Với Nền tảng IPPLATFORM, doanh nghiệp Việt sẽ chủ động, dễ dàng hơn khi tiếp cận thông tin sở hữu công nghiệp phục vụ nghiên cứu và triển khai thương mại hóa tài sản trí tuệ khi tham gia thị trường khoa học và công nghệ, nhất là sáng chế, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội.

Thông tin sở hữu công nghiệp (SHCN) là thông tin về các đối tượng SHCN bao gồm thông tin về đơn đăng ký và hình thức xử lý đơn; thông tin về văn bằng bảo hộ các đối tượng SHCN.

Việc tiếp cận kịp thời và khai thác hiệu quả thông tin SHCN có ý nghĩa cực kỳ quan trọng đối với doanh nghiệp trong quá trình nghiên cứu, xác lập quyền SHCN, quản lý tài sản trí tuệ, khai thác, sử dụng hợp pháp các đối tưượng SHCN, đặc biệt là các công nghệ/sáng chế. Việc khai thác thông tin SHCN giúp doanh nghiệp đầu tư hiệu quả cho nghiên cứu, bảo hộ kịp thời kết quả nghiên cứu sáng tạo và khai thác hợp pháp các tài sản trí tuệ, đặc biệt là công nghệ, sáng chế, từ đó  giúp nâng cao lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp.

Thực tiễn các nước có nền kinh tế phát triển trong khu vực và trên thế giới cho thấy rằng: Bên cạnh Cơ quan Sở hữu trí tuệ (SHTT) Quốc gia với chức năng chính là xác lập quyền sở hữu trí tuệ, còn có các cơ quan khác với chức năng bảo đảm thực thi, hỗ trợ và cung cấp các dịch vụ SHTT, trong đó có dịch vụ thông tin SHCN.

Tại Nhật Bản, Ngoài Cơ quan sáng chế Nhật Bản còn có các tổ chức khác như JAPIO (tra cứu, khai thác thông tin IP), INPIT được JPO giao quản lý, khai thác Cơ sở dữ liệu (CSDL) về SHCN…Tại Trung Quốc bên cạnh Cơ quan SHTT quốc gia SIPO còn có các Trung tâm thông tin sáng chế; Công ty phát triển công nghệ sáng chế; Trung tâm tư vấn và tra cứu sáng chế PSCC; Dịch vụ SHTT Thượng Hải SIPSC…Tổ chức SHTT thế giới cũng xây dựng, phát triển hệ thống các CSDL về các đối tượng SHCN và công cụ khai thác trực tuyến CSDL này.

Tại Việt Nam, việc khai thác thông tin về SHCN hiện còn hạn chế, chủ yếu phục vụ cho hoạt động xác lập quyền, chưa đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp. Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, để tồn tại và phát triển trong môi trường cạnh tranh toàn cầu ngày càng khốc liệt, doanh nghiệp Việt Nam phải sử dụng các công cụ để duy tri, phát triển vị thế cạnh tranh cuar các sản phẩm, dịch vụ của mình. Một trong các công cụ đó là công cụ sở hữu trí tuệ, theo đó việc tiếp cận kịp thời, sử dụng, khai thác hiệu quả thông tin SHCN trong cả quá trình từ nghiên cứu, đăng ký xác lập quyền đối với kết quả nghiên cứu, quản lý các quyền SHCN được bảo hộ cũng như khai thác hiệu quả các quyền SHCN của mình và của xã hội là cần thiết.

Từ thực tế đó, Bộ Khoa học và Công nghệ đã giao cho Viện Khoa học sở hữu trí tuệ chủ trì dự án “Thiết lập, duy trì và phát triển cơ sở dữ liệu thông tin trực tuyến về đối tượng sở hữu công nghiệp và công cụ khai thác phục vụ doanh nghiệp nhỏ và vừa”. Nghiên cứu thực hiện từ tháng 2/2017 đến tháng 1/2019 với sự tham gia của đơn vị phối hợp là Cục Sở hữu trí tuệ và Công ty MITEC và các đối tác của Viện.

