Busadco là tên viết tắt của Công ty TNHH Thoát nước và phát triển đô thị Bà Rịa Vũng Tàu, là doanh nghiệp Khoa học công nghệ (DN KH&CN) đầu tiên của Việt Nam với hơn 700 nhân công, hoạt động trong 5 lĩnh vực: công ích; dịch vụ đầu tư tư vấn xây dựng tổng hợp, thi công xây lắp, đầu tư phát triển nghiên cứu ứng dụng KH&CN. Ông Hoàng Đức Thảo – AHLĐ- Chủ tịch kiêm TGĐ, Công ty cổ phần KH&CN VN (Busadco) cũng là Chủ tịch Hiệp hội DN KH&CN Việt Nam vừa ra mắt hồi đầu tháng 10. Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với ông Hoàng Đức Thảo để hiểu rõ hơn về hoạt động của DN KH&CN hiện nay cũng như vai trò của DN KH&CN nói riêng và Hiệp hội DN KH&CN nói chung trong việc việc phát triển thị trường KH&CN.

 

Ông Hoàng Đức Thảo, AHLĐ- Chủ tịch kiêm TGĐ, Công ty cổ phần KH&CN VN (Busadco)

Nghiên cứu KH&CN theo nhu cầu của thị trường

PV: Để được công nhận là DN KH&CN, các đối tượng thành lập DN KH&CN phải hoàn thành việc ươm tạo và làm chủ công nghệ từ kết quả KH&CN được sở hữu hoặc sử dụng hợp pháp thuộc các lĩnh vực theo quy định, vậy ông có thể cho biết, doanh nghiệp mình hiện đang ươm tạo và làm chủ những công nghệ gì từ kết quả nghiên cứu KH&CN?

– Công ty Cổ phần Khoa học công nghệ Việt Nam (Busadco) – Tiền thân là Công ty TN&PTĐT tỉnh BR-VT hiện nay đang là chủ sở hữu 55 bằng độc quyền sáng chế và giải pháp hữu ích đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp; 41 bằng độc quyền sáng chế và giải pháp hữu ích đã được Cục Sở hữu trí tuệ chấp nhận đơn đăng ký và đang thẩm định. Chủ sở hữu 148 bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp; 80 bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp đã được Cục Sở hữu trí tuệ chấp nhận đơn đăng ký. Busadco là chủ sở hữu các bằng độc quyền trên từ quá trình tự tổ chức nghiên cứu và ứng dụng KHCN chứ không chuyển giao công nghệ từ các tổ chức nghiên cứu khác.

Tác giả của các bằng độc quyền sáng chế và giải pháp hữu ích cũng như bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp đều là của tôi- Hoàng Đức Thảo- AHLĐ- Giải thưởng Hồ Chí Minh về KHCN (giải giành cho cá nhân), hiện đang là Chủ tịch kiêm TGĐ Công ty Cổ phần Khoa học và Công nghệ Việt Nam (Busadco).

Ông Hoàng Đức Thảo (người thứ 3 từ trái sang) cùng Ban vận động thành lập Hiệp hội DN KH&CN Việt Nam đón nhận quyết định thành lập Hiệp hội

 – Hiện nhiều doanh nghiệp đã chú trọng đầu tư vào nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ. Điển hình như một số doanh nghiệp đã thành lập cả Trung tâm nghiên cứu và phát triển, tập trung đầu tư cơ sở vật chất, đào tạo nguồn nhân lực để nâng cao chất lượng hoạt động R&D. Nhiều doanh nghiệp không ngừng tạo ra các sản phẩm mới đưa ra thị trường…Ông có thể giới thiệu về hoạt động nghiên cứu, chuyển giao công nghệ của doanh nghiệp mình?

