp với bộ tài chính để giải đáp các vướng mắc của địa phương trong việc triển khai thông tư, trong đó phân cấp cho địa phương quyết định số lượng và hạn mức hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tuỳ theo tình hình thực tế và nhu cầu của địa phương.

                                                          Toàn cảnh hội thảo

Ươm tạo doanh nghiệp công nghệ cao là trái tim, tinh hoa của Khu công nghệ cao Đà Nẵng. Ươm tạo doanh nghiệp công nghệ cao là nhiệm vụ quan trọng và cấp thiết để tạo ra những doanh nghiệp công nghệ cạnh tranh cao và hội nhập quốc tế, đóng góp lớn vào phát triển nền kinh tế xã hội tại Đà Nẵng và khu vực miền Trung. Tuy nhiên, để tạo ra những doanh nghiệp công nghệ cao chất lượng, rất cần mạng lưới các nguồn lực hỗ trợ cho hoạt động ươm tạo, một hệ sinh thái ươm tạo công nghệ cao hoàn chỉnh với sự hợp tác và kết nối trong nước và quốc tế, sự hợp tác theo chuỗi giá trị các hoạt động tri thức, công nghệ giữa các trường đại học, viện nghiên cứu, các tập đoàn, quản lý nhà nước, cùng với hệ thống cơ chế chính sách năng động, khả thi.

Đại diện 5 đơn vị tham gia ký kết “Sáng kiến liên minh hợp tác mạng lưới ươm tạo doanh nghiệp khoa học và công nghệ Việt Nam”

Tại Hội thảo cũng đã diễn ra Lễ ký kết: Sáng kiến liên minh hợp tác mạng lưới ươm tạo doanh nghiệp khoa học và công nghệ Việt Nam giữa 5 đơn vị đại diện cho các đơn vị và khu vực trọng điểm trong hoạt động phát triển khởi nghiệp, đặc biệt công nghệ cao. Sự cam kết phối hợp giữa các đơn vị đã thể hiện được sự hợp tác các nguồn lực bằng cách phân chia hoạt động, khai thác thế mạnh của nhau, hỗ trợ lẫn nhau để cùng xây được mạng lưới tốt để phát triển được các thế hệ tiếp theo khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

Hồng Vân – Truyền thông 2075