Đây là chủ đề Sáng kiến của Tiểu ban Khoa học Tự nhiên, Bộ Khoa học và Công Nghệ, Uỷ ban Quốc gia UNESCO Việt Nam kêu gọi hưởng ứng do Tổ chức Văn hóa, Khoa học và Giáo dục Liên Hợp Quốc (UNESCO) phát động diễn ra ngày 8/6/2020 tại Hà Nội nhân Ngày Đại dương Thế giới và Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam.

Hoạt động dọn sạch bãi biển tại Cù Lao Chàm (2019) do UNESCO và Khu Dự trữ sinh quyển Cù Lao Chàm phối hợp tổ chức.

Sáng kiến nhằm thúc đẩy vai trò của thanh niên, các nhà khoa học trẻ đề xuất các sáng kiến, giải pháp giảm thiểu, tái chế, tái sử dụng và quản lý chất thải nhựa tại các Khu dự trữ sinh quyển thế giới ven biển tại Việt Nam.

Theo báo cáo của Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc (UNEP), hàng năm khoảng 730.000 tấn rác thải, khoảng tám triệu tấn nhựa thải ra biển, tương đương cứ mỗi phút lại có một xe chở rác thải nhựa phần lớn có nguồn gốc từ đất liền đổ ra đại dương hàng năm. Chỉ riêng tại Việt Nam, khối lượng rác thải sinh hoạt cũng đang gia tăng nhanh chóng.

Tại lễ phát động phong trào  toàn quốc  chống rác thải nhựa năm 2019, hưởng ứng lời kêu gọi Thủ tưởng chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Sáng kiến, từ năm 2019, Tiểu ban Khoa học Tự nhiên, Bộ Khoa học và Công nghệ, Uỷ ban Quốc gia UNESCO Việt Nam đã hỗ trợ các hoạt động khoa học biển thông qua nghiên cứu, nâng cao năng lực, hỗ trợ kỹ thuật cho quy hoạch không gian biển, ứng dụng các công nghệ tiên tiến trong xử lý ô nhiễm môi trường biển, rác thải đại dương và suy giảm đa dạng sinh học biển; hướng tới hỗ trợ thúc đẩy khoa học đại dương vì sự phát triển bền vững trong khuôn khổ Thập kỷ Khoa học đại dương của Liên Hợp Quốc (2021-2030) do Ủy ban liên chính phủ về hải dương học của UNESCO chịu trách nhiệm điều phối.

Bên cạnh đó, Sáng kiến còn hướng đến tạo nền tảng lâu dài cho những tài năng, sinh viên, nhà khoa học trẻ tại các trường đại học trên toàn quốc tham gia phát triển giải pháp sáng tạo thiết thực, tập trung vào lĩnh vực giảm thiểu, tái sử dụng và tái chế, góp phần xây dựng nền kinh tế tuần hoàn.

Cũng trong khuôn khổ Sáng kiến, các nhóm thanh niên và các nhà khoa học trẻ sẽ được cung cấp hỗ trợ kỹ thuật từ các chuyên gia giàu kinh nghiệm thông qua các chương trình đào tạo, hỗ trợ tài chính để triển khai thí điểm ở các Khu dự trữ sinh quyển thế giới vùng ven biển tại Việt Nam như: Khu dự trữ sinh quyển Cù Lao Chàm – Hội An cho chương trình năm 2020; hỗ trợ các cộng đồng ven biển tại các Khu dự trữ sinh quyển thế giới, giải quyết vấn đề rác thải nhựa, cải thiện môi trường và nâng cao chất lượng cuộc sống.

Âu thuyền Thọ Quang tại Đà Nẵng (ảnh Nguyễn Minh Đức).

Ngoài ra, Sáng kiến sẽ hình thành Mạng lưới Thanh niên và các nhà khoa học trẻ hành động vì sự Đổi mới trong Khoa học và Kỹ thuật (U-INSPIRE) với vai trò như một diễn đàn hỗ trợ chia sẻ kiến thức và ý tưởng sáng tạo từ các thanh niên của Việt Nam trong các vấn đề về môi trường và phát triển của quốc gia. Đồng thời phản ánh cam kết mạnh mẽ của UNESCO trong hỗ trợ Việt Nam bảo tồn các hệ sinh thái biển và phát triển đại dương bền vững, góp phần vào việc triển khai Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển đến năm 2030, tầm nhìn 2045 và Kế hoạch hành động quốc gia về Quản lý rác thải nhựa Đại đương đến năm 2030.

Nhấn mạnh về vai trò của thanh niên Việt Nam, ông Micheal Croft – Trưởng đại diện của Tổ chức UNESCO tại Việt Nam khẳng định: “thế hệ trẻ của Việt Nam đầy tài năng và luôn sẵn sàng cho các giải pháp cải thiện các vấn đề về phát triển ở tất cả các lĩnh vực”.

Theo đó, những định hướng phát triển bền vững UNESCO triển khai tại Việt Nam cũng là những vấn đề mà Việt Nam đang hướng tới. Tiểu ban Khoa học Tự nhiên, Bộ Khoa học và Công nghệ luôn phối hợp và đồng hành cùng Uỷ ban quốc gia UNESCO của Việt Nam; tin tưởng sự hỗ trợ, kết nối các tài năng sáng tạo trẻ thông qua Chương trình sẽ ươm mầm cho các sáng kiến, thúc đẩy hơn nữa vai trò của thanh niên nhằm phát triển bền vững tại Việt nam nói chung và các khu dự trữ sinh quyển của Việt Nam nói riêng trong thời gian tới.