Sự hợp tác ăn ý giữa nhóm các nhà khoa học Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam, ĐHQGHN, ĐH Dược Hà Nội và công ty Elepharma không chỉ đem lại “sản phẩm đầu tay” nano curcumin công nghệ hướng đích đầu tiên ở Việt Nam mà còn hứa hẹn sẽ có nhiều sản phẩm độc đáo trong tương lai.

Vào năm 2013, một số trang báo quốc tế đưa tin Việt Nam trở thành nước thứ 10 trên thế giới sản xuất thành công nano curcumin. Đây là kết quả nghiên cứu được PGS.TS. Phạm Hữu Lý (Viện Hóa học, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam VAST) chuyển giao cho công ty dược mỹ phẩm CVI. Mặc dù có thành công ban đầu trong nghiên cứu và thương mại hóa nano curcumin nhưng với PGS.TS. Phạm Hữu Lý, đây là chỉ là bước đệm để ông tiếp tục nghiên cứu và ứng dụng những công nghệ mới trong nano curcumin. Bằng chứng là từ năm 2014-2017, trong khuôn khổ đề tài cấp Viện Hàn lâm, PGS.TS. Phạm Hữu Lý đã hợp tác với các nhà nghiên cứu của Phòng thí nghiệm trọng điểm công nghệ Enzyme và Protein quốc gia (KLEPT), Trung tâm Nano và năng lượng, Khoa Y dược (ĐHQGHN) và Đại học Dược Hà Nội để cho ra đời sản phẩm nano curcumin công nghệ hướng đích, góp phần đưa Việt Nam trở thành quốc gia thứ hai trên thế giới, sau Mỹ làm được điều này.

Tạo nano curcumin hướng đích đầu tiên

Có thể nói, PGS.TS. Phạm Hữu Lý là “linh hồn” của nano cucurmin hướng đích, không chỉ ở việc là người đầu tiên tạo ra nano cucurmin và đeo đuổi ý tưởng áp dụng công nghệ hướng đích cho sản phẩm mà còn ở chỗ, ông là người đứng mũi chịu sào trong công việc và kết nối các nhà nghiên cứu ở nhiều đơn vị khác nhau để cùng giải quyết vấn đề. PGS.TS. Phạm Hữu Lý cho biết, họ đã đồng hành từ lúc bắt đầu nghiên cứu cho tới quá trình thử nghiệm cuối cùng. “Hợp tác trong Viện Hàn lâm và các đơn vị làm về nano chỉ mang tính kỹ thuật thôi còn để chứng minh công nghệ hướng đích trong nano curcumin có hiệu quả hay không thì phải nhờ đến các nhà nghiên cứu về y dược”, PGS.TS. Phạm Hữu Lý cho biết.

PGS.TS. Phạm Hữu Lý (thứ hai từ trái sang) trong buổi hội thảo chuyển giao công nghệ hướng đích cho công ty Elepharma. Nguồn: Dantri

Dù khiêm tốn nhắc đến đóng góp của từng người nhưng PGS.TS. Phạm Hữu Lý thực sự là người đeo đuổi ý tưởng gắn công nghệ hướng đích – kỹ thuật giúp gắn kết phân tử thuốc một cách có chọn lọc với các tế bào bệnh nhưng không gây độc hại cho các tế bào khỏe mạnh, với nano cucurmin sẵn có, “ngay từ ban đầu làm nano curcumin, tôi đã có chủ ý lựa chọn phát triển nano curcumin dưới dạng hạt micelle để sau này tiếp tục đưa công nghệ hướng đích vào rồi”. Hạt micelle là một tập hợp các phân tử có bề mặt phân tán trong dung dịch huyền phù, “hiểu một cách nôm na, hạt micelle có cấu trúc như quả chôm chôm, với phần rỗng bên trong chứa curcumin và phần ngoài có râu sẽ gắn kết với axit folic – chất dẫn đường tới tế bào bị bệnh”, PGS.TS. Phạm Hữu Lý giải thích. Cơ chế hoạt động này dựa trên tính chất của các tế bào bị viêm nhiễm và tế bào ung thư, thường chứa rất nhiều thụ thể folate có tính thu hút axit folic.

