Các nhà khoa học Anh đang phát triển công nghệ nhận diện bằng tĩnh mạch, hình xăm, sắc tố da bàn tay thay vì nhận diện tội phạm bằng dấu vân tay như hiện tại.

Các nhà khoa học cho biết công nghệ nhận diện mới có thể ứng dụng trong ngành an ninh, kiểm soát biên giới và hỗ trợ điều tra tội phạm có tổ chức ở cấp độ toàn cầu

Bên cạnh những công nghệ nhận diện tiên tiến như trên, các nhà khoa học thuộc đại học Lancaster (Anh) cũng  đang tiến hành nghiên cứu một công nghệ mới bắt tội phạm bằng cách sử dụng hình ảnh bàn tay của họ. Công nghệ này hứa hẹn sẽ là công cụ hỗ trợ đắc lực giúp cảnh sát tìm kiếm tội phạm một cách nhanh chóng.

Thông thường, phía cảnh sát thường lấy mẫu vân tay của kẻ tình nghi nhưng công nghệ sinh trắc học mới này là sự kết hợp của cả mẫu vân tay, nếp nhăn, sẹo, hình xăm và sắc tố da để xác định một cá nhân.

Giáo sư Dame Sue Black, đứng đầu nhóm nghiên cứu, cho biết: “Bàn tay hiển thị nhiều sự khác biệt về mặt giải phẫu do di truyền, môi trường sống và các tai nạn. Mỗi người sẽ có bàn tay rất khác nhau nên công nghệ tổng hợp này sẽ xác định kẻ tình nghi chính xác nhất”.

Đây là lần đầu tiên công nghệ này được nghiên cứu phát triển đầy đủ. Các nhà giải phẫu học, nhà nhân chủng học, nhà di truyền học, nhà sinh học, nhà phân tích hình ảnh và nhà khoa học công nghệ đang hợp tác để tạo ra hệ thống nhận diện. Chương trình sẽ kết hợp nhiều yếu tố để có được đánh giá toàn diện về danh tính thực sự của kẻ tình nghi.

Theo đánh giá của giới chuyên môn, chương trình này được coi là một sự thay đổi đáng kể và cần thiết trong khoa học và công nghệ. Sự thành công của nó sẽ giải quyết được vấn đề sai sót thông tin từ việc nhận diện bằng dấu vân tay hiện nay, đặc biệt trong các trường hợp ngón tay không đặt đúng vị trí hoặc độ phân giải hoặc ánh sáng trong hình ảnh không chuẩn.

Sáng kiến ​​này hiện nhận được gần 3 triệu USD phí tài trợ cùng khoảng 5.000 công dân toàn thế giới được kêu gọi làm tình nguyện viên để tạo ra một bộ dữ liệu cho chương trình.

Dự kiến chương trình được hoàn thành trong năm năm tới.