Việc nghiên cứu thiết kế thiết bị làm nguội kiểu tấm để thay thế hệ thống thiết bị làm nguội kiểu thùng quay đang sử dụng trong hầu hết các dây chuyền sản xuất phân bón NPK hiện nay là rất cần thiết. Thiết bị này không chỉ ứng dụng trong quá trình làm nguội sản phẩm phân bón NPK mà còn được ứng dụng rộng rãi trong nhiều ngành công nghiệp khác như thực phẩm, khai khoáng, hóa chất, phân bón… Tuy nhiên, thiết bị này hiện chưa có cơ sở nào của Việt Nam sản xuất mà phải nhập khẩu từ nước ngoài với chi phí cao lên tới hàng chục nghìn USD. Do đó, việc nghiên cứu sẽ góp phần tự chủ được công nghệ và chế tạo thiết bị không phải phụ thuộc vào việc nhập khẩu từ nước ngoài, giảm chi phí đầu tư và chi phí ngoại tệ nâng cao hiệu quả làm việc, từng bước nội địa hóa thiết bị vào thị trường Việt Nam.

Từ thực tiễn nêu trên, năm 2017, ThS. Lưu Ngọc Vĩnh cùng các cộng sự tại Công ty Cổ phần Thiết kế Công nghiệp Hóa chất đã thực hiện đề tài: “Nghiên cứu thiết kế chế tạo thiết bị làm nguội kiểu tấm ứng dụng trong quá trình làm nguội cho sản phẩm NPK hàm lượng cao”.

Qua nghiên cứu thiết bị làm nguội kiểu tấm đối tượng là các hạt phân bón NPK sau sấy, nhóm nghiên cứu đã rút ra một số kết luận sau:

– Thiết bị làm nguội kiểu tấm sử dụng cơ chế làm nguội gián tiếp giữa nước (lưu thể làm mát) và các hạt phân bón NPK (lưu thể nóng). Cơ chế làm nguội này có tính hiệu quả hơn so với cơ chế làm nguội trực tiếp hiện đang sử dụng tại các nhà máy sản xuất NPK. Đồng thời, thiết bị này được thiết kế nhỏ gọn, có thể dễ dàng tháo lắp khi sửa chữa hoặc bảo dưỡng và linh động trong quá trình thay đổi công suất thiết bị.

– Đã tiến hành khảo sát ảnh hưởng của 2 thông số là nhiệt độ nước làm mát và vận tốc của nước làm mát đến nhiệt độ sản phẩm NPK sau làm mát. Xác định được điểm làm việc của thiết bị (quy mô pilot) tại các điều kiện đã giả thiết như sau: nhiệt độ nước làm mát ban đầu (25,50C) và vận tốc nước làm mát (1,5m/s).

Trong phạm vi đề tài, nhóm nghiên cứu mới chỉ khảo sát ảnh hưởng của các thông số như nhiệt độ nước vào làm mát, vận tốc nước làm mát đến nhiệt độ sản phẩm NPK sau làm mát trong các điều kiện đã chọn trước như: khoảng cách giữa hai tấm trao đổi nhiệt, kích thước các tấm trao đổi nhiệt; dạng tấm trao đổi nhiệt, kích thước hạt phân bón…

Kết quả nghiên cứu có ý nghĩa thiết thực làm cơ sở triển khai các bước nghiên cứu tiếp theo. Từ đó có thể áp dụng các kết quả nghiên cứu cho các lĩnh vực mà Công ty Cổ phần Thiết kế Công nghiệp Hóa chất đang thực hiện.

Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài (Mã số 15416) tại Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia.