Ưu thế nổi bật của máy gieo hạt là gieo được tất cả các loại hạt, từ nhỏ như hạt cải đến lớn như hạt ngô. Đây là sản phẩm của nhà sáng chế nông dân Lê Thanh Trị (Lâm Đồng) và đã được tiêu thụ rộng rãi trong nước và xuất khẩu sang một số nước như Malaysia, Thái Lan, Indonesia…

Dám nghĩ, dám làm

Triển lãm Thiết bị và Công nghệ nông lâm ngư nghiệp – Vietnam Growtech 2019 thu hút người thăm quan khi được trực tiếp chứng kiến nhiều sáng chế nổi bật của các nông dân, kỹ sư Việt Nam như kỹ sư Lê Thanh Trị tại tỉnh Lâm Đồng với sáng chế: máy gieo hạt tự động thế hệ mới, máy rửa củ quả tự động; Công Ty TNHH sản xuất và kinh doanh Đại Nghĩa từ Thái Bình thì có máy cấy không động cơ và máy cấy động cơ điện; nhà sáng chế Phạm Văn Hát với nhiều sản phẩm mới như máy trồng cây tự động, máy đóng bầu ươm công nghiệp…

Nổi bật trong những sáng chế “made in Vietnam” tại Growtech năm nay là gian hàng của nhà sáng chế nông dân Lê Thanh Trị- 58 tuổi, ngụ tại 495, quốc lộ 20, thị trấn Liên Nghĩa, huyện Đức Trọng (Lâm Đồng).

Sáng chế được nhiều người quan tâm nhất của ông là máy gieo hạt tự động. Ưu thế nổi bật của máy gieo hạt là gieo được tất cả các loại hạt, từ nhỏ như hạt cải đến lớn như hạt ngô. Sau nhiều lần điều chỉnh, cải tiến, đến nay máy gieo hạt của ông Trị sáng chế ra gần như đạt đến mức độ hoàn hảo. Máy hoạt động theo cơ chế tạo chân không hút hạt giống tạo nên sự ổn định trong lúc hút hạt, chính xác và không bị hạt đôi. Máy chạy theo chiều ngang (chiều ngang khay 7 lỗ, chiều dài khay 12 lỗ) nên đạt năng suất rất cao. Toàn bộ các động tác có thể điều chỉnh được, đồng bộ và độc lập. Phễu định vị gieo hạt đúng vào tâm lỗ giúp cây phát triển tốt… Hiện nay, máy gieo hạt của ông Trị đã được tiêu thụ rộng rãi trong nước và xuất khẩu sang một số nước như Malaysia, Thái Lan, Indonesia.

Gian hàng trưng bày của nhà sáng chế Lê Thanh Trị tại Growtech 2019

Chia sẻ về lý do khiến ông bắt tay vào nghiên cứu sáng chế, ông Lê Thanh Trị nhớ lại: năm 2009, ông từ Bến Tre lên Lâm Đồng đi làm thuê cho một công ty chuyên sản xuất các sản phẩm nông nghiệp. Làm được hai năm, ông quyết định bỏ việc, lang thang khắp nơi kiếm việc mới. “Tôi tìm tới nhiều vườn ươm giống cây xin việc, thấy người ta làm hoàn toàn bằng thủ công mà chẳng có máy móc nào hỗ trợ. Từ đó tôi nảy sinh việc sáng chế các loại máy cơ khí trong nông nghiệp” – ông Trị bồi hổi kể.

Nghĩ là làm, vậy ông vét hết số tiền dành dụm đổ vào việc sáng chế máy gieo hạt giống vào khay xốp. Vốn có sẵn những kiến thức cơ bản về cơ khí, sau nhiều tháng mày mò, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, cuối cùng chiếc máy gieo hạt giống cũng đã thành công. Giá thành để làm chiếc máy đầu tiên này hết hơn 50 triệu đồng nhưng ông Trị bán chiếc máy với giá chỉ trên 30 triệu. Nguyên nhân là do máy đầu tiên vừa làm vừa thử nghiệm, nhiều thiết bị làm ra bị hư hỏng nên đã đội giá thành lên cao. Tiếng tăm ông Trị sáng chế ra máy gieo hạt nhanh chóng đồn ra, hàng chục cơ sở ươm giống cây tại Lâm Đồng dồn dập đến đặt hàng ông sản xuất máy để bán. Vậy là cả ngày lẫn đêm, ông Trị vùi đầu vào làm việc mà không kịp cho khách lấy máy.

