Nếu doanh nghiệp nào biết tận dụng cơ hội, mạnh dạn đầu tư công nghệ để phục vụ sản xuất, doanh nghiệp đó sẽ trụ vững. Ngược lại, doanh nghiệp nào e dè, ngại đầu tư hoặc thờ ơ, không chấp nhận thực tế rằng, làn sóng chuyển đổi số đang tác động trực tiếp đến mình, doanh nghiệp đó sẽ bị đào thải.
Trong sản xuất kinh doanh, các doanh nghiệp luôn cần đến những giải pháp công nghệ để tăng năng suất và hiệu quả ở tất cả các khâu, từ cung ứng, tổ chức sản xuất, kiểm soát chất lượng, quảng bá sản phẩm, phân phối đến các hoạt động quản trị nhân sự, tài chính, đầu tư…
Theo thống kê của Bộ Khoa học và Công nghệ, thực tế ở Việt Nam, phần lớn doanh nghiệp quy mô nhỏ, chưa sẵn sàng tự lực tiếp thu công nghệ mới. Hiện cả nước có hơn 600.000 doanh nghiệp, trong đó hơn 90% là doanh nghiệp nhỏ và vừa, phần lớn đều sử dụng công nghệ lạc hậu mức trung bình của thế giới.
Kết quả khảo sát đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp thuộc dự án FIRST-NASATI do Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia, Bộ Khoa học và Công nghệ thực hiện mới đây cho thấy, hơn 85% doanh nghiệp Việt Nam tự thực hiện các hoạt động nghiên cứu phát triển công nghệ mới hay nâng cấp công nghệ hiện tại, trong khi hoạt động chuyển giao công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam hay từ các tổ chức khoa học và công nghệ cho doanh nghiệp ở mức thấp chỉ chiếm khoảng 1%.
Giới chuyên gia nhận định, CMCN 4.0 vừa là cơ hội, vừa là thách thức cho các doanh nghiệp Việt. Nếu doanh nghiệp nào biết tận dụng cơ hội, mạnh dạn đầu tư công nghệ để phục vụ sản xuất, doanh nghiệp đó sẽ trụ vững. Ngược lại, doanh nghiệp nào e dè, ngại đầu tư hoặc thờ ơ, không chấp nhận thực tế rằng, làn sóng chuyển đổi số đang tác động trực tiếp đến mình, doanh nghiệp đó sẽ bị đào thải.
Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Phạm Công Tạc cho biết: Dưới tác động mạnh mẽ của khoa học và công nghệ, các quốc gia có trình độ khoa học và công nghệ chưa phát triển như Việt Nam, cần đặc biệt coi trọng việc tiếp nhận chuyển giao công nghệ từ các nước trên thế giới và đó chính là “bí quyết” nhanh nhất để thành công. Hiện, trình độ và năng lực công nghệ của Việt Nam đang từng bước “tiệm cận” với các nước tiên tiến trong khu vực và thế giới. Tuy nhiên, thời gian tới, Việt Nam cần tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, nâng cao năng lực tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.
Việt Nam đã chú trọng trong việc tận dụng chuyển giao công nghệ và đạt nhiều thành tựu nổi bật. Điển hình, lĩnh vực công nghệ thông tin đã có bước tiến vượt bậc, nhiều công nghệ hiện đại được chuyển giao và ứng dụng thành công như: Mạng viễn thông số hóa, mạng cáp quang, công nghệ CDMA, đặc biệt tiến tới triển khai thử nghiệm mạng 5G tại Việt Nam; Công nghệ khối chuỗi, trí tuệ nhân tạo bước đầu ứng dụng mạnh mẽ phục vụ khách hàng và quản lý hoạt động nội bộ ngân hàng; ứng dụng công nghệ điện toán đám mây để xây dựng cơ sở hạ tầng dữ liệu thông tin, ứng dụng tự động hóa trong quản lý hệ thống ngân hàng nhằm nâng cao an toàn hệ thống ngành ngân hàng.
Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Phạm Công Tạc nhấn mạnh: Quá trình chuyển giao công nghệ tại Việt Nam thời gian qua có nhiều điểm sáng “tích cực” và cần đẩy nhanh việc chuyển giao công nghệ thời gian tới. Tuy nhiên, việc chuyển giao công nghệ nhanh là cần thiết nhưng phải đảm bảo “chắc” và phù hợp với sự phát triển chung của đất nước, không phải cứ “cho” là “nhận”.
Để đổi mới và chuyển giao công nghệ đạt hiệu quả cao, các doanh nghiệp phải xác định được định hướng phát triển, nếu không có định hướng phát triển rõ ràng, chỉ tập trung khai thác các “cơ hội” hoặc duy trì quy mô hiện có về thiết bị, công nghệ, lao động… dễ dẫn tới giảm thị phần và từng bước bị đẩy lùi phía sau. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần cập nhật thường xuyên thông tin về công nghệ, nhất là những thành tựu mới nhất về công nghệ sản xuất, quản trị, kinh doanh trên thế giới để đầu tư nguồn lực thích ứng với công nghệ mới khi được chuyển giao.
Liên quan đến vấn đề này, ông Phạm Thế Dũng, Phó Cục trưởng Cục Ứng dụng và phát triển công nghệ (Bộ KH&CN) cho rằng, cần đẩy mạnh hoạt động kết nối cung – cầu công nghệ, thúc đẩy chuyển giao công nghệ, nâng cao vai trò của các tổ chức trung gian nhằm khuyến khích các hoạt động dịch vụ chuyển giao công nghệ.
Ông Dũng cũng nhấn mạnh, hoạt động kết nối cung – cầu công nghệ là một trong những giải pháp cụ thể, quan trọng trong việc tăng cường dịch vụ chuyển giao công nghệ, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nguồn cung công nghệ. Ngoài ra, kết nối cung – cầu còn là “lời giải” cho “bài toán” trong việc cải tiến, ứng dụng và chuyển giao công nghệ nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và tăng năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.
PV (T/h)