Sự phát triển của Công ty Cổ phần Dược phẩm Savi (Savipharm) cho thấy hiệu quả của hệ thống chính sách phát triển thị trường doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ (DN KH&CN) mà Chính phủ và TP.HCM dành cho doanh nghiệp KH&CN, tạo điều kiện cho doanh nghiệp có nền tài chính vững vàng hơn, có nguồn lực để đầu tư tiếp tục cho hoạt động nghiên cứu KH&CN, nghiên cứu phát triển.

“Quả ngọt” từ sự hỗ trợ phát triển thị trường KH&CN

Đây là doanh nghiệp thuộc lĩnh vực dược đầu tiên được công nhận là doanh nghiệp KH&CN của TPHCM. Đồng thời, Savipharm cũng là một trong những doanh nghiệp thuộc ngành công nghiệp dược Việt Nam tiên phong ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin vào quản lý hoạt động nghiên cứu khoa học, nghiên cứu phát triển và quản lý sản xuất.

Như đánh giá của nhiều nhà quản lý, việc trở thành doanh nghiệp KH&CN chính là cú hích cho Savipharm (và là động lực cho các đơn vị tiềm năng) tiếp tục đầu tư mạnh mẽ và hiệu quả hơn cho hoạt động nghiên cứu phát triển, góp phần trực tiếp vào việc xây dựng nền công nghiệp dược Việt Nam, đáp ứng nhu cầu cung ứng thuốc chữa bệnh trong nhân dân.

Việc trao chứng nhận doanh nghiệp KH&CN cho Savipharm đã thể hiện nỗ lực đặc biệt trong việc hỗ trợ phát triển thị trường KH&CN của Sở KH&CN TP.HCM và đánh dấu số lượng doanh nghiệp KH&CN tăng nhanh chóng trong những năm gần đây. Với việc được công nhận là DN KH&CN, Savipharm có thêm động lực để tiếp tục đầu tư mạnh mẽ hơn, hiệu quả hơn cho hoạt động KH&CN, nghiên cứu phát triển như đầu tư các dự án sản xuất mới, công nghệ cao, nhà máy dược phẩm thông minh, góp phần trực tiếp vào việc xây dựng phát triển nền công nghiệp dược Việt Nam, hướng tới mục tiêu cung ứng 100% thuốc cho nhu cầu phòng và chữa bệnh cho nhân dân vào năm 2030 theo chủ trương của Chính phủ.

Giám đốc Sở KH&CN TPHCM (phải) trao Giấy chứng nhận Doanh nghiệp KH&CN cho lãnh đạo Công ty Savipharm

Theo ông Nguyễn Việt Dũng, Giám đốc Sở KH&CN TP.HCM, là doanh nghiệp ngành dược đầu tiên tại TP.HCM được cấp chứng nhận DN KH&CN, Savipharm được kỳ vọng trở thành doanh nghiệp dẫn dắt trong ngành, lan tỏa cho các doanh nghiệp khác đầu tư để trở thành DN KH&CN. DN KH&CN là tiền đề của đổi mới sáng tạo, chính từ KH&CN sẽ có những đột phá, giải pháp để tạo ra thế mạnh cạnh tranh khác biệt cho doanh nghiệp kể cả thị trường trong nước và nước ngoài.

Thành quả hoạt động nghiên cứu khoa học, nghiên cứu phát triển cũng đã góp phần trực tiếp vào việc thực hiện cải tiến, thúc đẩy hoàn thiện hệ thống sản xuất của Savipharm.

Hiệu quả từ việc đầu tư nghiên cứu khoa học

Thầy thuốc ưu tú, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Savipharm, cho biết, hiện Savipharm đã nghiên cứu phát triển thành công 11 nhóm dược phẩm chất lượng cao, với 219 số đăng ký, hơn 50 thực phẩm chức năng cũng đã được đăng ký. Trong đó, có thuốc tim mạch là SaVi Trimetazidine 35MR và thuốc kháng virus, điều trị HIV là SaVi Tenofovir 300 đã đoạt giải thưởng “Ngôi sao thuốc Việt”, giải thưởng uy tín nhất về chất lượng của Bộ Y tế.