– Thứ nhất, cũng như đã trả lời ở trên, Busadco không tiếp nhận chuyển giao công nghệ từ bất cứ tổ chức nghiên cứu phát triển khoa học nào mà từ trước đến nay đều do Busadco tự tổ chức nghiên cứu và ứng dụng bao gồm: từ ý tưởng cho đến thí nghiệm, thử nghiệm, thực nghiệm, thiết kế, chế tạo ra sản phẩm mẫu rồi tổ chức ứng dụng thí điểm cho đến đầu tư, chế tạo công nghệ, xây dựng cơ sở sản xuất; tổ chức tiếp thị, thương mại (thương mại hóa) các sản phẩm theo nhu cầu của thị trường và theo đơn đặt hàng của các đối tác, đối tượng khách hàng. Như vậy, Busadco hoàn toàn chủ động tổ chức nghiên cứu và ứng dụng theo một chuỗi khép kín: nghiên cứu – sản xuất – tiêu thụ. Busadco lấy thu bù chi, tự cân đối thu chi, tự chủ, tự chịu về tài chính; tự chủ về nghiên cứu công nghệ và tự đầu tư nghiên cứu, sản xuất, tiêu thụ. Busadco làm chủ về công nghệ, giải pháp kỹ thuật, sản phẩm sản xuất và tự tổ chức tiêu thụ theo nhu cầu thị trường. Thứ hai, hoạt động nghiên cứu và ứng dụng của Busadco không được sử dụng vốn ngân sách nhà nước đầu tư cho nghiên cứu khoa học vì Busadco không phải là tổ chức được Nhà nước thành lập để chuyên về nghiên cứu khoa học nên kết quả hoạt động KHCN của Busadco hoàn toàn theo nhu cầu của thị trường, tồn tại phát triển hay không đều do thị trường quyết định.

Giải pháp công nghệ “Cấu kiện lắp ghép bảo vệ bờ sông, hồ và đê biển” của Busaco được chọn là 1 trong 10 sự kiện KH&CN tiêu biểu năm 2015 của Busadco.

Không có doanh nghiệp thì không thể phát triển được thị trường KH&CN

– Phát triển thị trường khoa học và công nghệ (KH&CN) luôn là nhu cầu bức thiết ở mỗi quốc gia. Trong việc kết nối phát triển thị trường khoa học, doanh nghiệp phải đóng vai trò trung tâm. Ông có thể cho biết sự tham gia đóng góp của doanh nghiệp mình đối với việc phát triển thị trường KH&CN?

– Theo ý kiến của cá nhân tôi thì Doanh nghiệp KH&CN không đóng vai trò trung tâm mà đóng vai trò quyết định thị trường KH&CN bởi vì không có doanh nghiệp thì không thể phát triển được thị trường. Doanh nghiệp KH&CN tạo ra thị trường cung cầu, vì vậy doanh nghiệp, nhà khoa học, nhà quản lý, nhà cung cấp, nhà tiêu dùng là một hợp thể liên kết mật thiết, không thể tách rời khi phát triển thị trường KH & CN.

Theo quan điểm của tôi, Doanh nghiệp KH&CN có vai trò chủ đạo và quyết định thị trường KH&CN vì chỉ có doanh nghiệp KH&CN mới phát triển được thị trường KH&CN.

Riêng đối với doanh nghiệp Busadco với việc phát triển thị trường KH&CN, chúng tôi rất vinh dự, tự hào vì công nghệ, giải pháp kỹ thuật, sản phẩm của Busadco đã góp phần xây dựng đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị, nông thôn bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu trên toàn quốc. Kết quả cụ thể là sản phẩm KHCN của Busadco đã được ứng dụng tại 48/63 tỉnh thành – trong đó có 12 tỉnh thành đã ban hành chủ trương áp dụng. Đặc biệt Busadco đã nhận được giải thưởng Hồ Chí Minh về KHCN năm 2016; Anh hùng lao động tập thể Busadco năm 2013 và cá nhân Ông Hoàng Đức Thảo được phong tặng AHLĐ năm 2011; Huân chương lao động hạng Nhất, Nhì, Ba và nhiều giải thưởng KHCN cao quý của quốc gia và quốc tế. Hiện nay Busadco đang phát triển công nghệ, giải pháp kỹ thuật về sản phẩm bê tông thành mỏng cốt phi kim trong lắp ghép xây dựng công nghiệp và dân dụng, đặc biệt là nhà ở dân cư vùng sâu vùng xa, biên giới hải đảo; nhà xóa đói giảm nghèo; nhà tránh trú bão; nhà chống lũ quét…và đang tiên phong đầu sóng ngọn gió trong cuộc chiến chống xói lở bờ biển Đông và biển Tây tỉnh Cà Mau.