Bí quyết thương mại hóa sản phẩm công nghệ

Nối tiếp thành công ban đầu, từ năm 2011 đến nay, ông Lê Thanh Trị đã liêp tiếp sáng chế ra hàng loạt máy cơ khí phục vụ sản suất nông nghiệp. Chỉ trong vòng 4 năm qua, 28 loại máy nông nghiệp đã được ông Trị sáng chế thành công, đã đưa 22 loại máy vào hoạt động sản xuất thương mại và được các cơ quan nhà nước công nhận. Trong đó có các loại máy như máy ép cám viên, máy nén giá thể vào khay xốp, máy rửa cà rốt, khoai tây, khoai lang, máy tách vỏ cây, máy băm gỗ, hệ thống tách nước chanh hạt…

Điều đáng nói, ngoài việc nghiên cứu sáng chế, các sản phẩm của ông Trị nghiên cứu đều xuất phát từ nhu cầu thị trường. Mỗi sản phẩm của ông khi bán ra đều được cải tiến cho phù hợp với địa hình, điều kiện sản xuất thực tế của người sử dụng máy. Do đó, trước khi nhận cung cấp máy cho đối tác, ông đều đi quan sát thực tế vùng đất mà người mua máy sử dụng. Đối tác nước ngoài đặt hàng, ông đều sang tận nước họ, đến vùng sản xuất nông nghiệp để quan sát, tính toán kỹ thông số kỹ thuật sản xuất nhằm nâng cao tối ưu hiệu quả hoạt động của máy móc.

Chính tư duy và cách tiếp cận thị trường KH&CN này mà các sản phẩm nghiên cứu của ông Lê Thanh Nghị đã sớm phủ thị trường máy nông nghiệp vùng Tây Nguyên và Nam Trung Bộ. Minh chứng cho điều này, gần đây nhất, ông đã nghiên cứu sáng chế thành công máy tách vỏ mắc ca. Sản phẩm ngay lập tức thu hút và đáp ứng được nhu cầu của thị trường bởi đây là sản phẩm – cây trồng chủ lực của Tây Nguyên. Dây chuyền bóc, tách vỏ mắc ca và sấy khô gồm 3 loại máy: máy bóc vỏ ngoài (khi vừa thu hoạch), máy tách vỏ cứng và cuối cùng là máy sấy.

Máy bóc vỏ ngoài quả mắc ca của ông Trị phù hợp với sản xuất hộ cá thể, mỗi giờ bóc được 300kg quả. Kết cấu máy gồm trên cùng là thùng đựng quả mắc ca, khi đổ mắc ca vào thùng để bóc vỏ, bật cầu dao điện, mô tơ sẽ chạy kéo theo guồng xoay bên trong hoạt động.

Ông Lê Thanh Trị bên máy bóc hạt mắc ca mà ông vừa sáng chế thành công

Đến nay, ông Trị đã xuất khẩu được gần 40 máy móc các loại ra nước ngoài. Các đối tác nước ngoài đã đánh giá rất cao máy móc do ông Trị sáng chế và tiếp tục đặt hàng ông sản xuất để phục vụ nông nghiệp nước họ.

Thành công của nhà sáng chế Lê Thanh Nghị cũng như sự lan tỏa các sản phẩm sáng chế hữu ích của ông được thương mại hóa thành công ở cả trong và ngoài nước thực sự là một tín hiệu đáng mừng đối với sự phát triển KH&CN nói chung và hoạt động đổi mới sáng tạo nói riêng. Đồng thời nó cũng cho thấy tiềm năng và năng lực sáng to lớn của các doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân, các nhà sáng chế của Việt Nam, khẳng định hướng đi của Chương trình phát triển thị trường KH&CN đến năm 2020.

Bài và ảnh: Minh Châu