Trung tâm Công nghệ Sinh học TPHCM đã nghiên cứu quy trình chiết xuất catechin – tác nhân kháng khuẩn được ứng dụng nhiều trong thực phẩm và là thành phần trong nhiều loại thực phẩm chức năng – từ lá chè xanh.

Catechin là tên gọi chung của các hợp chất polyphenol được chiết xuất từ lá chè xanh, có khả năng làm giảm các gốc tự do và được dùng như một tác chất kháng oxi hóa có nguồn gốc tự nhiên, sử dụng hiệu quả và an toàn trong công nghệ thực phẩm, thay thế các chất kháng oxi hóa tổng hợp dễ gây tác dụng phụ có hại. Ngoài ra, catechin có khả năng ức chế các enzyme có nguồn gốc từ vi khuẩn và tiêu diệt các loại vi khuẩn làm hư hỏng thực phẩm, loại bỏ các độc tố do chúng gây ra. Vì vậy, catechin là tác nhân kháng khuẩn được ứng dụng nhiều trong thực phẩm và là thành phần trong nhiều loại thực phẩm chức năng.

Nhiều hoạt chất trong lá chè xanh có lợi cho sức khỏ. Ảnh: INT

Catechin còn có tác dụng kháng viêm, ngăn ngừa và điều trị một số bệnh ung thư, tim mạch, cao huyết áp, đường ruột, làm chậm quá trình lão hóa,… Với những tác dụng quá giá trên, catechin có giá trị cao cả về mặt kinh tế và y học. Tuy nhiên, quy trình chiết tách và đánh giá hoạt tính sinh học của catechin ở Việt Nam hiện chưa được chuẩn hóa và thực hiện một cách bài bản.
Theo quy trình của nhóm nghiên cứu, 100g bột trà xanh (khô) được hòa với 1.000ml nước, rồi tiến hành chiết nóng trong 1 giờ ở nhiệt độ 80ºC để thu dịch chiết trà. Đem cô quay dịch này ở 65ºC rồi bổ sung thêm chloroform để loại caffein, diệp lục tố, chất béo và các tạp chất khác. Tiếp tục hòa dung dịch này với ethyl acetate nhằm thu nhận catechin, cuối cùng bổ sung acid citric và đem cô quay ở nhiệt độ 40oC, thu được 230,98mg bột catechin có màu vàng, mịn, thơm.

Bột catechin được chiết xuất từ lá chè xanh. Ảnh: NNC

Đánh giá hoạt tính sinh học cho thấy, bột catechin tách chiết có khả năng kháng oxy hóa tốt, kháng viêm, làm lành nhanh vết thương ở tế bào, đối kháng với hai loại vi khuẩn là E. coli và S. aureu. Catechin tách chiết còn có khả năng ức chế tế bào ung thư trên ba dòng tế bào HepG2 (ung thư gan), A549 (ung thư phổi) và K562 (ung thư máu).
Từ kết quả nghiên cứu nói trên, có thể ứng dụng bột catechin để phát triển một số sản phẩm như trà hòa tan, thực phẩm chức năng, chất kháng khuẩn, chống viêm, chống oxy hóa,… Hiện nhóm đang tiếp tục nghiên cứu, khảo sát thêm khả năng kháng khuẩn, ức chế tế bào ung thư trên nhiều dòng tế bào khác nhau, đánh giá hoạt tính kháng viêm trên chuột,…của bột catechin.
Nguồn: Báo khoa học phát triển