Hiện nay ngành nông nghiệp đang đứng trước nhiều khó khăn thách thức như hội nhập kinh tế quốc tế, biến đổi khí hậu cực đoan, dịch bệnh… Bởi vậy, đổi mới khoa học công nghệ là một trong những giải pháp then chốt trong thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp giai đoạn hiện nay.

Theo Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh, khoa học công nghệ là một trong những giải pháp then chốt trong thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Trong bối cảnh mới, các đơn vị nghiên cứu khoa học công nghệ cần đổi mới hơn, bởi các cơ chế, chính sách thay đổi đều gắn với việc ứng dụng khoa học công nghệ. Đáp ứng yêu cầu mới đó, Ban cán sự Đảng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có Nghị quyết về tiếp tục đổi mới hoạt động khoa học và công nghệ ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế và tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Bà Nguyễn Thị Thanh Thủy, Vụ trưởng Khoa học Công nghệ và Môi trường (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), cho biết: Thời gian qua, nhiều công nghệ mới, công nghệ tiên tiến đã được ứng dụng vào sản xuất, các sản phẩm nghiên cứu khoa học của các viện, trường đã được ứng dụng vào sản xuất hiệu quả, như: giống cây trồng và vật nuôi, quy trình công nghệ, các tiến bộ khoa học kỹ thuật… Các viện, trường đã có sự phối hợp với các doanh nghiệp, hợp tác xã, địa phương hay thông qua các mô hình khuyến nông đưa các tiến bộ khoa học kỹ thuật được nhanh chóng chuyển giao, phục vụ sản xuất.

Nhiều kết quả nghiên cứu khoa học đã được chuyển giao, ứng dụng vào sản xuất nông nghiệp

Liên quan đến vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Phạm Công Tạc khẳng định, khoa học và công nghệ đã thực sự là một trong các giải pháp quan trọng đã đóng góp có hiệu quả, tạo ra chuyển biến mang tính đột phá trong phát triển sản xuất nông nghiệp như nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa nông sản trên thị trường trong nước và quốc tế, giải quyết bài toán cực đoan về biến đổi khí hậu… phục vụ tái cơ cấu nền nông nghiệp, nâng cao đời sống của nông dân.

Với sự đóng góp to lớn của cộng đồng các nhà khoa học, sự vào cuộc của các doanh nghiệp, KH&CN đã đóng góp có hiệu quả vào phát triển sản xuất nông nghiệp, bảo đảm nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa nông sản và dịch vụ trên thị trường trong nước và quốc tế.

Nhiều kết quả nghiên cứu khoa học đã được chuyển giao, ứng dụng vào sản xuất nông nghiệp như giống mới, quy trình công nghệ, tiến bộ kỹ thuật mới đã góp phần giảm chi phí đầu tư, tăng lợi nhuận và mang lại hiệu quả kinh tế cao trong sản xuất nông nghiệp.

Hiện Chính phủ đã chỉ đạo khẩn trương rà soát, hoàn thiện các quy định pháp luật, tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động KHCN và đổi mới sáng tạo, đẩy nhanh quá trình thương mại hóa kết quả nghiên cứu, phát triển thị trường KHCN; ban hành các chính sách cụ thể để hỗ trợ chuyển giao công nghệ, tăng cường kết nối giữa viện nghiên cứu, trường đại học với các doanh nghiệp, nâng cao trình độ công nghệ và năng lực hấp thụ công nghệ của doanh nghiệp đáp ứng yêu cầu chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ trong phát biểu tại phiên họp thứ 36 của Ủy ban thường vụ Quốc hội diễn ra mới đây, nêu rõ Chính phủ tiếp tục chỉ đạo thực hiện có hiệu quả Chiến lược phát triển khoa học và công nghệ, gắn với tái cơ cấu nền kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng. Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nêu rõ:

“Cần phải có hình thức tích tụ đất đai đủ rộng, đủ vừa cho các doanh nghiệp lớn vào, phải phát triển mạnh hợp tác xã  và kinh tế tập thể làm kết nối với hộ nông dân và các doanh nghiệp, trong đó chú trọng ứng dụng tốt khoa học và công nghệ trong sản xuất. Chúng tôi hy vọng những biện pháp như vậy tiếp tục tăng số lượng như Bộ trưởng Nông nghiệp nêu ra trong mấy năm vừa rồi tăng gấp 3 lần số doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp phát triển nhờ ứng dụng công nghệ khoa học”.

Cùng với việc đẩy mạnh thu hút đầu tư và các khu công nghệ cao; đẩy mạnh hoạt động ươm tạo doanh nghiệp công nghệ cao và lĩnh vực công nghệ cao, Chính phủ còn tập trung xây dựng Chương trình trọng điểm cấp quốc gia về Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Cùng với đó, tiếp tục quan tâm xây dựng, phát triển đội ngũ cán bộ khoa học công nghệ. Nâng cao hiệu quả chính sách sử dụng và trọng dụng cán bộ khoa học công nghệ; chú trọng thu hút trí thức là người Việt Nam ở nước ngoài. Quan tâm phát triển khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia để thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp sáng tạo trong cộng đồng, đặc biệt là thế hệ trẻ.

PV (T/h)