Các công nghệ, giải pháp kỹ thuật, dịch vụ mới có khả năng ứng dụng rộng, chi phí thấp, giúp phát triển kinh tế và cuộc sống tiện ích hơn.
Ngày 24/4, tại hội thảo Tổng kết cuộc thi Sáng chế năm 2018, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) đã công bố mười sáng chế xuất sắc thuộc lĩnh vực cơ khí, điện tử, hóa học, y dược và môi trường… được lựa chọn vào vòng chung khảo. Lễ trao giải sẽ tổ chức vào ngày mai 25/4 tại Hà Nội.
Trong số này, lĩnh vực môi trường có giải pháp của tác giả Trần Kim Quy (TP HCM với quy trình sản xuất phân hữu cơ vi sinh từ chất thải rắn sinh hoạt. Tác giả đã sử dụng rác thải sinh hoạt đô thị và nông thôn làm nguyên liệu sản xuất phân hữu cơ vi sinh. Các chủng vi sinh vật dùng để nhân giống, lên men sản xuất ra các chế phẩm vi sinh đều được phân lập tuyển chọn trong đất. Các loại hóa chất, vật tư khác đều có sẵn trong nước. Hội đồng giám khảo đánh giá, giải pháp kỹ thuật khả thi và tính ổn định cao trong điều kiện kinh tế hiện nay của Việt Nam.
Lĩnh vực hóa học, hội đồng chọn phương pháp và hệ thống thiết bị sản xuất hỗn hợp C60 – C70 Fullerene của tác giả Trịnh Đình Năng (Vĩnh Phúc). Giải pháp sáng chế này tận dụng các loại chất thải nông nghiệp có hàm lượng carbon cao như vỏ trấu, sọ dừa, vỏ tơ của hạt cà phê, lông vũ, cùi ngô… là những nguyên liệu có sẵn, rẻ tiền để tổng hợp ra sản phẩm hỗn hợp C60 – C70 fullerene – vật liệu phục vụ cho nhiều lĩnh vực kỹ thuật cao như: vật liệu, điện tử… Phương pháp này có thể giúp tổng hợp khối lượng lớn hỗn hợp C60 – C70 Fullerene đáp ứng nhu cầu vật liệu ngày càng tăng của các ngành công nghiệp.
Lĩnh vực y dược có giải pháp tạo hỗn hợp dược liệu chăm sóc tóc, lông và sản phẩm trị chấy của tác giả Nguyễn Thị Hương Liên, Công ty cổ phần Sao Thái Dương, Hà Nội.
Thiết bị cảnh báo lũ cho các đoạn đường ngập nước của tác giả Nguyễn Đức Thành. Ảnh: HM. |
Ở lĩnh vực điện tử, có ba giải pháp được lựa chọn. Trong số này có: “Hệ thống thu thập, quản lý thông tin bệnh tật, khám bệnh, chữa bệnh” của tác giả Vũ Văn Anh (Hà Nội), được thiết kế cho phép kết nối thông tin giữa địa phương và cấp quốc gia hoặc nhiều quốc gia. Giải pháp sẽ hỗ trợ việc ra quyết định, chính sách phù hợp với thực tiễn phát sinh nhằm đem lại hiệu quả lớn nhất trong việc chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Giải pháp “Thiết bị cảnh báo lũ từ xa sử dụng tín hiệu pháo hoặc còi cảnh báo cho các đoạn đường ngập nước” của tác giả Nguyễn Đức Thành (Bắc Giang) đã tạo ra thiết bị cảnh báo hữu hiệu khi có lũ ống, lũ quét, nước dâng nhằm cảnh báo nhanh nhất, nhiều người biết nhất tại nơi xảy ra lũ và khu vực xung quanh trên các đoạn đường ngập nước.
Giải pháp “Thiết bị phát sáng đeo tay và phương pháp điều khiển” của tác giả Phạm Huỳnh Phong (TP. HCM) giúp người đeo thực hiện các lệnh điều khiển khác nhau như lắc tay sang phải, sang trái, lên trên, xuống dưới, ra phía trước hoặc sau. Giải pháp cũng cho phép người đeo thực hiện tắt/mở, thay đổi màu sắc của nguồn sáng trên thiết bị này bằng chính tay đang đeo một cách độc lập với chuyển động của thiết bị mà không gây cản trở việc cầm nắm các đồ vật khác.
Trong lĩnh vực xây dựng, thủy lợi có bốn giải pháp, gồm: “Cấu kiện lắp ghép bảo vệ bờ sông, hồ và đê biển” của tác giả Hoàng Đức Thảo, Công ty BUSADCO (Bà Rịa – Vũng Tàu). Sáng chế đề xuất các giải pháp cấu kiện lắp ghép bảo vệ bờ sông hồ và đê biển được đúc thành từng modul (đốt) thay thế các phương pháp truyền thống. Giải pháp vượt trội so với các giải pháp thông thường về khả năng: chống ăn mòn, chống thấm, kết cấu vững chắc và tăng tính ổn định công trình.
Giải pháp “Chậu tự động cung cấp nước cho quy trình tự tưới cho cây” của nhóm tác giả Nguyễn Vĩnh Phúc – Nguyễn Vĩnh Sơn (TP HCM) giúp người dùng trồng cây xanh trong nhà, khuôn viên… và cũng có thể có những bữa ăn rau sạch do tự mình trồng, kiểm soát. Sáng chế mở ra một hướng nghiên cứu mới về cách tưới cho dòng thực phẩm cao cấp là nấm.
Giải pháp “Đập mở chặn thủy triều và giữ nước sông” của tác giả Hoàng Ngọc Kỷ (TP HCM) với mục đích ngăn chặn thủy triều và giữ nước sông tại các khu vực bị ảnh hưởng của chiều cường, đồng thời giữ nước sống để phục vụ sinh hoạt, tưới tiêu và một số mục đích khác của người dân.
Giải pháp “Hệ thống hộp thép mạ kẽm bọc nhựa PVC chứa đá học liên kết dạng bậc so le bảo vệ mái hạ lưu đập đá đổ giảm lũ quét và bùn đá” của Nguyễn Ngọc Quỳnh và các đồng tác giả tại Hà Nội giúp xây dựng các công trình thủy lợi, thủy điện, công trình bảo vệ bờ sông, bờ biển hạn chế xói lở bờ, công trình giảm thiểu rủi ro thiên tai lũ ống, lũ quét, bùn đá tại khu vực miền núi có nguy cơ sạt lở cao.
Ông Phan Ngân Sơn, Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ, Chủ tịch Hội đồng chung khảo cho biết, sau 6 tháng phát động, cuộc thi Sáng chế năm 2018 đã nhận được 212 hồ sơ từ 40 tỉnh/thành cả nước. Hội đồng giám khảo gồm 9 chuyên gia trong nước, quốc tế đã lựa chọn các giải pháp xứng đáng nhất để trao giải.
Cuộc thi Sáng chế được Bộ Khoa học và Công nghệ (Cục Sở hữu trí tuệ là Cơ quan thường trực) chủ trì, phối hợp với Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO), Tổng cục Sở hữu trí tuệ Hàn Quốc (KIPO) và Ban Khoa giáo Đài truyền hình Việt Nam tổ chức thường niên. Cuộc thi nhằm khuyến khích, tôn vinh các hoạt động sáng tạo, tạo ra các công nghệ, giải pháp kỹ thuật, dịch vụ mới có khả năng ứng dụng rộng, tiện ích, với chi phí thấp để phục vụ tốt hơn cho cuộc sống người dân và sự phát triển chung của đất nước.
Theo Vnexpress