Trong khuôn khổ Lễ khai trương Điểm kết nối cung – cầu công nghệ vùng Đồng bằng sông Hồng đã diễn ra Hội thảo “Giải pháp thúc đẩy hoạt động kết nối cung – cầu công nghệ”. Hội thảo do Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức thực hiện. Đây cũng là một trong các hoạt động chào mừng Ngày Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Việt Nam (18/5), tiến tới Kỷ niệm 60 năm thành lập ngành KH&CN.
Hội thảo được tổ chức nhằm trao đổi, thảo luận các giải pháp cụ thể để thúc đẩy hoạt động liên kết, hợp tác nghiên cứu, đổi mới, chuyển giao công nghệ cho vùng Đồng bằng sông Hồng, nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng của sản phẩm, hàng hóa và năng lực cạnh tranh đáp ứng yêu cầu hội nhập của doanh nghiệp.
Hoạt động kết nối cung – cầu công nghệ là một trong các giải pháp cụ thể, thiết thực nhằm phát triển thị trường KH&CN của Việt Nam, là hoạt động định kỳ, thường xuyên được Bộ KH&CN chủ trì, phối hợp với các địa phương triển khai ở quy mô quốc gia, qua đó xác định nhu cầu công nghệ và kết nối với nguồn cung công nghệ phù hợp; thực hiện hoạt động tư vấn kỹ thuật, hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng, đổi mới công nghệ và tiếp cận với các quỹ đầu tư, kênh tài chính trong nước và quốc tế; khai thác và đưa nhanh các kết quả nghiên cứu, công nghệ mới vào thực tiễn; tổ chức tôn vinh các doanh nghiệp đổi mới công nghệ tiêu biểu, góp phần phát triển kinh tế – xã hội tại các vùng, địa phương trên cả nước.
Toàn cảnh Hội thảo “Giải pháp thúc đẩy hoạt động kết nối cung – cầu công nghệ”
Nhằm thúc đẩy phát triển hoạt động kết nối cung – cầu công nghệ, đa số các đại biểu đều cho rằng, cần tăng cường đầu tư, phát triển các sản phẩm chủ lực, trọng điểm của Vùng theo chuỗi giá trị, có thể thông qua các hoạt động liên kết nghiên cứu, liên kết sản xuất, kinh doanh, cần giúp doanh nghiệp tìm kiếm, chuyển giao các công nghệ phù hợp để phát triển các sản phẩm ở địa phương. Cần huy động, kết nối các nhà khoa học trong và ngoài Vùng để nghiên cứu giải quyết một số nhiệm vụ KH&CN và các vấn đề cần thiết nhằm phát triển các sản phẩm của vùng Đồng bằng sông Hồng nói riêng và các vùng trên cả nước nói chung.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận về các chủ đề chính: Đánh giá hoạt động kết nối cung – cầu công nghệ trong thời gian qua và đề xuất giải pháp kết nối hiệu quả thông qua các Điểm kết nối; Đánh giá hiện trạng và nhu cầu kết nối các nguồn cung công nghệ từ các viện nghiên cứu, trường đại học với doanh nghiệp; Trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm quốc tế trong hoạt động kết nối cung – cầu công nghệ; Giải pháp liên kết trực tuyến, kết hợp với các định chế trung gian hiện có để nâng cao hiệu quả kết nối cung – cầu công nghệ; Điểm kết nối cung – cầu công nghệ kết nối nghiên cứu với sản xuất.
Các đại biểu tham dự đã tập trung trao đổi, thảo luận sôi nổi, phản ánh thực trạng, cơ hội và thách thức đối với viện nghiên cứu, trường đại học, doanh nghiệp đối với hoạt động KH&CN trong giai đoạn hội nhập hiện nay, đề xuất nhiều nội dung và chia sẻ những kinh nghiệm quốc tế về mô hình kết nối cung – cầu công nghệ để thúc đẩy hoạt động ứng dụng, đổi mới và chuyển giao công nghệ, phát triển thị trường KH&CN tại các vùng, địa phương.
Nhằm thúc đẩy hoạt động kết nối cung – cầu công nghệ, đa số các đại biểu đều cho rằng, cần tăng cường đầu tư, phát triển các sản phẩm chủ lực, trọng điểm của Vùng theo chuỗi giá trị, có thể thông qua các hoạt động liên kết nghiên cứu, liên kết sản xuất và kinh doanh, cần giúp doanh nghiệp tìm kiếm, chuyển giao các công nghệ phù hợp để phát triển sản phẩm ở địa phương. Việc huy động, kết nối các nhà khoa học trong và ngoài vùng cũng rất cần thiết để nghiên cứu giải quyết một số nhiệm vụ KH&CN, phát triển các sản phẩm của vùng ĐBSH nói riêng và các vùng trên cả nước nói chung.
Bên cạnh đó, Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ cùng các đơn vị thuộc Bộ KH&CN cần phối hợp chặt chẽ với Sở KH&CN các tỉnh, thành phố, các Viện nghiên cứu, Trường đại học, doanh nghiệp triển khai đồng bộ, thường xuyên tổ chức hoạt động truyền thông giới thiệu các Điểm kết nối; đánh giá, cập nhật hiện trạng hoạt động ứng dụng, chuyển giao công nghệ tại địa phương để hỗ trợ kịp thời, giải quyết các vấn đề về chính sách, kỹ thuật, công nghệ; tập trung tổng thể các nguồn lực cho việc nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao công nghệ mới nhằm phát triển các sản phẩm chủ lực, trọng điểm của Vùng, địa phương.
Lê Hà