Đến nay, Nền tảng dữ liệu và dịch vụ thông tin sở hữu công nghiệp – Nền tảng IPPLATFORM đã được xây dựng và vận hành thử nghiệm trên http://ipplatform.vipri.gov.vn để xin ý kiến của đông đảo người dùng nhằm xác định, khắc phục các hạn chế để chuẩn bị vận hành chính thức Nền tảng này phục vụ công chúng vào Tháng 7/2019.

Với Nền tảng IPPLATFORM, doanh nghiệp Việt sẽ chủ động, dễ dàng hơn khi tiếp cận thông tin sở hữu công nghiệp phục vụ nghiên cứu và triển khai thương mại hóa tài sản trí tuệ khi tham gia thị trường khoa học và công nghệ, nhất là sáng chế, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội.

Doanh nghiệp có thể tự tra cứu, khai thác thông tin trên Nền tảng dữ liệu và yêu cầu thực hiện các dịch vụ đồng bộ về sở hữu công nghiệp.

Sử dụng Module (1) Tra cứu thông tin người dùng có thể tra cứu được thông tin về tất cả các đối tượng sở hữu công nghiệp như sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý từ các nguồn thông tin uy tín trong nước và trên thế giới. Từ thông tin tìm được, người dùng có thể tiết kiệm được thời gian, chi phí và lựa chọn được phương án đăng ký bảo hộ SHCN tối ưu nhất.

Sử dụng Mô dule (2) Dịch vụ thông tin, người dùng có thể yêu cầu cung cấp các dịch vụ cụ thể, bao gồm nộp đơn đăng ký SHCN, Theo dõi Đơn/Bằng SHCN, tra cứu thông tin SHCN, theo dõi tình tình đăng ký/ bảo hộ SHCN, đánh giá khả năng bảo hộ/sử dụng đối tượng SHCN, giám định SHCN, Hỗ trợ thực thi quyền SHCN, định giá TSTT, khác…) tương ứng với từng đối tượng (Sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý).

Trong quá trình tra cứu và sử dụng thông tin người dùng có thể tham gia  (3) Cập nhật thông tin, để trực tiếp gửi thông tin bổ sung, chỉnh sửa cho những nội dung chưa được cập nhật và chưa chính xác với những căn cứ chứng minh gửi kèm theo. Việc cơ sở dữ liệu được cập nhật mở từ đóng góp của người dùng đem đến cho IPPLATFORM sự hoàn thiện không ngừng.

Một module vô cùng tiện ích cho người dùng trên IPPLATFORM là (4) Sàn giao dịch – nơi người dùng có thể xem thông tin chào bán dịch vụ SHCN và thông tin chào mua dịch vụ SHCN; thông tin chào bán đối tượng SHCN và thông tin chào mua đối tượng SHCN.  Tại đây, người dùng cũng có thể dễ dàng đăng tin chào mua/chào bán dịch vụ SHCN hay chào mua/chào bán đối tượng SHCN. Sàn Giao dịch giúp doanh nghiệp có thông tin để thực hiện các giao dịch mua bán các dịch vụ và đối tượng sở hữu công nghiệp.

Ngoài 4 module chính, Nền tảng IPPLATFORM còn có một số công cụ hỗ trợ khác gồm: Tra cứu công báo tháng; Hướng dẫn sử dụng; Tin tức và Hỏi đáp hướng tới thông tin và hỗ trợ người dùng một cách nhanh chóng và hiệu quả nhất.

Việc hình thành giải pháp IPPLATFORM được căn cứ từ:

Quyết định số 2075/QĐ – TTg ngày 08/11/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phát triển thị trường khoa học và công nghệ đến năm 2020

Quyết định số 2896/QĐ – BKHCN ngày 07/10/2016 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ về việc phê duyệt danh mục nhiệm vụ KH&CN đặt hàng thuộc Chương trình ”Phát triển thị trường khoa học và ông nghệ đến năm 2020 ” bắt đầu thực hiện từ năm 2016.

 

Nguồn video: Dự án phát triển cộng đồng Sàn Công Nghệ Vui (thuộc Chương trình 2075)