Việc chế tạo vệ tinh là bước đầu, Việt Nam có trạm thu nhận, điều khiển vệ tinh và điều kiện để nuôi dưỡng đam mê nghiên cứu

Chiều 21/1, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã gặp nhóm kỹ sư các nhà khoa học trẻ sau bốn ngày vệ tinh MicroDragon của Việt Nam phóng thành công tại Nhật Bản. Cuộc gặp có sự tham dự của GS Châu Văn Minh, Chủ tịch Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam., Bộ trưởng Bộ khoa học và công nghệ Chu Ngọc Anh, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, PGS Phạm Anh Tuấn, Tổng giám đốc trung tâm Vũ trụ Việt Nam.

Tại đây Ths Quách Trung Đông, Trung tâm vũ trụ Việt Nam thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam báo cáo với Thủ tướng về quá trình học tập, làm chủ được công nghệ phát triển vệ tinh quan sát Trái Đất cỡ nhỏ ( 50kg ) và vệ tinh nano. Quá trình chế tạo vệ tinh, nhóm đã tự nghiên cứu, xác định mục đích hoạt động, nhiệm vụ của vệ tinh, thiết kế, thử nghiệm, kiểm tra hoạt động trước khi phóng lên quỹ đạo. Dựa trên nền tảng này, Ths Đông kiến nghị Chính phủ tiếp tục tạo điều kiện nghiên cứu, làm chủ những công nghệ phát triển vệ tinh lớn hơn trong tương lai, cụ thể là vệ tinh cỡ 500 kg.

Theo tiến độ của dự án, trước đó các kỹ sư trẻ đều ký hợp đồng với Trung tâm Vũ trụ Việt Nam thời gian là 10 năm. Như vậy sau khi dự án kết thúc, các kỹ sư này giống nhu cầu thủ bóng đá được chuyển nhượng tự do trên thị trường. Vì thế Ths Nguyễn Tiến Sự, Trung tâm Vũ trụ Việt Nam kiến nghị Chính phủ tạo điều kiện thông qua các dự án vệ tinh quy mô lớn hơn và có chính sách để các nghiên cứu viên yên tâm công tác, cống hiến lâu dài cho ngành công nghiệp vũ trụ Việt Nam.

Hiện Việt Nam đang nhờ trạm mặt đất ở Nhật Bản hỗ trợ việc thu phát tín hiệu, dữ liệu hoạt động của vệ tinh. Vì thế, nhóm mong muốn tương lai gần Việt Nam có thể xây dựng trạm mặt đất để kỹ sư Việt Nam chủ động trong việc vận hành

Việt Nam sẽ đầu tư hạ tầng, làm vệ tinh lớn hơn

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao sự hỗ trợ của chính phủ Nhật Bản, các chuyên gia, nhà khoa học cùng nỗ lực của các kỹ sư trẻ đã học tập, chuyển giao công nghệ chế tạo vệ tinh rất bài bản. Kết quả này là tiền đề cho việc sẵn sàng tiếp nhận công nghệ phát triển vệ tinh quan sát Trái Đất thương mại tương lai.

Thủ tướng cũng khẳng định tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi để nuôi dưỡng và duy trì ngọn lửa đam mê khát vọng nghiên cứu sáng tạp và cống hiến của các nhà khoa học trẻ để có bước phát triển mới hơn nữa trong công nghệ vũ trụ của Việt Nam

Thủ tướng đồng ý đề nghị của lãnh đạo bộ khoa học và công nghệ, viện hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam về phát triển hạ tầng công nghệ vũ trụ ở Việt Nam, việc đầu tiên là có trạm thu nhận, điều khiển vệ tinh. Thủ tướng giao cho Bộ kế hoạch và đầu tư sớm trình Thủ tướng xem xét, quyết định dự án công nghệ vũ trụ Việt Nam. Ông cũng lưu ý Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam tạo điều kiện cho cán bộ trong công tác, nghiên cứu, tránh tình trạng “ chuyển nhượng tự do” như ý kiến nhóm chế tạo vệ tinh nêu. Theo đó, Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì phối hợp với Bộ nội vụ và Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam có chính sách phù hợp để đào tạo cán bộ khoa học công nghệ vũ trụ tíên tới những bước tiến xa hơn trong công nghệ vũ trụ.

Bộ trưởng Chu Ngọc Anh khẳng định sẽ cùng với các bộ, ban, ngành và Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam có những chính sách cụ thể để đẩy mạnh phát triển ngành công nghệ vũ trụ nói chung và các kỹ sư trẻ ngành công nghệ vũ trụ nói riêng.

Nguồn: Vnexpress