Trong sản xuất nông nghiệp, phân bón có một vai trò quyết định cả về chất lượng và sản lượng thu hoạch. Trước đây, phân hoá học được sử dụng nhiều trong trồng trọt vì khi bón cây sử dụng được ngay chất dinh dưỡng trong phân nên có tác dụng nhanh. Tuy nhiên sau thời gian dài sử dụng, phân hoá học làm cho đất bị bạc màu và khô cằn mà giá thành vẫn ngày càng tăng. Để cải thiện được vấn đề này, các nhà khoa học từ nhiều tổ chức đơn vị chuyên môn đã nỗ lực nghiên cứu, tìm kiếm giải pháp tạo nên sản phẩm phân hữu cơ vi sinh thay thế cho phân hóa học với nhiều ưu điểm: có thể cải tạo đất tốt, có tác dụng lâu dài, giúp đất giữ ẩm, giúp cây chống chịu bệnh, giá thành thấp…

Việc nghiên cứu tìm kiếm giải pháp tạo ra sản phẩm phân hữu cơ vi sinh đồng thời đã tận dụng được nguồn phế thải nông nghiệp cây trồng, chất thải gia súc, gia cầm. Từ đó, tạo ra lượng phân vi sinh hữu cơ phong phú cung cấp cho các mô hình làm nông nghiệp sạch, giúp tăng giá trị sản phẩm nông nghiệp và đem lại lợi ích cho người tiêu dùng.

Việt Nam là một nước nông nghiệp với gần 80% dân số làm nông và các công việc liên quan đến nông nghiệp. Vì vậy, khối lượng phụ phẩm nông nghiệp sau thu hoạch là rất lớn thích hợp cho việc ủ thành phân hữu cơ để bón cho cây trồng. Việc nghiên cứu thành công các chế phẩm tạo ra phân hữu cơ từ nguồn nguyên liệu sẵn có như vậy sẽ đem lại giá trị kinh tế to lớn, đồng thời giúp tạo ra được những tác động vô cùng tích cực đến môi trường sống của chúng ta.

Một trong những đơn vị nghiên cứu tiêu biểu trong lĩnh vực tạo ra sản phẩm phân hữu cơ vi sinh thay thế cho phân hóa học là Công ty CP công nghệ vi sinh và môi trường (Mitecom) với Chế phẩm Emic. Công ty đã nghiên cứu thành công và ra mắt quy trình “Xử lý phế phụ phẩm nông nghiệp thành phân ủ hữu cơ vi sinh bằng chế phẩm EMIC”. Thực hiện qui trình này vừa tận dụng được phế thải nông nghiệp làm phân ủ hữu cơ vi sinh để sử dụng, vừa giúp giảm ô nhiễm môi trường. Phân ủ hữu cơ vi sinh từ kết quả sử dụng chế phẩm Emic sẽ giảm chi phí sản xuất, tăng năng suất, chất lượng và cho sản phẩm nông nghiệp sạch.

Chế phẩm EMIC (Bộ vi sinh vật hữu hiệu) là tập hợp nhiều vi sinh vật hữu hiệu đã được nghiên cứu và tuyển chọn. Vi sinh vật phân giải mạnh chất hữu cơ, vi sinh vật sinh chất kháng sinh, chất ức chế tiêu diệt và ức chế vi sinh vật có hại… Một gam chế phẩm chứa trên một tỉ vi sinh vật.

Chế phẩm EMIC có tác dụng:

  • Phân giải nhanh các chất hữu cơ có trong rác thải, phế thải nông nghiệp, các loại mùn hữu cơ như: xenluloza, lignin, tinh bột, protein, lipit,.. thành các chất dinh dưỡng dễ tiêu cho cây.
  • Chuyển hoá nhanh lân khó tiêu thành dễ tiêu.
  • Tạo chất kháng sinh để tiêu diệt hoặc ức chế một số vi sinh vật gây bệnh cho cây trồng.
  • Tạo chất ức chế sinh trưởng hoặc tiêu diệt các vi sinh vật gây thối, làm mất mùi hôi thối.
  • Hình thành các chất kích thích sinh trưởng thực vật, giúp cây phát triển tốt.

