Ngày 11/1/2019, Sở KH&CN Hà Nội (KH&CN) đã tổ chức Hội nghị Tổng kết hoạt động KH&CN năm 2018, triển khai kế hoạch năm 2019. Tới dự Hội nghị có Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý, Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng, đại diện các bộ/ngành trên địa bàn Hà Nội.

Năm 2018, hoạt động KH&CN Hà Nội đã có những đóng góp quan trọng trên các lĩnh vực: an ninh, chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của Thủ đô. Sở đã thẩm định công nghệ của 27 dự án đầu tư thuộc các lĩnh vực cấp thiết như: cấp nước, thu gom và xử lý nước thải, rác thải, phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn cứu hộ, bãi đỗ xe tự động, giết mổ gia súc, gia cầm…, trong đó có một số dự án trọng điểm như: Trung tâm Giao dịch công nghệ thường xuyên và khu liên cơ quan Võ Chí Công; Nạo vét bùn và bổ cập nước Hồ Tây; Thu hồi điện Xuân Sơn; Hệ thống quan trắc môi trường tự động, liên tục… Các kết quả thẩm định, đánh giá công nghệ đầy đủ, kịp thời đã giúp Thành phố và các chủ đầu tư lựa chọn được những công nghệ tiên tiến, đảm bảo tiêu chuẩn môi trường, tiết kiệm chi phí, an toàn trong sản xuất. Các hoạt động trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ đã góp phần quan trọng giúp các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp và địa phương xây dựng thành công thương hiệu, nhãn hiệu hàng hóa, nhãn hiệu tập thể và chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm, nâng cao giá trị kinh tế của sản phẩm. Năm 2019, Sở KH&CN Hà Nội sẽ tập trung rà soát, hoàn thiện các văn bản, chính sách nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về KH&CN của Thành phố, đồng thời đẩy mạnh đầu tư phát triển tiềm lực KH&CN, triển khai các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng hiện đại phục vụ hoạt động kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm thuộc lĩnh vực tiêu chuẩn đo lường chất lượng; triển khai thiết lập sàn giao dịch KH&CN nhằm phát triển thị trường KH&CN gắn với khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý đã nhấn mạnh một số nhiệm vụ trọng tâm cần lưu ý trong năm 2019 như: nghiên cứu, đổi mới phương thức lựa chọn danh mục đề tài/dự án khoa học theo hướng ứng dụng thiết thực vào đời sống kinh tế – xã hội Thủ đô; xây dựng cơ chế khuyến khích doanh nghiệp nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao, đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm. Tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện 4 nhóm giải pháp lớn nhằm phát triển thị trường KH&CN gồm: kích cung, kích cầu, phát triển hoạt động tư vấn, môi giới, dịch vụ trong giao dịch mua bán công nghệ và hoàn thiện cơ chế chính sách…