Mặc dù công nghệ hướng đích đã được áp dụng thành công trong nhiều loại thuốc khác nhau trên cơ sở một số nguyên tắc chung nhưng “cái khó nhất vẫn là làm thế nào phát huy tác dụng và hiệu suất của nó trên từng sản phẩm riêng biệt”, PGS.TS. Phạm Hữu Lý cho biết. Thông thường, axit folic sẽ được gắn với chất nền micelle theo phản ứng hóa học. Để tối ưu hiệu suất của phản ứng này, ông cùng nhóm nghiên cứu đã phải thử nghiệm rất nhiều lần. “Đề tài kéo dài trong hơn 3 năm thì một nửa thời gian là chúng tôi cùng mày mò trong phòng thí nghiệm”, PGS.TS. Phạm Hữu Lý kể lại.

Quá trình thực hiện một nghiên cứu thực nghiệm thường ít khi dễ dàng, nhất là khi áp dụng một công nghệ mới với Việt Nam. Tuy nhiên, kinh nghiệm và sự nhạy bén của một người “thạo nghề nghiên cứu” đã hỗ trợ ông rất nhiều: những nghiên cứu cơ bản trước đó về nano cucurmin được thực hiện một cách cẩn thận giúp ông có khả năng điều chỉnh được kích thước của các hạt nano curcumin tùy theo mục tiêu ứng dụng, hoặc trong trường hợp này là kết hợp tốt với công nghệ khác để làm tăng tính sinh khả dụng của sản phẩm. Mặt khác, ông có những trải nghiệm mà ít nhà nghiên cứu trẻ nào có được: “Công trình đòi hỏi người phụ trách nghiên cứu phải rất ‘tinh’ để nhận biết vấn đề, còn lại chỉ cần hướng dẫn cho mọi người trong nhóm và làm cẩn thận theo đúng quy trình là được”, PGS.TS. Phạm Hữu Lý nhớ lại quãng thời gian thực hiện công trình.

Đến năm 2016, PGS.TS. Phạm Hữu Lý và các cộng sự đã ứng dụng thành công công nghệ hướng đích vào nano curcumin trong phòng thí nghiệm. Tuy nhiên, để kết quả được công nhận, cần rất nhiều quá trình kiểm nghiệm và đánh giá, từ đánh giá tính hướng đích, độc tính tế bào, dược tính và sinh khả dụng, quá trình thử nghiệm tiền lâm sàng trên động vật,… “tốn rất nhiều thời gian và vô cùng đắt đỏ”, PGS.TS. Phạm Hữu Lý cho biết. “Nhìn trước” được những vấn đề này, ngay từ lúc bắt đầu dự án, ông đã lựa chọn hợp tác với Phòng thí nghiệm KLEPT, Khoa Y dược (ĐHQGHN) và ĐH Dược HN,… trong số rất nhiều đơn vị nghiên cứu y dược khác. “Đây đều là nơi thực hiện thử nghiệm tiền lâm sàng và cận lâm sàng tốt nhất hiện nay, họ vừa có nhân lực với chuyên môn cao, lại vừa có đầy đủ trang thiết bị”, PGS.TS. Phạm Hữu Lý cho biết.

Mặc dù thuộc nhiều đơn vị và thực hiện những công đoạn khác nhau nhưng PGS.TS. Phạm Hữu Lý cho biết giữa các bên không hề có khoảng cách trong quá trình hợp tác bởi “họ rất nhiệt tình và đều hết sức cố gắng để dự án thành công”. Khi thiếu kinh phí, cả hai bên đều chủ động đóng góp theo những cách riêng. Ông kể: “Chúng tôi lấy tiền từ kết quả chuyển giao cho doanh nghiệp khác bù vào trong khi các bên kia xin thêm đề tài của trường”.

