Đứng trước những áp lực, thách thức đang ngày càng gia tăng như dân số tăng nhanh, biến đổi khí hậu ngày càng khốc liệt, đô thị hóa làm thu hẹp diện tích canh tác, thì phát triển nông nghiệp công nghệ cao đã được xác định là “chìa khoá” giúp Đồng bằng sông Hồng (ĐBSH) tiếp tục chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp.

Sản xuất tại công ty Đồng Giao. Ảnh: Đồng Giao.

Nhưng thực tiễn phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của ĐBSH cũng đặt ra nhiều thách thức cho các doanh nghiệp, mà cần có sự điều chỉnh, định hướng từ các cơ quan quản lý nhà nước.

Chìa khóa để chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp

“ĐBSH là vùng nông nghiệp trọng điểm của các tỉnh phía Bắc, nơi đã hình thành được nhiều vùng sản xuất chuyên canh cây trồng, vật nuôi có giá trị phục vụ nội tiêu và xuất khẩu. Tuy nhiên, sự tác động mạnh mẽ của quá trình công nghiệp hóa và đô thị hóa đang đặt ra yêu cầu đổi mới căn bản cho các vùng sản xuất nông nghiệp ở vùng ĐBSH để đối phó với sự thiếu hụt nguồn tài nguyên tự nhiên (đất, nước), thiếu hụt nguồn lực lao động; hệ thống sản xuất nhỏ, manh mún”, như Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Công Tạc đã nhận định tại hội thảo về “KH&CN phục vụ phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao vùng ĐBSH” do Bộ KH&CN và Bộ NN&PTNT đồng tổ chức vừa qua. Cụ thể, việc sử dụng nguồn lao động dồi dào cho nông nghiệp trước đây sẽ không còn tiếp tục được nữa. Là một trong ba vùng nông nghiệp quan trọng nhất cả nước (bao gồm ĐBSH, Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), Tây nguyên), nhưng ĐBSH đang chứng kiến sự dịch chuyển lao động rất lớn ra khỏi khu vực nông nghiệp. Theo báo cáo của OECD về Phân tích chính sách nông nghiệp ở Việt Nam, thì lao động nông nghiệp ở ĐBSH đã giảm từ gần 80% trong những năm 2000 xuống còn khoảng 40% sau 2010 – là mức giảm cao nhất so với hai vùng còn lại (tương tự ở ĐBSCL và Tây Nguyên còn khoảng hơn 60% và hơn 85%). Việc coi đây là biểu tượng “vựa lúa lớn thứ hai” của cả nước thực ra chỉ còn “mang ý nghĩa lịch sử”, bởi vì trên thực tế, cho đến nay, sản lượng lúa của ĐBSH (chiếm 16% cả nước) chỉ tương đương với khu vực Bắc Bộ và Nam Trung Bộ (chiếm 15% cả nước), cũng theo báo cáo của OECD. Trong khi đó, biến đổi khí hậu và đô thị hóa đang và sẽ ngày càng làm thu hẹp diện tích đất canh tác của ĐBSH cũng như giảm lực lượng lao động trong nông nghiệp.

Bối cảnh đó đặt ra cho ĐBSH một lựa chọn “phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là chìa khóa để tiếp tục chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, khẳng định vai trò là ‘động lực, cho sự phát triển chung của cả nước’”, theo Thứ trưởng Phạm Công Tạc. Cụ thể, “các khu nông nghiệp công nghệ cao sẽ đóng vai trò ‘đầu tàu’, mở đường cho việc đưa nhanh tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp và chuyển đổi nền nông nghiệp truyền thống sang nền nông nghiệp hiện đại. Cùng với đó, xây dựng được các quy trình công nghệ cao, cho ra những sản phẩm chất lượng với quy mô sản xuất lớn, tạo ra chuỗi cung ứng đáp ứng được ba yêu cầu: kỹ thuật, chức năng và dịch vụ”.

Trong thời gian gần đây, “số lượng doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đang tăng nhanh, chưa bao giờ công nghệ được ứng dụng rộng rãi trong nông nghiệp như vậy” và “ĐBSH chưa phải là nơi tiên phong và mạnh mẽ nhất, nhưng có nhiều doanh nghiệp rất chú ý tới công nghệ cao trong nông nghiệp, có đầu tư một cách căn cơ”, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh nhận định. Một loạt các chính sách ưu đãi đầu tư cho doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao đã được ban hành, và các tỉnh cũng mở rộng cửa đón các nhà đầu tư. Nhìn vào một số tỉnh được đánh giá là đi đầu trong đầu tư cho nông nghiệp công nghệ cao trong vùng ĐBSH như Thái Bình, Bắc Ninh, có thể thấy rõ xu hướng đó. Theo khảo sát của PGS.TS Lê Quốc Thanh, Phó giám đốc Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam, thuộc Bộ NN&PTNT, Thái Bình đã trao quyết định cho 33 dự án với tổng số vốn đăng ký khoảng hơn 25.600 tỷ đồng chủ yếu để sản xuất sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nuôi trồng thủy, hải sản… Hay tỉnh có diện tích nhỏ như Bắc Ninh, dù không có số lượng dự án đầu tư quy mô lớn như Thái Bình, nhưng cũng có những doanh nghiệp bỏ ra hàng trăm tỉ đồng vào sản xuất rau để xuất khẩu đi các thị trường khó tính như Nhật Bản.

