Nhân Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam (18/5), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có bài viết đưa ra những định hướng, giải pháp tạo đột phá chiến lược thúc đẩy phát triển khoa học – công nghệ và đổi mới, sáng tạo tại Việt Nam. Trong đó, đáng chú ý là Thủ tướng đã “đặt hàng” Bộ Khoa học và Công nghệ 5 vấn đề lớn.

Trong bài viết của mình, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, Việt Nam kiên định xây dựng và hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, coi đây là một nhiệm vụ chiến lược, là khâu đột phá quan trọng, tạo động lực để phát triển nhanh và bền vững đất nước. Phấn đấu đến những năm 2030, Việt Nam hướng tới một xã hội thịnh vượng, thuộc nhóm có thu nhập trung bình cao; đến 2045 trở thành một quốc gia phát triển, định hướng xã hội chủ nghĩa.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu trong Hội nghị về đổi mới sáng tạo vừa diễn ra ở Hà Nội.

Thủ tướng phân tích: Để đạt được mục tiêu này, chúng ta cần có một chiến lược phát triển mạnh mẽ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo làm cơ sở nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của các ngành, lĩnh vực và cả nền kinh tế. Thúc đẩy nghiên cứu và phát triển, khởi nghiệp sáng tạo, ứng dụng kết hợp với phát triển công nghệ nhất là  trong một số ngành, lĩnh vực mới có tiềm năng, thế mạnh. Cần phải xác định khoa học, công nghệ và đổi mới, sáng tạo phải là nền tảng thúc đẩy phát triển nhanh và bền vững đất nước; là lực lượng sản xuất trực tiếp, là động lực chính của mô hình phát triển kinh tế – xã hội.

Phải làm tốt hơn nữa sự phối hợp giữa nhà nước và xã hội trong phát triển khoa học và công nghệ, kết hợp tốt hơn giữa nội lực và ngoại lực trong phát triển khoa học – công nghệ và đổi mới, sáng tạo. Phấn đấu yếu tố năng suất tổng hợp đóng góp vào tăng trưởng đạt trên 50%; năng suất lao động xã hội bình quân tăng ít nhất 6,5-7,0/năm.

“Các bộ, ngành, địa phương cần nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong chỉ đạo phát triển khoa học & công nghệ, tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý và cơ chế, chính sách, với những cơ chế đặc thù, cạnh tranh để tăng cường ứng dụng công nghệ, nâng cao năng lực nghiên cứu và phát triển. Tập trung hoàn thiện hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia với doanh nghiệp là trung tâm, khuyến khích sự sáng tạo của người dân, gắn kết chặt chẽ giữa viện nghiên cứu, trường đại học với doanh nghiệp, dịch vụ công nhằm kiến tạo và tích lũy tài sản trí tuệ, tạo ra nguồn nhiên liệu mới cho tăng trưởng kinh tế nhanh, bao trùm và bền vững”, bài viết của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đăng tải trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ nêu rõ.

Thủ tướng “đặt hàng” 5 vấn đề lớn cho Bộ khoa học và Công nghệ

Để đạt được mục tiêu, Thủ tướng yêu cầu ngành Khoa học và Công nghệ cần phối hợp các bộ, ngành, tổ chức liên quan tham mưu, đề xuất giải pháp, tập trung vào 5 vấn đề lớn. Cụ thể, đề xuất chính sách mang tính đột phá để khuyến khích và thúc đẩy đổi mới, sáng tạo trong khu vực doanh nghiệp, dịch vụ công; nhất là hoạt động khởi nghiệp sáng tạo, đổi mới công nghệ trong sản xuất kinh doanh và dịch vụ công. Tập trung nâng cao năng lực hấp thụ công nghệ của doanh nghiệp.

Hai là, phát huy vai trò và tạo cơ chế phù hợp để các trường đại học, viện nghiên cứu có thể tăng cường nền tảng vốn con người cho đổi mới, sáng tạo; nhất là gắn liền các hoạt động nghiên cứu ứng dụng với nhu cầu doanh nghiệp và nền kinh tế. Cần tạo ra một nguồn lực con người có trình độ và tính sáng tạo cao.

Ba là, thúc đẩy liên kết các mạng lưới đổi mới sáng tạo trong và ngoài nước. Thúc đẩy vai trò then chốt, lan tỏa của các trung tâm trí tuệ, trung tâm đổi mới, sáng tạo đối với sự phát triển thông minh và bền vững ở các tỉnh, thành phố của Việt Nam.

