Mới đây, vào ngày 16/8, Sở KH&CN TPCHM đã trao giấy Chứng nhận doanh nghiệp KH&CN cho Công ty Cổ phần Dịch vụ Tin học HPT. Đây là doanh nghiệp thứ 82 của TPHCM được công nhận là doanh nghiệp KH&CN.

HPT là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin (CNTT) với hơn 10 sản phẩm về công nghệ được đánh giá để công nhận doanh nghiệp KH&CN.

Các giải pháp công nghệ mà HPT tập trung vào là Hạ tầng CNTT (ảo hóa và điện toán đám mây, hạ tầng mạng, trung tâm dữ liệu, hệ thống máy chủ và lưu trữ, hội nghị truyền hình, truyền thông hợp nhất và giải pháp xây dựng cơ sở dữ liệu doanh nghiệp); Bảo mật (xây dựng nền tảng bảo mật vững chắc cho hệ thống CNTT, đảm bảo quy trình kinh doanh hoạt động hiệu quả, giải quyết những bài toán phát triển mô hình kinh doanh mới); Dữ liệu (xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu toàn diện nhằm đảm bảo tính sẵn sàng cao cũng như an toàn thông tin cho doanh nghiệp); Phần mềm tích hợp (quản lý quy trình nghiệp vụ, định danh và truy cập tập trung, quản lý dịch vụ CNTT); Điện toán đám mây (tư vấn, triển khai các giải pháp điện toán đám mây tiên tiến nhằm tối ưu hóa hệ thống kinh doanh và quản trị của khách hàng).

Ông Nguyễn Khắc Thanh trao giấy chứng nhận doanh nghiệp KH&CN cho Công ty HPT. Ảnh KHPT

Theo ông Nguyễn Khắc Thanh, Phó giám đốc Sở KH&CN, TPHCM chiếm đến 50% số lượng doanh nghiệp KH&CN của cả nước. Tuy nhiên, hiện nay mới chỉ 82 doanh nghiệp đạt chứng nhận KH&CN vẫn còn quá ít so với con số 300.000 doanh nghiệp của Thành phố. Trong 82 doanh nghiệp KH&CN, thì doanh nghiệp CNTT chiếm số lượng nhiều nhất.

Trong thời gian qua, việc phát triển doanh nghiệp KH&CN là nội dung được thành phố quan tâm. Sở KH&CN TP. Hồ Chí Minh cũng đã có nhiều chính sách, hoạt động hỗ trợ các doanh nghiệp đủ điều kiện đăng ký chứng nhận doanh nghiệp KH&CN. Nhờ đó, số lượng doanh nghiệp KH&CN của TP. Hồ Chí Minh đã tăng hơn gấp đôi so với cuối năm 2017

Hiện Sở KH&CN đang tiếp tục triển khai nhiều chương trình hỗ trợ thiết thực dành cho doanh nghiệp như hỗ trợ nghiên cứu khoa học, đổi mới công nghệ, thương mại hóa kết quả nghiên cứu; khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo; hỗ trợ doanh nghiệp KH&CN; phát triển thị trường KH&CN.

Trước đó, vào đầu năm 2019, Chính phủ đã ban hành Nghị định 13/2019/NĐ-CP về doanh nghiệp KH&CN. Nghị định được kỳ vọng tạo điều kiện giải quyết tốt hơn việc đơn giản hóa các thủ tục hành chính liên quan đến việc thành lập doanh nghiệp KH&CN cũng như quy định các chính sách ưu đãi mạch lạc, rõ ràng và dễ đáp ứng hơn cho doanh nghiệp. Một trong các nội dung đáng chú ý là doanh nghiệp KH&CN được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong 4 năm và giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo từ năm đầu tiên doanh nghiệp KH&CN có thu nhập chịu thuế.

PV (T/h)