Doanh nghiệp còn gặp khó

Tuy nhiên, về cơ bản, dù làm nông nghiệp công nghệ cao thì doanh nghiệp vẫn vấp phải bài toán khó trong đảm bảo chất lượng hàng hóa khi liên kết chuỗi sản xuất với nông dân. Bởi vì, đầu tư nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao không có nghĩa là chỉ tập trung vào các mô hình toàn phần và khép kín. Cũng theo khảo sát của PGS. Lê Quốc Thanh, trên thực tế, hầu như các mô hình ứng dụng công nghệ cao, từ sản xuất cà chua, dâu tây, rau… khép kín với những nhà kính, nhà màng hiện đại mặc dù mang lại thu nhập tốt nhưng đều chỉ “khu trú” ở quy mô nhỏ hoặc dành cho một số nhà đầu tư rất lớn vì giá thành đầu tư rất cao. Còn lại, các doanh nghiệp vẫn phải liên kết với nông dân trong sản xuất nông sản. Có thể thấy rõ điều đó qua câu chuyện của Đồng Giao ở Ninh Bình, một trong những doanh nghiệp chế biến nông sản lớn hàng đầu tại Việt Nam, xuất khẩu đi khoảng 50 quốc gia và có những sản phẩm chiếm tới 80% thị phần trong nước như ngô ngọt. Nhưng nếu như diện tích đất mà công ty này sử dụng khoảng 3000 ha, thì diện tích vùng nguyên liệu liên kết sản xuất hoặc tiêu thụ sản phẩm tại nhiều tỉnh, thành trong cả nước gấp hơn bốn lần – vào khoảng 13.000 ha, theo ông Phạm Ngọc Thành, Phó Tổng giám đốc Đồng Giao. Tuy nhiên, tình trạng sản xuất rau quả ở quy mô nhỏ lẻ, phân tán, chất lượng sản phẩm mà người dân sản xuất ra không đồng đều, không theo quy hoạch dẫn tới chất lượng nguồn cung thay đổi có thể thừa hoặc thiếu cục bộ, tăng chi phí sản xuất, gây khó khăn trong việc quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm, quản lý dịch bệnh cũng như quản lý và đầu tư phát triển hạ tầng. Do vậy, việc đưa và thực hành các tiêu chuẩn nông nghiệp tốt sẽ hữu ích cho doanh nghiệp này rất nhiều.

Còn các doanh nghiệp đầu tư vào chăn nuôi cho rằng, cần có quy hoạch các vùng sản xuất an toàn trong bối cảnh dịch bệnh, nhất là các dịch bệnh mới nổi đang diễn ra phức tạp. Đại diện tập đoàn Dabaco, một đơn vị cung cấp sản phẩm từ gia súc, gia cầm cho các hệ thống siêu thị lớn lo ngại rằng nếu không có quy hoạch các vùng sản xuất an toàn, hay quy định và chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp, các chủ trang trại xây dựng hệ thống xử lý chất thải tại chỗ thì nguy cơ mất an toàn sinh học, lây nhiễm bệnh dịch là rất lớn. Lo ngại này không phải không có cơ sở, khi mà trong giai đoạn đầu dịch tả lợn châu Phi có mặt ở Việt Nam thì các trang trại an toàn sinh học không hề bị nhiễm bệnh, nhưng đến cuối tháng tư khi dịch bệnh bùng phát mạnh, theo báo cáo của Cục Thú y, Bộ NN&PTNT về tình hình dịch tả lợn châu Phi cho thấy, đã có một vài trang trại đảm bảo an toàn sinh học nhưng vẫn bị lây nhiễm.

