Tại buổi làm việc, Giám đốc Sở KH&CN Tỉnh Kon Tum Bùi Thanh Bình cho biết, hoạt động KH&CN của Tỉnh ngày càng được đổi mới; tiềm lực KH&CN, công tác nghiên cứu khoa học, chuyển giao và ứng dụng các tiến bộ KH&CN vào sản xuất, đời sống có chuyển biến tích cực và đã có đóng góp cho phát triển kinh tế – xã hội.
Các nhiệm vụ KH&CN đã bám sát nhiệm vụ, mục tiêu về phát triển KH&CN Trung ương; kế hoạch phát triển KH&CN giai đoạn 2016-2020 và nhiệm phát triển kinh tế – xã hội của Tỉnh, đặc biệt đối với các sản phẩm chủ lực, ngành kinh tế mũi nhọn. Công tác nghiên cứu, ứng dụng bước đầu đã gắn kết với các doanh nghiệp để nâng cao trình độ công nghệ, năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa.
Hoạt động nghiên cứu, triển khai ứng dụng thành tựu KH&CN vào sản xuất và đời sống đã có chuyển biến tích cực, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp, tạo ra một số sản phẩm nông nghiệp có chất lượng và được thương mại hóa trên thị trường. Nhiều kết quả nghiên cứu đã được ứng dụng thành công, góp phần quan trọng vào việc nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả trong các lĩnh vực sản xuất và đời sống.
Tiềm lực KH&CN được quan tâm đầu tư, từng bước đáp ứng tốt hơn cho hoạt động nghiên cứu, chuyển giao ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật phục vụ phát triển KT-XH, đảm bảo an ninh, quốc phòng trên địa bàn tỉnh. Đáng chú ý, từ đầu năm 2019 đến nay, Tỉnh đã ban hành 17 nghị quyết và quyết định, 4 kế hoạch phục vụ công tác quản lý nhà nước của ngành KH&CN; phê duyệt 10 đề tài, dự án KH&CN.
Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Văn Hòa – Chủ tịch UBND Tỉnh cho rằng, hiện nay, Kon Tum có rất nhiều Nghị quyết về vấn đề ngành kinh tế mũi nhọn như sản phẩm chủ lực, phát triển rừng và dược liệu bền vững… Đây là những vấn đề “sát sườn” với đời sống của nhân dân trên địa bàn Tỉnh bởi người dân chưa dựa vào rừng để sống được. Đấy là điều hết sức nghịch lý, do vậy, KH&CN phải góp phần để dân có thể dựa vào rừng để sống.
Theo lãnh đạo Tỉnh, KH&CN phục vụ phát triển kinh tế – xã hội, góp phần cải thiện đời sống người dân được thể hiện ở việc tăng năng suất, cải thiện chất lượng và kết nối liên kết chuỗi giá trị chặt chẽ. Trong đó, KH&CN phải xuất hiện và tham gia tất cả các khâu trong liên kết chuỗi giá trị.
Ghi nhận những kết quả đạt được trong lĩnh vực KH&CN của Tỉnh thời gian qua, Bộ trưởng chia sẻ với những khó khăn của địa phương, đồng thời đề nghị tỉnh tiếp tục đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao các công nghệ tiên tiến, hiện đại, trong đó tập trung vào các ngành, lĩnh vực như: công nghệ sinh học, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, bảo quản, chế biến nông sản, dược liệu và các sản phẩm chủ lực của tỉnh.
Tỉnh cũng cần tiếp tục nghiên cứu, chuyển giao các tiến bộ KH&CN phục vụ công tác bảo tồn, phát triển và chế biến dược liệu theo hướng sản xuất hàng hóa, tạo ra các sản phẩm dược liệu có chất lượng, có sức cạnh tranh cao trên thị trường, trong đó ưu tiên các loại dược liệu chủ lực của tỉnh, góp phần phát triển kinh tế – xã hội gắn với việc bảo tồn đa dạng sinh học và bảo vệ môi trường; đẩy mạnh hợp tác với các viện nghiên cứu, trường đại học trong và ngoài nước trong công tác nghiên cứu khoa học và đào tạo nguồn nhân lực KH&CN của Tỉnh; tiếp tục đầu tư, xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật, đảm bảo cho hoạt động nghiên cứu và phục vụ công tác hỗ trợ quản lý nhà nước trên địa bàn…=
Bộ trưởng hoàn toàn ủng hộ các kiến nghị đề xuất của tỉnh Kon Tum và giao các đơn vị trực thuộc phối hợp chặt chẽ với cơ quan chuyên môn của Tỉnh cùng chung tay thực hiện các nhiệm vụ KH&CN, đáp ứng yêu cầu thực tế tại địa bàn. Cùng ngày, đoàn công tác của Bộ KH&CN đã đến thăm và làm việc tại Trung tâm quốc gia Nghiên cứu và phát triển sâm Ngọc Linh tại huyện Đăk Tô.
Việc đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao các tiến bộ KH&CN, thương mại hóa và ứng dụng các kết quả nghiên cứu vào thực tế cũng là một trong những mục tiêu quan trọng của Chương trình Phát triển thị trường khoa học và công nghệ đến năm 2020 (gọi tắt là Chương trình 2075) được Thủ tướng phê duyệt và đang được triển khai.
Thông tin chi tiết về Nghị định 13, các thủ tục hành chính liên quan đến việc thành lập doanh nghiệp KH&CN cũng như quy định các chính sách ưu đãi, hỗ trợ, các nhà khoa học, nhà đầu tư, doanh nghiệp có thể tìm hiểu trên hệ thống trả lời tự động – Chatbot của Fanpage Sàn Công Nghệ Vui
PV (T/h)