Mới đây, tại buổi làm việc giữa Sở KH&CN TP.HCM với đại diện các trường. TS Nguyễn Bá Thanh, Viện trưởng Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm ĐH Công nghiệp TP.HCM chia sẻ: Trong việc kết nối giữa trường, viện với doanh nghiệp thì quan trọng nhất là yếu tố niềm tin. Chỉ khi hai bên cởi mở, tin tưởng lẫn nhau thì việc kết nối mới có hiệu quả.

Ngoài ra, TS Thanh cho biết thêm, bản thân Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm đã từng hợp tác nhiều doanh nghiệp trong hợp tác nghiên cứu, phát triển sản phẩm. Kinh nghiệm từ những lần hợp tác đó cho thấy một sản phẩm muốn thành công phải đi từ nhu cầu thực tế của doanh nghiệp. Tuy nhiên, đây là điều không đơn giản

Một trong những nguyên nhân dẫn đến điều này theo TS Thanh nằm ở cách nhìn khác nhau giữa doanh nghiệp với trường, viện trong việc nghiên cứu, phát triển sản phẩm. Trong khi, doanh nghiệp quan tâm đến khả năng ứng dụng thực tế, hiệu quả kinh tế của sản phẩm nhưng những người nghiên cứu khoa học lại khó đánh giá được những yếu tố này.

Bổ sung ý kiến của TS Thanh, TS Nguyễn Trí Nhân, Trưởng khoa Sinh học – Công nghệ Sinh học (ĐH Khoa học Tự nhiên TP.HCM), cho biết: “Kết quả nghiên cứu quy mô phòng thí nghiệm chưa đủ thuyết phục doanh nghiệp. Tuy nhiên, từ quy mô phòng thí nghiệm chuyển sang sản xuất quy mô lớn đòi hỏi cơ sở, trang thiết bị vượt quá khả năng của hầu hết các trường viện”. Do đó, TS Nhân đề xuất các trung tâm, phòng thí nghiệm trọng điểm được nhà nước đầu tư nên chia sẻ các dịch vụ, trang thiết bị cho các đối tác khác cùng sử dụng.

Qua những góp ý trên, đại diện Sở KH&CN TP.HCM, ông Phạm Văn Xu, Trưởng phòng Quản lý Khoa học – Sở KH&CN TP.HCM, cho biết những vấn đề mà đại diện các trường, viện nêu ra cũng là những nội dung mà Sở đã đang nỗ lực thực hiện. Cụ thể, Sở KH&CN TP.HCM đang ưu tiên kết nối các doanh nghiệp với các đơn vị KH&CN, ưu tiên tuyển chọn những nhiệm vụ KH&CN có tính ứng dụng thực tế cao, tạo ra những sản phẩm có thể nhanh chóng áp dụng thực tế, phục vụ các ngành công nghiệp trọng điểm.

Bên cạnh đó, Sở KH&CN TP.HCM cũng triển khai mô hình nhà nước – doanh nghiệp – trường viện cùng đồng hành nghiên cứu, phát triển sản phẩm. Theo đó, các nhiệm vụ nghiên cứu sản phẩm có từ 70% vốn đầu tư của doanh nghiệp, nhà nước sẽ đầu tư phần còn lại mà quyền sở hữu kết quả nghiên cứu vẫn thuộc về doanh nghiệp.

Hợp tác giữa Trường Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TPHCM) và công ty Cổ phần Bóng đèn Điện Quang tại ĐH Bách Khoa TP.HCM là điển hình cho mô hình hợp tác mới mà Sở KH&CN TP.HCM đang thúc đẩy

Việc phát triển, thúc đẩy các tổ chức trung gian trong thị trường khoa học công nghệ là nội dung được đặc biệt quan tâm. Không chỉ riêng Sở KH&CN TP.HCM, mà đây cũng là chiến lược phát triển KHCN của TP. Hà Nội đến năm 2020, tiêu biểu là chương trình 2075.

Nguồn: khampha.vn