Doanh nghiệp khoa học công nghệ (KHCN) là doanh nghiệp thực hiện các hoạt động sản xuất kinh doanh các loại sản phẩm từ kết quả nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ cũng như tiến hành thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ. Đây là loại hình doanh nghiệp rất đặc thù nên thủ tục thành lập doanh nghiệp KHCN sẽ có những quy định riêng biệt.

Điều kiện thành lập doanh nghiệp KHCN

Để thành lập một doanh nghiệp KHCN thì doanh nghiệp đó phải hội đủ những điều kiện như sau:

Các cá nhân hoặc tổ chức thành lập doanh nghiệp KHCN phải hoàn thành việc sáng chế (hay còn gọi là ươm tạo) và phải làm chủ được những kết quả từ việc sáng chế đó, làm chủ được khoa học và công nghệ mà mình đã tạo ra hoặc được sở hữu, phải sử dụng hợp pháp và có sở hữu hợp pháp các công nghệ do mình sáng tạo để phát triển vào việc sản xuất các sản phẩm thuộc các lĩnh vực như:

– Phát triển công nghệ phần mềm tin học: như bảo mật, chống virus, thiết kế phần mềm,… thuộc lĩnh vực công nghệ thông tin

– Phát triển công nghệ sinh học phục vụ cho các ngành:

+ Nuôi trồng thủy sản: các máy móc, thuốc trị bệnh thủy sản, thức ăn đủ dinh dưỡng…

+ Nông nghiệp: các giống lúa và hoa màu mới, thuốc trị sâu bệnh, phân bón…

+ Y tế: các loại thuốc kháng sinh, phương pháp chữa bệnh kết hợp đông tây y…

– Phát triển dây chuyền tự động hóa sản xuất, robot tự động, máy móc công nghệ cao,… nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, thuộc lĩnh vực tự động hóa.

– Phát triển công nghệ nano, bao phủ bên ngoài xe, vật dụng gia dụng, chống trầy và hạn chế vi khuẩn… phát triển các máy phun nano tối tân và tiện dụng hơn, bền hơn; ngoài ra còn phải tìm kiếm các chất liệu mới phù hợp hơn với môi trường, thời tiết Việt Nam, giá thành giảm… thuộc lĩnh vực công nghệ vật liệu mới.

– Phát triển các công nghệ như túi giấy sinh học dễ phân hủy thay thế cho nylon, thuốc diệt cỏ, diệt sâu bệnh ko gây nguy hiểm cho môi trường sống… thuộc lĩnh vực công nghệ bảo vệ môi trường.

– Phát triển sử dụng nguồn năng lượng sạch như năng lượng mặt trời, các chất đốt sinh học thay thế xăng dầu, ít khói bụi… thuộc lĩnh vực công nghệ năng lượng mới.

– Phát triển vệ tinh phóng vào không gian, nghiên cứu mô hình tàu vũ trụ… thuộc công nghệ vũ trụ.

Sau khi hội đủ các điều kiện trên các cá nhân hoặc tổ chức muốn đăng ký thành lập doanh nghiệp KHCN có thể chuẩn bị 1 bộ hồ sơ để nộp trực tiếp lên Sở Khoa học và Công nghệ để được cấp giấy chứng nhận hoạt động.

Doanh nghiệp KHCN là loại hình doanh nghiệp rất đặc thù nên thủ tục thành lập sẽ có những quy định riêng biệt. Ảnh minh họa

Hồ sơ thành lập doanh nghiệp KHCN

Hồ sơ thành lập doanh nghiệp KHCN theo quy định bao gồm:

Giấy đề nghị chứng nhận doanh nghiệp KHCN;

Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh;

Nội dung dự án sản xuất, kinh doanh.

Trong đó, nội dung dự án sản xuất, kinh doanh cần phải thuyết minh rõ ràng các sản phẩm dự kiến sản xuất, kinh doanh  và phải được hình thành từ các kết quả KHCN; các điều kiện bảo đảm hoạt động sản xuất, kinh doanh. Kèm theo các văn bản xác nhận quyền sử dụng /sở hữu hợp pháp các kết quả KHCN đó.

Bên cạnh đó, hồ sơ đăng ký chứng nhận doanh nghiệp KHCN của đối tượng là tổ chức công lập thì ngoài các văn bản theo quy định kể trên cần có thêm quyết định của cơ quan quản lý nhà nước phê duyệt đề án chuyển đổi tổ chức hoạt động.

Trình tự thực hiện đăng ký thành lập doanh nghiệp KHCN

Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ theo đúng quy định của Pháp luật về thành lập doanh nghiệp.

Bước 2: Nộp hồ sơ đăng ký thành lập doanh nghiệp KHCN tại Văn phòng sở Khoa học và công nghệ.

Ở bước đăng ký cấp giấy chứng nhận thành lập doanh nghiệp KHCN này, doanh nghiệp không cần phải nộp bất kỳ một loại lệ phí nào khi.

Trong thời gian 30 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ đăng ký hợp lệ, Sở KHCN sẽ tiến hành xem xét, thẩm định hồ sơ đăng ký. Lúc này có 2 trường hợp:

+ Nếu hồ sơ doanh nghiệp đáp ứng các yêu cầu theo quy định thì Sở Khoa học và Công nghệ sẽ cấp Giấy chứng nhận doanh nghiệp KHCN.

+ Nếu trường hợp hồ sơ thành lập doanh nghiệp KHCN và bản thân doanh nghiệp không đáp ứng được các yêu cầu theo quy định thì Sở Khoa học và Công nghệ không cấp giấy chứng nhận doanh nghiệp và sẽ gửi văn bản trả lời và nêu rõ lý do.

Bước 3: Sau khi có thông báo về việc nhận Giấy chứng nhận, doanh nghiệp sẽ nhận kết quả tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả ở Sở Khoa học và Công nghệ.

Các thông tin và chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp KH&CN, điều kiện thành lập doanh nghiệp KH&CN… các tổ chức, cá nhân và các nhà khoa học có thể tìm được trên các trang: www.thongtincongnghe.gov.vn hoặc www.2075.com.vn thuộc Dự án Phát triển cộng đồng Sàn Công Nghệ Vui.