Các nhà cung cấp Việt Nam chưa có khả năng sản xuất phần lớn nguyên liệu “đầu vào” cho nuôi trồng nông sản chất lượng cao. Nhìn vào các mô hình từ lớn như Đồng Giao hay cỡ vừa như hợp tác xã Xuyên Việt của Hải Dương (nuôi thủy sản ở hơn 100ha), đều đang phải dùng “hàng ngoại”, từ giống cho tới quy trình công nghệ hay là kiểm định chất lượng sản phẩm. Đồng Giao cho biết phải nhập một lượng rất lớn các loại giống cây trồng như ngô ngọt, rau chân vịt, đậu tương rau, giống lạc tiên, giống khoai môn… mà không thể mua trong nước. Còn Xuyên Việt thì nhập công nghệ nuôi cá theo mô hình “sông trong ao” từ Mỹ và đi học hỏi thêm từ Trung Quốc. Thậm chí, “để xuất được hàng sang Nhật Bản và các nước tiên tiến, các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu phải bỏ ra nhiều tiền thuê các trung tâm nước ngoài như SGS mới kiểm định được chất lượng sản phẩm, tồn dư chất hóa học. Trong khi đó chúng ta đang rất thiếu các trung tâm kiểm định như thế hoặc có nhưng điều kiện thí nghiệm không đảm bảo”, ông Phạm Ngọc Thành nói. Ông Thành tin rằng trong nước sẵn có “đội ngũ nhà khoa học về nông nghiệp rất giỏi và giàu kinh nghiệm tại các trường đại học, các viện nghiên cứu…” Tuy nhiên, chưa có cơ chế hợp tác, khuyến khích để các nhà khoa học đầu tư nghiên cứu, phát triển các loại giống cây trồng theo nhu cầu của thị trường, của các công ty và thích ứng với điều kiện của Việt Nam.

Công ty sản xuất nấm Kinoko Thanh Cao. Ảnh: Kinoko Thanh Cao.

Tuy nhiên, giải quyết được những vấn đề về khoa học, công nghệ cho tới quy hoạch, liên kết chuỗi sản xuất đi nữa, thì khó khăn vẫn đang chờ các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp quy mô vừa và nhỏ vì những quy định mập mờ khi nhập khẩu nguyên liệu, công nghệ trong sản xuất. Chẳng hạn như Công ty sản xuất nấm Kinoko Thanh Cao, phải rơi vào cảnh “chạy vạy” lo giấy tờ vì những quy định còn chung chung. Bà Nguyễn Thị Thu Huệ, Giám đốc công ty cho biết, doanh nghiệp của bà thuộc loại được hưởng nhiều ưu đãi vì đang sản xuất sản phẩm trong danh mục sản phẩm quốc gia đồng thời được hưởng những ưu đãi do đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao. Tuy nhiên, “có mỗi động tác nhập bã củ cải đường mà 6 tháng trời chúng tôi đi hết bộ nọ bộ kia” mặc dù đã đủ giấy chứng nhận kiểm định. “Hải quan không cho nhập vì cho rằng đây là sản phẩm không được phép nhập. Chạy về sở Nông nghiệp thì bảo lên Bộ NN&PTNT mà gặp cục Chăn nuôi. Cục chăn nuôi lại bảo ‘cô trồng nấm thì đi lấy bã củ cải đường làm gì, phải sang cục trồng trọt’…lại sang cục trồng trọt”, bà Huệ nói. Và số bã củ cải đường đó phải nằm nhà kho lạnh ở cửa khẩu đề chờ Kinoko lo đủ 16 loại giấy tờ khác nhau trong 6 tháng. “Tôi bảo hải quan là ‘mặt tôi là mặt mà các ban ngành đều biết mà còn khổ như thế này huống gì những ông khác, chạy mất dép luôn’ ”, bà Huệ trao đổi với chúng tôi và một vị cán bộ quản lý của Bộ NN&PTNT.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh nhận định, ngành nông nghiệp đang đối diện nhiều thách thức nội tại với xuất phát điểm thấp, quy mô manh mún nhỏ lẻ, liên kết chưa tốt trong một bối cảnh biến đổi khí hậu trầm trọng và nhanh hơn dự tính. Do vậy, ngành nông nghiệp đã xác định tập trung điều chỉnh với ba trọng tâm chính là tổ chức lại sản xuất, ứng dụng khoa học công nghệ và xác định vai trò kết nối dẫn dắt quá trình sản xuất của doanh nghiệp. Trong thời gian tới, hai Bộ KH&CN và NN&PTNT sẽ tiếp tục cùng tham mưu chính sách hỗ trợ trực tiếp cho các chủ thể, các đơn vị đang ứng dụng công nghệ cao. Ông cũng lưu ý, thúc đẩy đầu tư nông nghiệp công nghệ cao nhưng không có nghĩa là loại trừ các hình thức canh tác khác, cần phải phát triển đa dạng [các hình thức sản xuất nông nghiệp] tùy theo từng sản phẩm, công nghệ.

Theo: khoahocphattrien.vn