Đưa sản phẩm ra thị trường

Nếu dừng lại ở việc hợp tác giữa các nhà khoa học thì dù có tốt và nhiều hứa hẹn đến mấy, kết quả của đề tài nghiên cứu vẫn chỉ là sản phẩm “lưu hành nội bộ”, không thể ra đến ngoài thị trường. Là người từng có nhiều sản phẩm chuyển giao cho doanh nghiệp, PGS.TS. Phạm Hữu Lý không chỉ thấm thía điều đó mà còn nghĩ đến khả năng mời doanh nghiệp tham gia vào quá trình nghiên cứu và sản xuất thử nghiệm, sớm tìm ra sản phẩm tối ưu.

Dĩ nhiên, việc mời được doanh nghiệp tham gia vào nghiên cứu không phải đơn giản bởi quá trinh này tiềm ẩn nhiều rủi ro, thậm chí “được ăn cả, ngã về không”. Tuy vậy, nét đặc biệt của PGS. TS Phạm Hữu Lý là ông vốn có tiếng là mát tay với nhiều sản phẩm mang dấu ấn riêng. Đây là lý do khiến nhiều doanh nghiệp cũng đánh tiếng hợp tác với ông, ngay khi nghe phong thanh là ông muốn mời một doanh ngiệp tham gia công trinh của mình. Vậy bằng cách nào ông chọn được đối tác ưng ý? “Việc lựa chọn doanh nghiệp cũng được chúng tôi cân nhắc rất kỹ lưỡng”, PGS.TS. Phạm Hữu Lý trả lời. Giữa các ứng cử viên đó, ông thấy có cảm tình với Elepharma, một công ty dược phẩm mới được thành lập từ năm 2015 và chưa có danh tiếng trên thị trường. Cũng như công ty CVI, Elepharma do một nhóm các nhà khoa học trẻ tâm huyết thành lập và hiểu được giá trị của công việc nghiên cứu. Vì thế, ngay ở buổi trao đổi đầu tiên, PGS.TS. Phạm Hữu Lý đã “muốn chuyển giao bởi nhận thấy họ có thể phát triển thêm để nâng cao giá trị sử dụng của sản phẩm chứ không chỉ dừng lại ở việc khai thác kết quả sẵn có”.

Những trao đổi qua lại trong quá trình nghiên cứu và tối ưu sản phẩm giữa các nhà nghiên cứu và doanh nghiệp đã đem lại một kết quả đẹp: sau quá trình đánh giá, sản phẩm nano curcumin hướng đích an toàn, không gây bất cứ tác dụng phụ nào cho người sử dụng, đồng thời có khả năng tấn công tế bào viêm dạ dày gấp 70 lần nano curcumin thông thường.

Trước nhiều ý kiến lo ngại về việc liệu axit folic có thể bị dư lại trong cơ thể, gây ảnh hưởng đến sức khỏe hoặc việc bào chế nano curcumin hướng đích dưới dạng viên sủi uống sẽ gây đau đến dạ dày. TS. Lê Thị Thu Hường, Trưởng nhóm nghiên cứu thiết kế và phát triển thuốc mới VSL, giảng viên khoa Y dược (ĐHQGHN) khẳng định: “Sau rất nhiều quá trình thử nghiệm và đánh giá dược tính, sinh khả dụng và độc tính đều cho thấy không còn axit folic dư lại trong máu. Còn việc viên sủi uống gây đau dạ dày là do từ trước đến nay, viên sủi mọi người thường uống là viên sủi C, có chứa vitamin C nên mới ảnh hưởng tới dạ dày”.

Nhận thấy tiềm năng thương mại hóa của sản phẩm, không chỉ ở trong nước mà còn có thể xuất khẩu sang các quốc gia trên thế giới, PGS.TS. Phạm Hữu Lý và cả nhóm hợp tác đang chuẩn bị đăng ký bảo hộ sáng chế ở nước ngoài.

Sản phẩm nano curcumin hướng đích là một thành công tiêu biểu trong việc hợp tác giữa “ba bên” để đưa từ kết quả nghiên cứu trong phòng thí nghiệm ra ngoài thị trường. Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng nhận định, “đây là một mô hình hợp tác tốt, cần được khuyến khích để góp phần thúc đẩy sự đồng hành của doanh nghiệp với các nhà khoa học nhằm tạo ra một sản phẩm hoàn chỉnh và hữu dụng cho sức khỏe”.

Theo: khoahocphattrien.vn