(HNM) – Từ ngày 20-3-2019, Nghị định 13/2019/NĐ-CP về doanh nghiệp khoa học và công nghệ chính thức có hiệu lực với nhiều chính sách ưu đãi về thuế, miễn giảm tiền thuê đất, ưu đãi tín dụng… đối với các doanh nghiệp khoa học và công nghệ. Nghị định này được trông đợi sẽ giải tỏa được những khó khăn trong việc hình thành, phát triển doanh nghiệp khoa học – công nghệ, đồng thời tháo gỡ nhiều rào cản khi đưa sản phẩm ra thị trường.

“Cởi trói” cho doanh nghiệp

Liên quan tới việc phát triển hệ thống doanh nghiệp khoa học – công nghệ (KH-CN), Bộ KH-CN đã nhận được nhiều ý kiến từ các sở KH-CN, các doanh nghiệp, bày tỏ những khó khăn trong việc hình thành, phát triển của doanh nghiệp cũng như quá trình thương mại hóa, đưa sản phẩm KH-CN ra thị trường.

Nhiều chính sách ưu đãi có hiệu lực sẽ thúc đẩy các doanh nghiệp khoa học và công nghệ phát triển.Trong ảnh: Lai tạo, nhân cấy mô tại Viện Nghiên cứu ngô (Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam). Ảnh: Bá Hoạt

Hà Nội là một trong những địa phương đi đầu trong phát triển thị trường KH-CN và hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp sáng tạo. Liên quan đến vấn đề này, Tiến sĩ Lưu Hải Minh, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Công nghệ mới Nhật Hải chia sẻ: “Thành phố đã có nhiều nỗ lực trong việc tạo thuận lợi cấp giấy chứng nhận doanh nghiệp KH-CN. Tuy nhiên, doanh nghiệp vẫn gặp phải nhiều rào cản do cơ chế, như các quy định về chuyển giao công nghệ, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ… Ví dụ, khi chuyển giao công nghệ, doanh nghiệp KH-CN chỉ có thể chuyển quyền sử dụng chứ không thể chuyển quyền sở hữu kết quả KH-CN. Điều đó làm cản trở giai đoạn đầu tư kết quả nghiên cứu ra thành phẩm để bán ra thị trường vì khó xác định quyền của doanh nghiệp KH-CN và nhà nghiên cứu. Doanh nghiệp muốn đầu tư nhiều hơn cho thử nghiệm và sản xuất lớn cũng không được vì không có cơ sở định giá tài sản để chia cho nhà khoa học”.

Theo ông Lưu Hải Minh, trong tương lai, doanh nghiệp KH-CN sẽ là nhà tiên phong mang lại lợi ích. Vì vậy, đằng sau một giấy chứng nhận doanh nghiệp KH-CN phải là một cơ chế để làm sao doanh nghiệp được “cởi trói”, có vốn để kinh doanh.

Nghị định số 13/2019/NĐ-CP về doanh nghiệp KH-CN kỳ vọng sẽ giải quyết được những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp KH-CN thời gian qua. Ông Trần Xuân Đích, Phó Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và hỗ trợ doanh nghiệp KH-CN (Bộ KH-CN) cho rằng, Nghị định này đã thể chế hóa được định hướng của Quốc hội và Chính phủ coi doanh nghiệp là trung tâm của hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia với các giải pháp quan trọng.

Trong đó phải kể đến việc đơn giản hóa thủ tục hành chính trong đăng ký công nhận doanh nghiệp KH-CN, chuyển từ cơ chế tiền kiểm sang hậu kiểm trong đánh giá hồ sơ đăng ký, cụ thể hóa quy trình thủ tục tiếp cận chính sách ưu đãi, khuyến khích doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo…

Chú trọng cơ chế hậu kiểm

Phân tích những điểm nổi bật trong các chính sách ưu đãi, hỗ trợ doanh nghiệp của Nghị định 13/2019/NĐ-CP, Tiến sĩ Lê Ngọc Anh, Giám đốc Sở KH-CN Hà Nội cho biết: “Khi Nghị định có hiệu lực, các doanh nghiệp KH-CN sẽ được miễn thuế 4 năm, giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo. Trước đây, doanh nghiệp KH-CN phải đáp ứng điều kiện: Tỷ lệ doanh thu của sản phẩm hình thành từ kết quả KH-CN tối thiểu đạt 30% tổng doanh thu trong năm thứ nhất, 50% trong năm thứ hai và 70% từ năm thứ ba trở đi mới được hưởng ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp. Nghị định mới đã giảm điều kiện xuống tỷ lệ 30%, doanh nghiệp mới thành lập dưới 5 năm không cần đáp ứng điều kiện này…”.

Cũng theo ông Lê Ngọc Anh, Nghị định mở rộng các lĩnh vực được đăng ký chứng nhận cho doanh nghiệp thuộc tất cả lĩnh vực, thay cho chỉ 7 lĩnh vực như trước đây. Thời gian xử lý hồ sơ giảm từ 30 ngày xuống còn tối đa 15 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ. Ngay sau khi được cấp giấy chứng nhận, doanh nghiệp KH-CN sẽ được hưởng ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp, nhằm tích tụ được nguồn vốn để đầu tư phát triển.

Đồng thời để khuyến khích các doanh nghiệp mới khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ, các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo có thể đăng ký chứng nhận doanh nghiệp KH-CN nhằm hỗ trợ thuận lợi cho quá trình nghiên cứu phát triển và thương mại hóa công nghệ mới.

Để giải quyết một khó khăn rất lớn là việc chứng minh quyền sở hữu, quyền sử dụng hợp pháp đối với kết quả KH-CN, Phó Cục trưởng Trần Xuân Đích nhấn mạnh tới việc áp dụng cơ chế hậu kiểm trong quản lý, giám sát hoạt động của doanh nghiệp. Theo quy định cũ, để được công nhận doanh nghiệp KH-CN, doanh nghiệp phải chứng minh quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng hợp pháp kết quả KH-CN thông qua rất nhiều văn bản. Với quy định mới, doanh nghiệp có thể tự cam kết về quyền sở hữu, quyền sử dụng đối với kết quả KH-CN.

Trong quá trình chứng nhận, thông tin về kết quả KH-CN của doanh nghiệp sẽ được đăng tải trên cổng thông tin của cơ quan cấp giấy chứng nhận, để tổ chức, cá nhân khác có thể phản ánh trong trường hợp bị xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Trường hợp doanh nghiệp bị cơ quan có thẩm quyền kết luận có hành vi vi phạm thì giấy chứng nhận sẽ bị hủy bỏ hiệu lực.

 

Đến hết năm 2018, số lượng doanh nghiệp KH-CN trên cả nước tiếp tục tăng với 386 doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận doanh nghiệp KH-CN, 43 tổ chức được cấp giấy chứng nhận hoạt động công nghệ cao và hơn 2.000 doanh nghiệp đạt điều kiện doanh nghiệp KH-CN trong lĩnh vực công nghệ thông tin. Hà Nội có 46 doanh nghiệp KH-CN đã được cấp chứng nhận, đứng thứ 2 trong cả nước, sau thành phố Hồ Chí Minh với 62 doanh nghiệp.

 

Nguồn: hanoimoi.com.vn