Thứ trưởng Trần Văn Tùng cho biết, qua 7 năm triển khai các chương trình khoa học công nghệ quốc gia, năng lực công nghệ của doanh nghiệp đã được nâng lên đáng kể.

Theo Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Trần Văn Tùng, để KH&CN thực sự trở thành động lực phát triển kinh tế-xã hội, tập trung nguồn lực đầu tư có trọng tâm, trọng điểm đầu tư theo hướng hình thành các sản phẩm hàng hóa thương hiệu Việt Nam bằng công nghệ tiên tiến, công nghệ cao, có khả năng cạnh tranh về tính mới, chất lượng, giá thành sản phẩm, để nâng cao năng lực đổi mới, làm chủ công nghệ của doanh nghiệp, tổ chức KH&CN. Đồng thời, tăng cường hội nhập về KH&CN, tìm kiếm cơ hội chuyển giao công nghệ từ nước ngoài, từ cuối những năm 2010, 2011, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt, giao Bộ KH&CN chủ trì triển khai Chương trình phát triển sản phẩm quốc gia đến năm 2020, Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao đến năm 2020, Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia đến năm 2020, Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp khoa học và công nghệ và tổ chức KH&CN công lập thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm, Chương trình hợp tác nghiên cứu song phương và đa phương về KH&CN đến năm 2020, Chương trình tìm kiếm và chuyển giao công nghệ nước ngoài đến năm 2020.

Các nhiệm vụ thuộc các chương trình đã được triển khai từ cuối năm 2013, cho đến nay, qua 7 năm thực hiện đã thu được những kết quả đáng ghi nhận trong một số lĩnh vực, đặc biệt là lĩnh vực Cơ khí – Tự động hóa. Nhờ đó, năng lực công nghệ của doanh nghiệp đã được nâng lên đáng kể.

Doanh nghiệp Việt Nam đã có thể làm chủ công nghệ thiết kế, sản xuất các thiết bị siêu trường, siêu trọng, động cơ, phụ tùng ô tô, sản xuất robot, sản xuất thiết bị phụ trợ cho các hãng cơ khí, điện tử trên thế giới như LG, Samsung; hỗ trợ các sáng chế không chuyên được hoàn thiện và thương mại hóa các kết quả sáng tạo, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho doanh nghiệp và cho toàn xã hội.

Cũng theo Thứ trưởng Trần Văn Tùng, Bộ KH&CN đang xem xét, tổng kết, đánh giá lại các Chương trình KH&CN quốc gia để hướng tới việc tái cơ cấu lại các chương trình. Bộ KH&CN cũng đã chỉ đạo các đơn vị liên quan để nhanh chóng xây dựng và trình lên Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nội dung các chương trình sẽ triển khai trong thời gian tới (2021-2030).

“Bộ KH&CN mong muốn nhận được nhiều sự đóng góp, chia sẻ thông tin từ các bên liên quan để giúp cơ quan quản lý có thể hoàn thiện và nhanh chóng trình lên Thủ tướng Chính phủ. Việc trình phê duyệt sớm giúp tránh được sự gián đoạn các chương trình, nối liền mạch việc hỗ trợ các hoạt động khoa học công nghệ, hướng tới đạt hiệu quả cao”, Thứ trưởng Trần Văn Tùng nhấn mạnh.

Các Chương trình KH&CN quốc gia nâng tầm diện mạo công nghệ của doanh nghiệp

Nhiều chuyên gia cho rằng, với việc phát triển đất nước theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, lĩnh vực cơ khí – tự động hóa có vai trò hết sức quan trọng trong phát triển đất nước. Đến thời điểm hiện tại, nhiều dự án KH&CN quan trọng liên quan đến các doanh nghiệp cơ khí – tự động hóa đã được triển khai thực hiện và mang lại hiệu quả thiết thực như: Dự án “Nghiên cứu đổi mới công nghệ thiết kế và chế tạo dây chuyền sản xuất cáp điện” của Công ty TNHH Công nghiệp Quang Nam đã giúp cho doanh nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu xuất khẩu sang Hàn Quốc và châu Âu; Dự án “Hoàn thiện công nghệ chế tạo robot phục vụ đào tạo” do Công ty TNHH Robot Việt Nam chủ trì đã giúp công ty chế tạo thành công robot tay máy 5 bậc tự do phục vụ đào tạo, sản phẩm có chất lượng tương đương với sản phẩm nước ngoài nhưng giá thành giảm tới 60%…

Theo PGS.TS Nguyễn Chỉ Sáng, Phó chủ tịch Hội Doanh nghiệp cơ khí Việt Nam, công nghệ thiết kế và chế tạo phát triển rất mạnh mẽ trong kỷ nguyên Cách mạng công nghiệp 4.0 giúp các doanh nghiệp sản xuất ra hàng hóa với chất lượng cao, năng suất lao động vượt trội, làm mất các lợi thế về nhân công giá rẻ của các nước đang phát triển. Tuy nhiên, nó cũng thu hẹp khoảng cách các doanh nghiệp tại các nước phát triển và các nước đang phát triển. Nếu biết nắm bắt cơ hội, các doanh nghiệp có thể đầu tư, lựa chọn, trang bị được công nghệ thiết kế, chế tạo hợp lý để thành một doanh nghiệp có sức cạnh tranh cao.

TS Nguyễn Sỹ Đăng, Phó Giám đốc Văn phòng Các chương trình KH&CN quốc gia cho hay, hầu hết sản phẩm từ các dự án, các doanh nghiệp tham gia các chương trình KH&CN đều được thương mại hóa thành công, thậm chí được nhiều đối tác nước ngoài chấp thuận, ký kết hợp tác. TS Nguyễn Sỹ Đăng nhấn mạnh: Phát triển KH&CN là động lực then chốt để phát triển đất nước nhanh và bền vững. KH&CN đóng vai trò chủ đạo để tạo bước phát triển đột phá về lực lượng sản xuất, đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.

Với mục tiêu phát triển thị trường KH&CN, Chương trình Phát triển thị trường khoa học và công nghệ đến năm 2020 (gọi tắt là Chương trình 2075) được Thủ tướng phê duyệt và đang được triển khai.

Các thông tin liên quan đến chương trình 2075 và các chính sách chế độ ưu đãi cho các doanh nghiệp KH&CN….các tổ chức, cá nhân có thể tìm trên trang: www.thitruongcongnghe.gov.vn hoặc www.2075.com.vn thuộc Dự án Phát triển cộng đồng Sàn Công Nghệ Vui.

PV (T/h)