1 gam chế phẩm chứa trên 1 tỷ vi sinh vật có tác dụng phân giải rác thải, phế thải nông nghiệp; phân giải nhanh chất thải hữu cơ trong nước thải, làm giảm tối đa mùi hôi và hạn chế mầm bệnh trong chất thải.

Tùy loại nguyên liệu mà thời gian ủ khác nhau, thời gian sử dụng chế phẩm sinh học EMIC để ủ nhằm tạo ra phân hữu cơ vi sinh cho cây trồng là từ 45 đến 50 ngày. Loại phân hữu cơ này sẽ có màu đen sẫm, tơi xốp. Trong quá trình sử dụng cần lưu ý nên bảo quản phân hữu cơ ở một nơi râm mát, che đậy kín, tránh ánh nắng trực tiếp.

Sử dụng phân ủ hữu cơ vừa đem lại hiệu quả kinh tế cao trong sản xuất nông nghiệp, vừa làm cho môi trường ngày càng tốt hơn. Những lợi ích khi sử dụng chế phẩm sinh học EMIC để ủ nhằm tạo ra phân hữu cơ vi sinh cho cây trồng:

  • Cải tạo đất: tăng độ phì nhiêu, tăng chất khoáng, vi sinh vật hữu hiệu cho đất và khả năng chuyển hoá chất dinh dưỡng khó tiêu thành dễ tiêu.
  • Tăng năng suất và chất lượng cây trồng.
  • Tăng khả năng chống chịu sâu bệnh của cây trồng, vì vậy, hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và do đó nâng cao an toàn thực phẩm.
  • Giảm  50% chi phí sản xuất: Giảm chi phí mua phân hóa học
  • Phế thải nông nghiệp sẽ được tận dụng triệt để giúp giảm ô nhiễm môi trường: Giảm thiểu chất thải hữu cơ, giảm các mầm bệnh và côn trùng có hại.

Theo tính toán, khi đem 400g Emic (40 ngàn đồng) xử lý 1 tấn chất thải hữu cơ thì có thể thu được 5 tạ phân bón tương đương 1 triệu đồng. Còn nếu đốt 1 tấn chất thải hữu cơ tạo ra 1,2 tấn CO2 +0,3 tấn CO và các khí độc khác. Sử dụng chế phẩm Emic mỗi năm bình quân giúp người dân tạo ra 125 ngàn tấn phân ủ hữu cơ vi sinh,… giúp giảm 162,500 tấn CO2 và 25 ngàn tấn CO cùng khí độc khác…

Với công dụng đem lại lợi ích kinh tế lớn cho người nông dân cũng như đóng góp tích cực cho môi trường như vậy, Chế phẩm sinh học EMIC đang được hỗ trợ thương mại hóa từ các chương trình lớn của Bộ Khoa học và Công nghệ. Kết quả đạt được từ sự hỗ trợ sẽ giúp sản phẩm được ứng dụng trong rất nhiều lĩnh vực của cuộc sống và trở thành sản phẩm công nghệ xanh có hàm lượng khoa học cao được nghiên cứu thành công bởi các nhà khoa học Việt Nam.

Quy trình “Xử lý phế phụ phẩm nông nghiệp thành phân ủ hữu cơ vi sinh bằng chế phẩm EMIC” của công ty CP công nghệ vi sinh và môi trường (Mitecom) trong năm 2016 đã nhận được hỗ trợ của Trung tâm Đổi mới Sáng tạo Ứng phó với Biến đổi khí hậu (VCIC) và ngân hàng Thế giới Worldbank. Mới đây, năm 2018, Nhận được hỗ trợ của Chương trình Phát triển thị trường KH&CN đến năm 2020 – Chương trình 2075.

Nguồn video: Dự án phát triển cộng đồng Sàn Công Nghệ Vui (thuộc Chương trình 2075)