Ngay từ khi thành lập công ty vào năm 2005, hoạt động nghiên cứu khoa học, nghiên cứu phát triển đã được Savipharm đặc biệt quan tâm: xây dựng mô hình hoạt động KH&CN, nghiên cứu phát triển hiệu quả với việc đầu tư hoạt động 3 cấp (nghiên cứu bào chế – nghiên cứu, sản xuất thực nghiệm – sản xuất thương mại); tuyển chọn, xây dựng, đào tạo đội ngũ cán bộ làm KH&CN; bố trí đủ nguồn tài chính cho hoạt động khoa học và thực hiện chính sách đãi ngộ cao với đội ngũ cán bộ hoạt động KH&CN.

Công nghệ “KHÔNG SINH BỤI – KHÔNG TIẾP XÚC” được ứng dụng tại nhà máy sản xuất Dược tại SAVIPHARM.

Trước đó, Savipharm đã dành ngân sách cho hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D) với tỷ lệ từ 1-3% doanh thu, nhưng từ năm 2016, Hội đồng quản trị của Savipharm đã quyết định tăng tỷ lệ dành cho R&D lên từ 3-5% doanh số.

Thầy thuốc ưu tú Trần Tựu cho rằng, chính sách mà Chính phủ và TP.HCM dành cho doanh nghiệp KH&CN, tạo điều kiện cho doanh nghiệp có nền tài chính vững vàng hơn, có nguồn lực để đầu tư tiếp tục cho hoạt động nghiên cứu KH&CN, nghiên cứu phát triển.

Xưởng sản xuất thực nghiệm được đầu tư các trang thiết bị mô phỏng các thiết bị sản xuất tại nhà máy với các điều kiện vi khí hậu; nhà máy sản xuất dược phẩm được đầu tư trang thiết bị hiện đại, đồng bộ với các dây chuyền pha chế phù hợp với cơ cấu và tính chất điều trị đặc biệt của các dược phẩm, ứng dụng công nghệ “không sinh bụi – không tiếp xúc”, “quản lý bằng hệ thống SCADA”. Nhà máy của Savipharm đã được Cơ quan quản lý dược phẩm và dụng cụ y tế (PMDA) thuộc Bộ y tế Nhật Bản thanh tra và cấp Giấy chứng nhận GMP Nhật Bản 2 lần, vào năm 2010 và 2017.

Tỷ lệ doanh thu dành cho nghiên cứu và phát triển tại Savipharm, được nâng lên mức 3-5% từ năm 2016.

Với sự hỗ trợ từ phía cơ quan Nhà nước, Savipharm đã xây dựng Trung tâm Nghiên cứu phát triển công nghệ cao, tăng sức cạnh tranh cho doanh nghiệp.  Trung tâm này được đầu tư đồng bộ các trang thiết bị nghiên cứu phát triển với công nghệ mới nhất nhằm tạo ra những sản phẩm công nghệ cao ở các nhóm dược phẩm, trước hết là nhóm dược phẩm OSD, kế đến là sản phẩm thuốc nước, mỡ kem, và nhóm dược phẩm để điều trị ung thư với việc hợp tác của các doanh nghiệp nước ngoài.

Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp KH&CN

Khi trở thành doanh nghiệp KHCN, các doanh nghiệp sẽ được hưởng ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp. Cụ thể: Hưởng thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp 10% trong thời gian 15 năm kể từ năm đầu tiên doanh nghiệp có doanh thu từ hoạt động KH&CN; Đồng thời, trong 4 năm đầu tiên, doanh nghiệp KH&CN sẽ được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp, 09 năm tiếp theo giảm 50% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp. Doanh nghiệp KH&CN cũng được miễn lệ phí trước bạ khi đăng ký quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà, được cho thuê đất, cơ sở hạ tầng với mức thấp nhất trong khung giá cho thuê tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế, khu công nghệ cao. Ngoài ra, doanh nghiệp KH&CN còn được hưởng các dịch vụ tư vấn, đào tạo từ các cơ sở ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp của Nhà nước không phải trả phí dịch vụ; được ưu tiên sử dụng các trang thiết bị phục vụ nghiên cứu khoa học trong phòng thí nghiệm trọng điểm…

Truyền thông Chương trình 2075