Sản xuất vật liệu phục vụ ngành xây dựng đô thị tại Nhà máy Khoa học công nghệ Busadco (xã Hòa Long, TP. Bà Rịa).

– Có thể nói rằng, hiện tại, về cơ bản môi trường pháp lý cho thị trường khoa học và công nghệ nói chung và doanh nghiệp KH&CN nói riêng. Đặc biệt, để hỗ trợ các doanh nghiệp đổi mới công nghệ, Bộ KH&CN đã có nhiều chương trình, dự án hỗ trợ nghiên cứu khoa học công nghệ. Ông có thể cho biết mục đich cũng như kỳ vọng phát triển Hiệp hội DN KH&CN trong thời gian tới?

Hiệp hội được kỳ vọng sẽ nhanh chóng lớn mạnh và khẳng định được vị thế, vai trò dẫn dắt nền KH&CN ứng dụng nước nhà. Đồng thời, Hiệp hội sẽ là một sân chơi để tất cả các DN KH&CN có thể hội tụ, thể hiện quyết tâm tạo dựng một thị trường các sản phẩm KH&CN với hàm lượng chất xám của người Việt, cho người Việt và do người Việt làm chủ.

Hiệp hội là tổ chức xã hội – nghề nghiệp của các DN KH&CN Việt Nam có hoạt động đổi mới sáng tạo, ứng dụng các kết quả nghiên cứu KH&CN vào thực tiễn cuộc sống. Ngoài ra, nhiệm vụ quan trọng của Hiệp hội còn là bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các hội viên Hiệp hội (như bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, bảo vệ và hỗ trợ DN hội viên tiếp cận các chính sách ưu đãi của Nhà nước; Tư vấn hỗ trợ pháp lý, hỗ trợ giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong quá trình hoạt động của DN KH&CN…

Đặc biệt, Hiệp hội sẽ hỗ trợ, phối hợp xây dựng cơ chế chính sách liên quan tới DN KH&CN; Tổ chức các hội nghị, hội thảo, triển lãm, toạ đàm, đối thoại, hỏi đáp chính sách giữa các thành viên của Hiệp hội với Bộ KH&CN cùng các cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền các cấp và các tổ chức xã hội nghề nghiệp khác có liên quan.

Hội đồng liên minh kỷ lục thế giới chứng nhận ông Hoàng Đức Thảo là nhà khoa học có nhiều công trình sáng tạo nhất giúp cộng đồng

Ngày 5/10, tại Hà Nội, Hiệp hội Doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ Việt Nam (VTS) đã chính thức ra mắt với mục tiêu tạo dựng một sân chơi thực sự cho doanh nghiệp KH&CN. VTS được kỳ vọng, với vai trò là đơn vị cầu nối giúp chuyển giao kết quả nghiên cứu, ứng dụng KH&CN vào sản xuất  kinh doanh, nâng cao giá trị sản phẩm phục vụ đời sống, đồng thời tạo tiền đề liên kết, hợp tác giữa các doanh nghiệp KH&CN trong nước, sẽ mở ra nhiều cơ hội mới cho khối doanh nghiệp KH&CN.

VTS là tổ chức xã hội – nghề nghiệp của các doanh nghiệp KH&CN Việt Nam có hoạt động đổi mới sáng tạo, ứng dụng các kết quả nghiên cứu KH&CN. VTS có nhiệm vụ tập hợp, tổ chức hỗ trợ các doanh nghiệp hội viên đang hoạt động trong lĩnh vực nghiên cứu KH&CN, sản xuất, kinh doanh, tham gia một cách tự nguyện. VTS cũng có trách nhiệm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của hội viên, hỗ trợ hoạt động của doanh nghiệp và kết nối hiệu quả doanh nghiệp với các nhà khoa học, các tổ chức nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ phục vụ sản xuất, kinh doanh, góp phần vào việc phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.

Hoàng Lê