Đổi mới công nghệ là đòi hỏi cấp thiết trong bối cảnh hội nhập quốc tế và cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 để nâng cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp (DN). Theo đó, việc phát triển thị trường khoa học và công nghệ (KH&CN) là vô cùng cần thiết.
Phát huy vai trò cầu nối
Trong thời gian qua, thị trường KH&CN đã bước đầu phát huy vai trò cầu nối, gắn kết hoạt động KH&CN với sản xuất, kinh doanh. Bộ KH&CN đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương trình Chính phủ ban hành các văn bản quy định cơ chế khuyến khích, hỗ trợ hoạt động liên kết công – tư thực hiện các dự án đầu tư đổi mới công nghệ, xác lập quyền sở hữu công nghiệp, công nhận, đăng ký lưu hành sản phẩm mới, công nghệ mới cho tổ chức, cá nhân thương mại hóa kết quả nghiên cứu…
Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao
Cả nước hiện có 13 sàn giao dịch công nghệ đang hoạt động và một số sàn giao dịch đang trong giai đoạn xây dựng, vận hành thử nghiệm; 8 công viên phần mềm; 13 khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; 9 cơ sở ươm tạo công nghệ cao và vườn ươm DN công nghệ cao đã đi vào hoạt động; 50 vườn ươm công nghệ và DN KH&CN; các trung tâm ứng dụng và phát triển công nghệ ở 63 tỉnh, thành phố. Chưa kể, các hoạt động kết nối cung – cầu công nghệ, chợ công nghệ và thiết bị, chợ công nghệ và thiết bị trực tuyến, công tác hỗ trợ các địa phương, cơ quan, DN xây dựng phần mềm quản lý dữ liệu công nghệ tiếp tục được triển khai hiệu quả.
Đặc biệt, cơ sở dữ liệu về công nghệ liên tục được cập nhật bao gồm 2.000 nguồn cung, với 1.600 nguồn cung công nghệ từ viện, trường và 400 nguồn cung từ các đơn vị, tổ chức nước ngoài; 412 nguồn cầu công nghệ; đã trình diễn, giới thiệu khoảng 800 nguồn cung công nghệ. Qua đó, hỗ trợ và ký kết thành công gần 150 hợp đồng chuyển giao công nghệ, thỏa thuận hợp tác với trị giá gần 800 tỷ đồng.
Đầu tư công nghệ gia tăng
Theo Bộ KH&CN, giai đoạn 2015 – 2018, số lượng hợp đồng tư vấn, chuyển giao công nghệ đạt trung bình 3.000 hợp đồng/năm, tăng trưởng 12%/năm; giá trị hợp đồng tư vấn, chuyển giao công nghệ trung bình 54,5 tỷ đồng/năm, có mức tăng trưởng 10%/năm. Bên cạnh đó, các trung tâm ứng dụng tiến bộ KH&CN đã làm chủ gần 300 công nghệ, 50% trung tâm đã tạo ra doanh thu trung bình trên 60 tỷ đồng/năm, lợi nhuận khoảng 10 tỷ đồng/năm…
Đây là minh chứng cho thấy thị trường KH&CN đang khởi sắc, đồng thời phản ánh mức độ đầu tư vào công nghệ của DN đang ngày càng gia tăng. Mặc dù, công nghệ có thể chuyển giao trực tiếp từ bên cung sang bên cầu mà không cần có sự can thiệp của tổ chức trung gian (như sàn giao dịch công nghệ…).
Tuy nhiên sẽ rất rủi ro cho cả bên cung và cầu công nghệ nếu giao dịch không có bên thứ ba đảm bảo. Tổ chức trung gian vừa đảm bảo cho giao dịch công nghệ hoặc tài sản trí tuệ một cách công khai, minh bạch, khách quan, vừa hỗ trợ định giá công nghệ, tư vấn kỹ thuật, nhằm đảm bảo quyền lợi cho bên cung và bên cầu công nghệ.
Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, ông Đinh Văn Hiến – Tổng giám đốc Công ty Cơ điện đo lường tự động hóa DKNEC – cho rằng, nhà nước cần đẩy mạnh phát triển thị trường công nghệ. Trong đó, chú trọng phát triển đội ngũ tư vấn chuyên nghiệp, hình thành các trung tâm tìm kiếm và phát triển công nghệ để giúp các DN cung cấp và ứng dụng bắt tay nhau. Bên cạnh đó, ban hành các chính sách khuyến khích và hỗ trợ DN đầu tư nghiên cứu, đổi mới công nghệ.
Theo Báo Công thương