Ngày 03/5/2019, tại Hà Nội, Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia (NASATI) phối hợp với Mạng lưới học thuật Việt Nam tại Nhật Bản (VANJ), các doanh nghiệp và Tập đoàn Vingroup, Tập đoàn công nghệ CMC, Tập đoàn FPT, Công ty Phân bón Tiến Nông tổ chức Hội thảo “Kết nối các nguồn lực thông tin KH&CN quốc tế phục vụ thương mại hoá kết quả nghiên cứu giữa trường đại học và doanh nghiệp”.
Tham dự Hội thảo có Tiến sỹ Trần Đắc Hiến, Cục trưởng Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia; Giáo sư Masaaki Tanaka, Đại học Tokyo, Nhật Bản; Giáo sư Trần Đặng Xuân, Đại học Hiroshima, Nhật Bản; Giáo sư Hồ Tú Bảo, Viện Nghiên cứu Toán Cao cấp Việt Nam; Tiến sỹ Lê Hoài Quốc, Khu Công nghệ cao Sài Gòn; các nhà khoa học trẻ thuộc Mạng lưới học thuật Việt Nam tại Nhật Bản; lãnh đạo, đại diện cho các doanh nghiệp.
Phát biểu tại Hội thảo, ông Trần Đắc Hiến – Cục trưởng Cục Thông tin KH&CN quốc gia cho biết, Hội thảo “Kết nối các nguồn lực thông tin KH&CN quốc tế phục vụ thương mại hoá kết quả nghiên cứu giữa trường đại học và doanh nghiệp” được tổ chức với kỳ vọng tạo ra sự kết nối giữa các nhà khoa học của Nhật Bản với giới khoa học và các doanh nghiệp ở trong nước, phục vụ thương mại hóa kết quả nghiên cứu.
TS. Trần Đắc Hiến, Cục trưởng Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia phát biểu tại Hội thảo
Chia sẻ tại Hội thảo, Giáo sư Masaaki Tanaka, Đại học Tokyo, Nhật Bản cho biết, hoạt động của Đại học Tokyo chủ yếu tập trung vào nghiên cứu cơ bản. Đối tượng mà chúng tôi chú trọng là các bạn sinh viên. Các trường đại học tại Nhật Bản rất quan tâm đến xây dựng liên kết với các doanh nghiệp. Và đây là sự kết nối lâu dài, chứ không phải chỉ là trong thời gian ngắn. Các bạn sinh viên sau khi đi thực tập tại các doanh nghiệp sẽ định hướng được hướng nghiên cứu của mình theo đặt hàng của các doanh nghiệp để phát triển nghiên cứu của mình gắn chặt chẽ với thực tiễn. Đặc biệt, các trường đại học của Nhật Bản rất chú trọng đến cung – cầu công nghệ để hướng nghiên cứu gắn chặt chẽ với nhu cầu của thực tiễn. Vì vậy, ở Nhật Bản sự hợp tác giữa các trường đại học và doanh nghiệp luôn hướng đến hợp tác lâu dài”.
Giáo sư Trần Đặng Xuân, Đại học Hiroshima, Nhật Bản khẳng định, Hội thảo ngày hôm nay đã trao đổi thảo luận được rất nhiều vấn đề quan trọng, đặc biệt là làm thế nào để kết nối các nguồn lực thông tin KH&CN quốc tế phục vụ thương mại hoá kết quả nghiên cứu giữa trường đại học và doanh nghiệp. Theo ông Xuân, ở Nhật Bản thông tin rất mở nên việc kết nối thông tin là rất nhanh. Việt Nam muốn tiếp cận thông tin tốt nhất nên có sự kiết nối với các doanh nghiệp của Nhật Bản và các nước phát triển đặc biệt là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp bởi họ rất chú trọng đến những nghiên cứu ứng dụng vào thực tiễn. Công tác nghiên cứu khoa học được các doanh nghiệp của Nhật Bản triển khai rất nhanh. Bên cạnh đó, cũng cần tăng cường hơn nữa kết nối giữa các địa phương của Nhật Bản với các địa phương của Việt Nam trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao.