Bốn là, xây dựng năng lực quản trị nhà nước đối với hệ thống đổi mới, sáng tạo, và phát huy công nghệ; hoàn thiện thể chế cho các hoạt động đổi mới, sáng tạo, ứng dụng, phát triển công nghệ.

Năm là, Tái cấu trúc các chương trình, nhiệm vụ khoa học và công nghệ theo chuỗi giá trị của sản phẩm, tạo giá trị gia tăng. Tập trung phát triển sản phẩm quốc gia dựa vào công nghệ mới, công nghệ cao để hình thành các ngành nghề mới và các sản phẩm mới, giá trị gia tăng cao, nhất là lĩnh vực mà Việt Nam có thế mạnh như: nông nghiệp, công nghiệp chế biến chế tạo, dịch vụ, công nghệ thông tin,…

Ngành Khoa học và Công nghệ cần phát huy vai trò điều phối

Để giúp cho Bộ Khoa học và Công nghệ triển khai thực hiện việc “đặt hàng” hiệu quả, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đưa ra những lưu ý cụ thể, trong đó nhấn mạnh việc ngành Khoa học và Công nghệ cần phát huy vai trò điều phối.

Thủ tướng yêu cầu ngành Khoa học và Công nghệ cần xây dựng khuôn khổ cho việc đo lường và đánh giá hiệu quả của nền kinh tế số, của hoạt động của các trường đại học, viện nghiên cứu, các cơ sở có hoạt động khoa học công nghệ. Ngành thống kê nghiên cứu phương thức đo lường và thống kê hiệu quả hoạt động khoa học công nghệ và các hoạt động đổi mới sáng tạo theo các chuẩn mực quốc tế để có thể so sánh. Gắn các chương trình tài trợ nghiên cứu của Nhà nước với việc ứng dụng thực tế và thương mại hóa sản phẩm để tránh nghiên cứu rồi cất vào tủ, dành một phần ngân sách để chi cho các dự án, đề tài được đưa ra ứng dụng trong thực tế.

Cần nghiên cứu thành lập ngân hàng dữ liệu quốc gia về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Xây dựng chính sách nhằm thu hút và cộng tác với các chuyên gia giỏi ở trong và ngoài nước, đặc biệt là cộng đồng các nhà khoa học Việt Nam ở nước ngoài. Chú ý đặc biệt những giải pháp không theo khuôn mẫu; chúng ta muốn thúc đẩy đổi mới sáng tạo thì bản thân chính sách, cơ chế cũng phải thoáng, mở, và sáng tạo.

Áp dụng mô hình đối tác công – tư (PPP) nhằm khuyến khích doanh nghiệp tham gia nhiều hơn vào các hoạt động đổi mới sáng tạo. Thử nghiệm mô hình “Nhà nước sở hữu, tư nhân vận hành”. Chuyển từ mô hình sử dụng ngân sách nhà nước sang đồng tài trợ, tiến đến tự chủ tài chính, nhà nước đặt hàng đối với các cơ sở nghiên cứu, các cơ sở Khoa học và Công nghệ và đổi mới, sáng tạo.

Thủ tướng đặc biệt nhấn mạnh đến việc ngành Khoa học và Công nghệ sớm hoàn thiện Chỉ thị về việc thúc đẩy hấp thụ, phát triển công nghệ, hoạt động đổi mới công nghệ và hoạt động đổi mới sáng tạo để nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của doanh nghiệp, bao gồm việc phát huy quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp; khuyến khích hình thành các quỹ đầu tư mạo hiểm xã hội để đầu tư cho nghiên cứu phá triển và thương mại hóa các sản phẩm sáng tạo; đề án hoàn thiện thể chế để thu thút nguồn lực xã hội đầu tư cho khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, nhất là từ doanh nghiệp; Điều lệ tổ chức và hoạt động của Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia; Chiến lược sở hữu trí tuệ quốc gia.

“Ngành Khoa học và Công nghệ cần phát huy vai trò điều phối, nâng cao hiệu quả công tác giữa các bộ, ngành và các cấp trong phát triển và ứng dụng kết quả khoa học và công nghệ vào phát triển kinh tế – xã hội. Thúc đẩy hợp tác quốc tế về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; nhằm khai thác lợi thế, chia sẻ kinh nghiệm và tận dụng các thành tựu Khoa học và Công nghệ tiên tiến, cũng như chủ động nắm rõ các xu thế Khoa học và Công nghệ trên thế giới để có phương án vận dụng hiệu quả vào Việt Nam”, Thủ tướng nhấn mạnh trong bài viết của mình.

Nguồn: dantri.com.vn/