Khác với những suy nghĩ trước đây của tầng lớp đi trước, giới trẻ hiện nay muốn khởi nghiệp nhiều hơn là tìm cho mình một công ty để đi làm. Tuy nhiên, giới trẻ vẫn chưa được đào tạo và hướng dẫn chuyên sâu về kỹ năng quản trị một doanh nghiệp khởi nghiệp .

Đa phần các sinh viên đều hiểu được khi khởi nghiệp là đầy rủi ro nhưng đều muốn chứng tỏ năng lực bản thân và xem đây là cơ hội để mình mài dũa kinh nghiệm. Đích đến cuối cùng của họ là sự thành công và giàu có.

Nhưng tính chủ động lại là một kỹ năng mềm còn thiếu ở giới trẻ Việt Nam, ông Nguyễn Duy Tuấn, Trưởng phòng tư vấn tuyển dụng của Navigos Search, cho biết trong buổi tọa đàm về hướng nghiệp trong lĩnh vực khởi nghiệp sáng tạo tại Khu Công nghệ phần mềm Đại học Quốc gia TPHCM sáng ngày 18-8. Trong thực tế, làm việc trong startup phải có 80-85% kỹ năng mềm để giải quyết các công việc từ phức tạp đến đơn giản trong một đội nhóm. Các kỹ năng mềm này giúp họ tồn tại và phát triển trong môi trường đòi hỏi sự sáng tạo và chủ động.

Khởi nghiệp theo cảm hứng:

Một số bạn trẻ vì thiếu các kỹ năng mềm này mà phải khởi nghiệp nhiều lần trước khi rút ra được các bài học cho việc quản lý và kinh doanh. Anh Lê Hoàng Nhật, người sáng lập và là CEO của Công ty Cổ phần Ami, khởi nghiệp từ khi còn trên ghế nhà trường. Anh đã khởi nghiệp rất nhiều trước khi đạt được thành công. Dù nhiều sản phẩm của anh đều dựa trên nhu cầu thực tế và trên công nghệ. Sản phẩm đầu tiên anh chia sẻ là các sách bí quyết giải toán cho người mê học toán trên blog của mình. Sản phẩm thứ hai là nền tảng chia sẻ các địa điểm vui chơi giải trí mà anh đã có tham vọng làm tốt hơn sản phẩm của Foody đang được ưa chuộng trên thị trường lúc đó.

Nguyên nhân là vì công nghệ chưa được đầu tư mạnh nên không thể cạnh tranh cùng đối thủ. Nhưng anh thấy nguyên nhân chính là kỹ năng mềm của mình chưa đáp ứng được việc kinh doanh. Chưa có kinh nghiệm quản lý dự án và đội ngũ của mình dẫn đến việc không có khách hàng mà tiền vốn thì chảy vào đâu anh không kiểm soát được. Lúc đó anh chỉ cần biết khởi nghiệp vì mình thích mà chưa biết phải làm gì, định hướng kinh doanh như thế nào, thấy cần gì trước mắt thì giải quyết việc đó. Cũng chính vì không chuẩn bị trước để đối phó với rủi ro nên khi khó khăn ập đến thì không thể giải quyết được nữa. Anh cũng không có mối quan hệ nào như các vườn ươm để tìm đến khi cần chỉnh sửa mô hình kinh doanh hay tổ chức vốn để tiếp thêm nguồn tài chính. Chỉ khi đến dự án AMI hiện giờ anh mới tìm một đội ngũ đầy đủ các kỹ năng khác nhau về kiểm soát tiền, kiểm soát nội dung, bán hàng … thì anh mới thành công.

Trải nghiệm trước khi khởi nghiệp

Ông Nguyễn Anh Thi, Giám đốc Khu Công nghệ phần mềm ĐHQG TPHCM (ITP) dẫn một báo cáo chỉ ra rằng có 3-5% sinh viên trên toàn thế giới có năng khiếu làm doanh nghiệp khởi nghiệp. Nhưng các kỹ năng này có thể trau dồi được, đó là 16 kỹ năng làm việc cơ bản giúp ích cho cả lao động việc làm chứ không chỉ startup. Các kỹ năng đó là khởi nghiệp sáng tạo, tư duy phản biện, phát triển năng lực STEM (khoa học, công nghệ, kỹ thuật, toán học),…

Các chuyên gia nhận định, các cuộc thi khởi nghiệp sáng tạo sẽ là đòn bẩy giúp các em có sân chơi, rèn luyện các kỹ năng cần có trong khởi nghiệp. Trong các cuộc thi các em sẽ học được những điều cơ bản trong việc kinh doanh từ việc xây dựng mô hình, tiếp cận khách hàng, tìm hiểu thị trường. Trải nghiệm những cuộc thi còn giúp các em nhận ra điểm mạnh của chính mình, từ đó chủ động hơn về nghề nghiệp tương lai. Các thành viên trong startup cần bổ sung ở các các khóa học kỹ năng mềm trên thị trường đào tạo để tránh bị đào thải khi không còn thích hợp với quá trình phát triển của startup.

Vì mong muốn khởi nghiệp khi còn rất trẻ, các bạn trẻ quan tâm nhiều đến việc thu hút vốn đầu tư, khi chưa có vốn trong tay. Theo ông Tuấn, việc đầu tư phải đến từ hai phía. Ở phía nhà đầu tư, có người sẽ quan tâm đến năng lực của đội nhóm khởi nghiệp. Đối với nhà đầu tư này, các bạn trẻ không chỉ cần chứng tỏ năng lực của mình mà còn phải cho các nhà đầu tư thấy được mình có được sự đam mê để theo đuổi sự phát triển lâu dài của doanh nghiệp khởi nghiệp, và đủ đam mê để vượt qua các thách thức. Nhà đầu tư khác sẽ quan tâm đến doanh thu, thị trường và khách hàng. Khi đó các startup phải chứng minh được tính hiệu quả của mô hình kinh doanh của mình vượt trội. Ở phía startup, các bạn nên tỉnh táo để chọn nhà đầu tư phù hợp với mình.