GS. Masaaki Tanaka, Đại học Tokyo, Nhật Bản chia sẻ: “Các trường đại học bên Nhật Bản rất quan tâm đến xây dựng liên kết với các doanh nghiệp”.
GS. Trần Đặng Xuân, Đại học Hiroshima, Nhật Bản
GS. Nguyễn Ngọc Mai Khanh, Đại học Tokyo chia sẻ thêm về chính sách kết nối các nguồn lực thông tin KH&CN quốc tế
Giáo sư Nguyễn Ngọc Mai Khanh, Đại học Tokyo chia sẻ thêm về chính sách kết nối các nguồn lực thông tin KH&CN quốc tế phục vụ thương mại hoá kết quả nghiên cứu giữa trường đại học và doanh nghiệp của Nhật Bản. Theo ông Nguyễn Ngọc Mai Khanh người Nhật Bản rất mạnh về vi mạch, và họ có chính sách chia sẻ rất lớn. Ở Nhật, bản quyền của 1 phần mềm sẽ được tập trung tại 1 trung tâm thay vì nhiều nơi cùng mua bản quyền, sau đó từ trung tâm này các thông tin về phần mềm sẽ được chia sẻ. Người Nhật Bản rất chú trọng đến việc chia sẻ thông tin, do đó người đi sau có thể tiếp thu, kế thừa hoặc nâng cao hơn trên cơ sở nền tảng những nghiên cứu ban đầu.Ông Nguyễn Ngọc Mai Khanh cũng bày tỏ mong muốn Việt Nam sẽ có chính sách kết nối giữa các trường đại học, doanh nghiệp để xây dựng thư viện mở về điện tử vi mạch, qua đó góp phần chia sẻ thông tin giúp những người đi sau có thể kế thừa những thành tựu về điện tử, vi mạch của những nhà nghiên cứu trước đó.
Tại Hội thảo, nhiều nhà khoa học cho rằng thương mại hóa công nghệ trong các trường đại học ở Việt Nam đang có rất nhiều chuyển biến và thay đổi tích cực. Nhận thức của doanh nghiệp về vai trò của khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo ngày càng tăng lên nhằm tạo thêm sức cạnh tranh. Trong các trường đại học, viện nghiên cứu, hướng nghiên cứu khoa học đã ngày càng gắn với thực tiễn nhiều hơn. Nhiều chính sách khuyến khích của Nhà nước đã góp phần tạo điều kiện thuận lợi để liên kết trường đại học và các doanh nghiệp, phát triển thị trường KH&CN, thúc đẩy thương mại hóa kết quả nghiên cứu đại học – doanh nghiệp. Nhiều Luật, Nghị định liên quan đến vấn đề này như: Luật KH&CN, Luật Chuyển giao công nghệ, Luật Sở hữu trí tuệ… cũng đã tạo ra các hành lang pháp lý phù hợp để thúc đẩy mối liên kết này.
Toàn cảnh Hội thảo
Hội thảo cũng là dịp giới thiệu các nguồn lực về thông tin Khoa học, Công nghệ và đổi mới sáng tạo của một số tổ chức nghiên cứu tại Nhật Bản và Việt Nam, đồng thời công bố các kết quả nghiên cứu trong các lĩnh vực chính là Trí tuệ nhân tạo, Thành phố thông minh và Nông nghiệp công nghệ cao của các nhà khoa học trẻ người Việt Nam đang làm việc và học tập tại các trường đại học, các viện nghiên cứu, các công ty công nghệ tại Nhật Bản.
Kết quả của Hội thảo sẽ cung cấp các giải pháp hữu ích cho nhiều vấn đề kinh tế – xã hội của Việt Nam. Thông qua Hội thảo, Ban Tổ chức tin tưởng mối quan hệ hợp tác giữa NASATI với VANJ và các Tập đoàn, doanh nghiệp, trường đại học, viện nghiên cứu của Việt Nam sẽ có những bước tiến mới trong thời gian tới.
Hội thảo là một trong những sự kiện hướng đến chào mừng ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam 18/5.
Hà Chi