Hội thảo nghiên cứu và ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) tại TP.HCM giai đoạn 2019-2025 

TP.HCM mong muốn các chuyên gia, nhà khoa học, các doanh nghiệp đề xuất các biện pháp thật hiệu quả để tháo gỡ điểm nghẽn cho việc nghiên cứu, ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong giai đoạn 2019-2025.

Sáng 20.3, UBND TP.HCM tổ chức hội thảo khoa học “Nghiên cứu và ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) tại TP.HCM giai đoạn 2019-2025”. Hội thảo thu hút sự tham gia của các chuyên gia lĩnh vực trí tuệ nhân tạo tại Đại học Quốc gia TP.HCM, Viện John von Neumanm, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên TP.HCM, Trường Đại học Bách khoa, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông VN…

Đây là hội thảo được đánh giá là rất quan trọng đối với TP.HCM nhằm thúc đẩy cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 cũng như nâng cao nhận thức các cấp, các ngành trong việc nghiên cứu và ứng dụng trí tuệ nhân tạo đối với sự phát triển của thành phố.

Tại hội thảo, nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng nhìn trên tổng thể việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào sản xuất và đời sống ở TP.HCM còn quá chậm, thiếu các chuyên gia, các nhà khoa học cho đến nhà hoạch định chính sách về trí tuệ nhân tạo.

Bên cạnh đó môi trường kinh doanh ở TP.HCM cũng chưa thực sự tốt. Đặc biệt, sự gắn kết, tương tác tứ giác cơ bản của cách mạng công nghiệp 4.0 là nhà nước, nhà doanh nghiệp, nhà khoa học và nhà đầu tư tài chính còn lỏng lẻo, đây cũng chính là nguyên nhân của sự kìm hãm việc nghiên cứu và ứng dụng trí tuệ nhân tạo cho TP.HCM trong những năm qua

Ông Nguyễn Thành Phong Chủ tịch UBND TP.HCM nhận định: “Đây là cuộc cách mạng chưa có tiền lệ làm thay đổi toàn bộ các lực lượng sản xuất. Vì vậy cần nhận thức rõ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 là cơ hội vàng để để nhảy vọt tăng trưởng kinh tế trong thời gian tới”.

Theo ước tính của Viện Nghiên cứu toàn cầu, 12 lĩnh vực cốt lõi của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã đem lại giá trị kinh tế thế giới 33.000 tỉ USD từ nay đến năm 2025. Trí tuệ nhân tạo đang phát triển đến ngưỡng có độ ứng dụng rộng rãi trong sản xuất và đời sống. Đặc biệt, vào năm 2016, đã đánh dấu sự phát triển vượt bậc của lĩnh vực này.

Thông qua các số liệu báo cáo, các đề xuất của các nhà khoa học tại hội thảo lần này, TP.HCM mong muốn các chuyên gia, nhà khoa học, các doanh nghiệp cùng thảo luận và đề xuất các biện pháp thật hiệu quả hơn cũng như những góp ý thẳng thắn nhằm góp phần tháo gỡ điểm nghẽn cho sự nghiên cứu, ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong giai đoạn 2019-2025 cho thành phố.

“Chúng tôi hy vọng từ những sáng kiến cũng như kinh nghiệm thực tế của các chuyên gia, nhà khoa học, các doanh nghiệp giúp thành phố vững bước tự tin trên con đường phía trước, tiếp thêm động lực để TP.HCM có thể sản xuất những sản phẩm trí tuệ nhân tạo mang thương hiệu Việt Nam và do người Việt Nam làm chủ. TP.HCM sẽ chủ động nghiên cứu, đề xuất các cơ quan Trung ương ban hành các chính sách vượt trội so với quy định hiện hành để việc nghiên cứu và ứng dụng trí tuệ nhân tạo thuận lợi nhất cả về pháp lý. Đồng thời, cũng tạo điều kiện thuận lợi để các dự án khởi nghiệp nghiên cứu và ứng dụng trí tuệ nhân tạo có môi trường làm việc tốt nhất khi doanh nghiệp đầu tư tại TP.HCM”, ông Nguyễn Thành Phong phát biểu.

Nguồn: motthegioi.vn