Ngày 9/9, trong buổi làm việc với tỉnh Gia Lai về các giải pháp thúc đẩy hoạt động KH&CN địa phương… Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh cho rằng, Gia Lai cần ưu tiên phát triển doanh nghiệp KH&CN địa phương để doanh nghiệp có thể tạo ra sản phẩm mới, có giá trị cao, đồng thời tăng cường tiềm lực cho hệ thống đánh giá chất lượng sản phẩm.

Tại buổi làm việc, ông Lưu Trung Nghĩa, Giám đốc Sở KH&CN Gia Lai cho biết, trong thời gian qua, Sở đã tham mưu lựa chọn, quyết định phê duyệt triển khai thực hiện các nhiệm vụ KH&CN, đặc biệt chú trọng đến việc khai thác tốt các tiềm năng, lợi thế của tỉnh để phát triển bền vững, lấy KH&CN, đổi mới sáng tạo phục vụ phát triển kinh tế – xã hội. Theo kết quả giai đoạn năm 2016 – 2018, việc ứng dụng các tiến bộ KH&CN trong sản xuất nông nghiệp đã làm tăng giá trị các sản phẩm chủ lực của tỉnh.

Trong năm 2019, tỉnh triển khai thực hiện 23 nhiệm vụ KH&CN; cấp 14 giấy chứng nhận hoạt động KH&CN cho các tổ chức KH&CN; chuyển giao kết quả nghiên cứu đối với 90 nhiệm vụ KH&CN… Hiện nay, các nhiệm vụ KH&CN trọng tâm đang được triển khai: hướng dẫn các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tham gia Giải thưởng chất lượng quốc gia hàng năm, kết quả là toàn bộ cơ quan cấp tỉnh, huyện, chi cục và cơ quan ngành dọc và toàn bộ xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh đã triển khai xây dựng và công bố hệ thống quản lý chất lượng theo TCVN ISO 9001:2008…

Một trong những nét khởi sắc về quản lý và thị trường công nghệ là một số các doanh nghiệp áp dụng cơ giới hóa, xây dựng cánh đồng lớn như nhà máy đường An Khê, công ty TNHH MTV Thành Thành Công Gia Lai…, một số doanh nghiệp đã ứng dụng nông nghiệp thông minh trong sản xuất hồ tiêu như công ty Olam tại huyện Chư Pưh, ứng dụng đổi mới công nghệ trong chế biến cà phê như công ty TNHH Vĩnh Hiệp với thương hiệu cà phê L’amant được cấp giấy chứng nhận UTZ và 4C với kinh phí hơn 100 tỷ đồng (tương đương 5 triệu đô la)…v.v. Trên địa bàn tỉnh có 4 doanh nghiệp đã được chứng nhận là doanh nghiệp KH&CN.

Bộ trưởng Chu Ngọc Anh tại buổi làm việc với tỉnh Gia Lai

Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh cho rằng, thời gian tới, tỉnh Gia Lai tiếp tục chỉ đạo tiến hành tổng kết, đánh giá kết quả hoạt động KH&CN giai đoạn 2015-2020, đồng thời xem xét, đưa KH&CN trở thành khâu “đột phá” trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh để có được sự chỉ đạo tập trung hơn.

Để phát huy vai trò của mình hơn nữa, Sở KH&CN Gia Lai cần tiếp tục tham mưu cho lãnh đạo tỉnh để Gia Lai có thể phối hợp các Bộ, ngành và địa phương liên quan trong việc xác định các chương trình dự án liên kết phát triển sản xuất, vùng nguyên liệu, cơ sở chế biến sản phẩm; hỗ trợ các doanh nghiệp vào chuỗi giá trị sản xuất khi triển khai các chương trình, dự án liên kết trên địa bàn.

Nhấn mạnh sự cần thiết gắn kết hoạt động KH&CN với hoạt động sản xuất của doanh nghiệp, Bộ trưởng cho rằng Gia Lai tiếp tục nên ưu tiên cho phát triển doanh nghiệp KH&CN của địa phương theo hướng nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động, nhất là việc tạo ra sản phẩm mới, sản phẩm có giá trị cao; tăng cường tiềm lực cho hệ thống đánh giá chất lượng sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế.

Trước đó, cùng ngày Bộ trưởng và đoàn công tác Bộ KH&CN đã đến dâng hương Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Quảng trường Đại đoàn kết và tham dự Lễ khánh thành Trung tâm chế biến rau quả Doveco Gia Lai. Đây là tổ hợp nhà máy chế biến nông sản hiện đại lớn nhất khu vực Tây Nguyên, với công suất 52.000 tấn sản phẩm/năm.

Được khởi công xây dựng từ tháng 1/2018 trên quy mô 6 ha, Trung tâm chế biến rau quả Doveco Gia Lai đã chính thức đi vào hoạt động với 3 dây chuyền sản xuất tự động hóa áp dụng công nghệ hiện đại của Nhật Bản, Italy, Thụy Điển gồm dây chuyền sản xuất nước quả cô đặc và nước quả tự nhiên, công suất 20.000 tấn sản phẩm/năm; dây chuyền sản xuất rau quả đông lạnh, công suất 22.000 tấn sản phẩm/năm và dây chuyền sản xuất rau quả đồ hộp, công suất 10.000 tấn sản phẩm/năm.

Việc phát triển doanh nghiệp khoa học và công nghệ, thương mại hóa và ứng dụng các kết quả nghiên cứu vào thực tế cũng là một trong những mục tiêu quan trọng của Chương trình Phát triển thị trường khoa học và công nghệ đến năm 2020 (gọi tắt là Chương trình 2075) được Thủ tướng phê duyệt và đang được triển khai.

Thông tin chi tiết về Nghị định 13, các thủ tục hành chính liên quan đến việc thành lập doanh nghiệp KH&CN cũng như quy định các chính sách ưu đãi, hỗ trợ, các nhà khoa học, nhà đầu tư, doanh nghiệp có thể tìm hiểu trên hệ thống trả lời tự động – Chatbot của Fanpage Sàn Công Nghệ Vui

PV (T/h)