Một nhóm các kỹ sư trẻ đến từ NOCCA Robotics, một công ty khởi nghiệp ở thành phố Pune, phía tây Ấn Độ đang nỗ lực chạy đua với thời gian để phát triển máy trợ thở giá rẻ có thể cứu sống hàng ngàn người trong bối cảnh đại dịch COVID-10 diễn biến ngày càng phức tạp và tiếp tục lây lan tại nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Nhóm kỹ sư đến từ một số trường kỹ thuật hàng đầu của Ấn Độ và hiện đang làm việc cho một công ty mới thành lập đã sản xuất thành công thiết bị robot làm sạch pin năng lượng mặt trời.

Con số thống kê cho thấy ở Ấn Độ hiện chỉ có khoảng 48.000 chiếc máy trợ thở. Trong khi đó, cứ 6 người Ấn Độ thì có một trường hợp nhiễm Covid-19 ở cấp độ nặng với các triệu chứng đi kèm như sốt, ho, khó thở. Máy thở xâm nhập được thiết kế cho những bệnh nhân nặng, phải thở qua ống nội khí quản, khi đó máy sẽ kiểm soát hoạt động hô hấp của bệnh nhân. Tại nước này, các nhân viên y tế đang phải đối mặt với thách thức là làm sao cứu được càng nhiều sinh mạng càng tốt, thậm chí có một số trường hợp họ buộc phải đứng trước lựa chọn sống còn là cứu sống đối tượng bệnh nhân trẻ hơn.
Hiện nay, tại Ấn Độ có ít nhất 2 công ty sản xuất máy trợ thở, vật liệu sản xuất chủ yếu là từ các linh kiện nhập khẩu với giá khoảng 150.000 rupee (tương đương 1.987 USD). Máy thở xâm nhập được phát triển bởi nhóm kỹ sư tại Nocca Robotics dự kiến sẽ được bán với giá 50.000 rupee (tương đương 662 USD). Trong vòng 5 ngày kể từ khi bắt tay vào chế tạo, ba nguyên mẫu của chiếc máy trợ thở giá rẻ đã ra đời.
Thiết bị trợ thở mới có chức năng duy trì áp suất và kiểm soát mức O2 để giữ nhịp thở. Nhóm kỹ sư đã tiến hành thử nghiệm trên phổi nhân tạo để cung cấp O2 và loại bỏ CO2 ra khỏi máu. Vì vậy, nó sẽ hoạt động thay thế chức năng phổi của người bệnh. Tiến sĩ Deepak Padmanabhan, bác sĩ tim mạch tại Viện Khoa học và Nghiên cứu Tim mạch Jayadeva tại thành phố Bangalore, đồng thời là cố vấn chính của dự án cho biết: “Các mô phỏng trên phổi nhân tạo đã được thực hiện và hoạt động tương đối hiệu quả“.
Cuộc đua phát triển máy thở xâm nhập giá rẻ trong bối cảnh dịch COVID-19 đang diễn biến ngày một phức tạp được xem là một câu chuyện đầy cảm hứng, qua đó, cho thấy sự phối hợp nhịp nhàng và hành động nhanh chóng của các tổ chức công và doanh nghiệp tư, một điều từ trước đến nay không phổ biến ở Ấn Độ.
Đại dịch đã mang tất cả chúng ta lại với nhau theo những cách mà tôi không bao giờ có thể tưởng tượng được“, Amitabha Bandyopadhyay, giáo sư khoa học sinh học và kỹ thuật sinh học tại Viện Công nghệ Ấn Độ (IIT), Kanpur và là người điều hành chính của dự án chia sẻ.
Các kỹ sư trẻ đã sử dụng cảm biến áp suất – thành phần chính của thiết bị, có chức năng cung cấp O2 cho phổi ở mức áp suất không gây thương tích.
Một số nhà công nghiệp hàng đầu Ấn Độ, trong đó có công ty sản xuất thiết bị y tế lớn, đã lên kế hoạch đến giữa tháng 5 sẽ chế tạo 30.000 máy trợ thở, tương đương khoảng 150-200 chiếc mỗi ngày.
Các chuyên gia y tế Ấn Độ cho biết mục tiêu của nước này là sản xuất thiết bị trợ thở “giá rẻ”. Trên thực tế, máy trợ thở phụ thuộc vào nguồn cung cấp oxy điều áp từ các nhà máy bệnh viện, nhất là tại một trong những đất nước đông dân nhất thế giới, luôn phải đối mặt với tình trạng thiếu thốn điều kiện y tế, trang thiết bị thì việc này càng khó khăn.
Chúng tôi không có nhiều kinh nghiệm nhưng ưu điểm của chúng tôi tạo ra các sản phẩm một cách dễ dàng. Có thể coi công nghệ mới của chúng tôi như một cỗ máy cứu sinh nhưng cũng đầy rủi ro, vì vậy chúng tôi vẫn đang nỗ lực phát triển một sản phẩm công nghệ hoàn hảo nhằm đối phó với đại dịch COVID-19 trên toàn thế giới“, Nikhil Kurele, đồng sáng lập và giám đốc điều hành của Nocca Robotics cho biết.

Nguồn: vista.gov.vn