Hệ sinh thái khởi nghiệp đang trên đà phát triển, số lượng và chất lượng các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cũng như các thương vụ đầu tư cho khởi nghiệp trong thời gian vừa qua ngày càng tăng.
2018 được đánh giá là năm nhiều dấu ấn của khởi nghiệp Việt. 92 thương vụ đầu tư, tổng giá trị gần 900 triệu USD đổ vào startup, gấp 3 lần trong năm 2017, theo báo cáo từ Topica Founder Institute. Trong đó, Fintech là lĩnh vực hút vốn đầu tư dẫn đầu, kế đến là thương mại điện tử, công nghệ du lịch, logistics và công nghệ giáo dục.
Làn sóng khởi nghiệp cũng được “hâm nóng” với sự ra đời của nhiều mô hình mới mẻ, sáng tạo, tập trung giải quyết vấn đề xã hội. Khởi nghiệp công nghệ trở thành là xu thế thịnh hành khi ngày càng nhiều sản phẩm ứng dụng trên nền tảng trí thông minh nhân tạo (AI), học máy, điện toán đám mây, thực tế ảo, thiết bị thông minh, fintech, nông nghiệp công nghệ cao…
Việc ra đời nhiều mô hình kinh doanh sáng tạo, tập trung giải quyết vấn đề xã hội, mà ở đó, nhiều sản phẩm ứng dụng công nghệ trong nhiều lĩnh vực, hay còn gọi là mô hình kinh doanh mới.
Liên quan đến vấn đề này, TS. Phạm Hồng Quất – Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp KH&CN, Bộ KH&CN cho rằng, mô hình kinh doanh mới có khả năng nhân rộng phải là những mô hình tạo ra dịch vụ, sản phẩm mới hoặc phương thức mới. Bản chất của mô hình mới này không dựa trên giá rẻ mà phải dựa trên tài sản trí tuệ, công nghệ mới, khẳng định được tính mới, tính sáng tạo và khả năng áp dụng công nghệ. Bản thân bảo hộ sở hữu trí tuệ đã là thước đo về khả năng phát triển bền vững…Đây là xu hướng tất yếu, gắn với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
“Có nhiều quan điểm khác nhau về mô hình kinh doanh mới. Tuy nhiên, nhìn chung đa phần là các quốc gia ủng hộ xu hướng mô hình kinh doanh mới, ứng dụng công nghệ. Ví dụ, mô hình kinh tế chia sẻ. Thực tế, có những quốc gia ủng hộ mô hình kinh doanh mang tính sáng tạo, cho phép thử nghiệm ở quy mô nhất định, bên cạnh đó, có những quốc gia rụt rè hơn, xem các nước khác làm thế nào rồi mới làm theo, nhằm tránh những xáo trộn, đổ vỡ, phá vỡ cấu trúc của kinh doanh truyền thống. Trong hai xu hướng này, tôi cho rằng, Việt Nam nên cho phép thí điểm những mô hình kinh doanh mới, sáng tạo trong phạm vi và thời gian nhất định”, TS. Quất chia sẻ.
Phát triển mô hình kinh doanh mới dựa trên tài sản trí tuệ, công nghệ mới. Ảnh minh họa
Theo TS. Quất, từ 3 năm qua, khi Thủ tướng Chính Phủ phát động Chương trình quốc gia về khởi nghiệp và được sự hưởng ứng của nhiều bộ ngành, trong đó phải kể đến như Bộ KH&CN, Bộ Giáo dục Đào tạo…, hệ sinh thái khởi nghiệp sáng Việt Nam đã bắt đầu đi vào thực chất, với những sản phẩm ứng dụng công nghệ cao, những mô hình kinh doanh mới mang tính sáng tạo, đột phá.
Bộ KH&CN đã có nhiều hoạt động xây dựng và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, điển hình là Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025” (Đề án 844) đã đạt được những kết quả tích cực, góp phần không nhỏ vào việc xây dựng và hoàn thiện hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ở Việt Nam trong thời gian qua. Bên cạnh đó, Bộ KH&CN cũng đã có kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ để làm sao xây dựng môi trường kinh doanh minh bạch, bình đẳng cho hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo, nhất là tạo khung pháp lý cho các mô hình kinh doanh mới phát triển.
Thông tin về khởi nghiệp, các hỗ trợ cho doanh nghiệp khởi nghiệp đang được cập nhật hàng ngày trên Fanpage Facebook Sàn Công Nghệ Vui. Ngoài ra, các nhà khoa học, nhà đầu tư, doanh nghiệp cùng đội ngũ khởi nghiệp ĐMST có thể tìm hiểu thêm thông tin và cách áp dụng cơ chế, chính sách mới, các vườn ươm, nhà đầu tư thiên thần… trên hệ thống trả lời tự động – Chatbot của trang này.
Bộ KH&CN được giao chủ trì xây dựng và phát triển môi trường bền vững, thuận lợi cho sự hình thành và phát triển của các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo. Thông qua Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025” (Đề án 844) đã và đang phát huy vai trò, trách nhiệm, đi đúng với chỉ đạo của Đảng, Chính phủ trong việc kiến tạo môi trường pháp lý, kỹ thuật để đạt mục tiêu quốc gia khởi nghiệp. Điều này bao gồm việc xây dựng và liên kết các thành phần hỗ trợ, đầu tư, đề xuất, kiến nghị hoàn thiện cơ chế chính sách cũng như tăng cường kết nối hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo của Việt Nam với hệ sinh thái khởi nghiệp quốc tế.
Trong thời gian qua, Bộ KH&CN đã có nhiều chính sách thu hút mạng lưới khởi nghiệp toàn cầu. Năm 2018, đại diện của Mạng lưới khởi nghiệp toàn cầu đã tới Việt Nam tham dự sự kiện Ngày hội Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia 2018. Đây là dấu ấn khẳng định hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam đã và đang đi cùng khởi nghiệp trên thế giới. |
Hồng Vân (T/h)