Trong một vài năm gần đây, Chính phủ Việt Nam đã đề ra nhiều cơ chế, chính sách nhằm đổi mới xây dựng,thúc đẩy khởi nghiệp, và đã đến lúc cần phải có những sản phẩm cụ thể, đừng để khởi nghiệp chỉ mãi là khát vọng.

Cộng đồng khởi nghiệp cần có những sản phẩm cụ thể mang sức bật, có khả năng cạnh tranh quy mô toàn cầu.

PGS.TS Phạm Xuân Đà, Cục trưởng Cục công tác phía Nam, Bộ Khoa học và Công nghệ đã nhấn mạnh như vậy tại Hội thảo “Khởi nghiệp ứng dụng khoa học và công nghệ của doanh nghiệp khu vực Tây Nam Bộ, TP.HCM”. Hội thảo do Trung tâm ứng dụng dịch vụ khoa học và công nghệ phối hợp với Thành đoàn TP.HCM tổ chức sáng 11/12.

Theo PGS.TS Phạm Xuân Đà, vài năm trở lại đây, Chính phủ đã có những quan tâm và xây dựng chính sách cụ thể để thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp. Cụ thể là Đề án 844 (Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp quốc gia) hay đề án 1665 (Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp),…

TP.HCM cũng đã có những hoạt động khởi nghiệp, ra đời các trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp, quỹ đầu tư, các thành tố trong hệ sinh thái khởi nghiệp trước khi Chính phủ có những chương trình, chính sách hỗ trợ khởi nghiệp.

“Chính những điều đó đã góp phần thúc đẩy, tạo nên không khí khởi nghiệp trên khắp đất nước, đặc biệt là tại TP.HCM. Trên tinh thần đó, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo trên 3 miền (Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM) sẽ thành lập trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp trong thời gian tới”- PGS.TS Phạm Xuân Đà chia sẻ.

Tuy nhiên, PGS.TS Phạm Xuân Đà nhìn nhận, tính gắn kết giữa nhà khoa học và doanh nghiệp, thương mại hóa sản phẩm còn nhiều hạn chế. Nhìn ra quốc tế, một số quốc gia như Phần Lan, doanh nghiệp đưa ra những vấn đề cần giải quyết và họ “đặt hàng” lại cho nhà khoa học và tổ chức thành các cuộc thi. Chính từ yêu cầu thị trường đó, nhà khoa học đã tạo ra nhiều sản phẩm giàu tính ứng dụng, và doanh nghiệp khởi nghiệp ra đời từ đó.

“Nhìn về Việt Nam, nhà nước đã xây dựng chính sách, thúc đẩy khởi nghiệp bao năm qua, và đã đến lúc cần phải có những sản phẩm cụ thể, đừng để khởi nghiệp chỉ mãi là khát vọng”- PGS.TS Phạm Xuân Đà thẳng thắn.

Các nhà khoa học, chuyên gia chia sẻ thông tin tại hội thảo tổ chức tại Thành đoàn TP.HCM.

Đồng quan điểm, ông Huỳnh Kim Tước, CEO Saigon Innovation Hub, thuộc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM nhìn nhận, các chương trình hỗ trợ khởi nghiệp, hoạt động khởi nghiệp diễn ra rầm rộ nhưng cộng đồng khởi nghiệp đang thiếu sự dẫn dắt của các doanh nghiệp lớn.

Doanh nghiệp lớn tham gia vào cộng đồng khởi nghiệp nhằm tạo ra động lực thúc đẩy khởi nghiệp. Cụ thể, như tại Hàn Quốc, tập đoàn Hyundai đã đưa ra những “đặt hàng” cho startup làm sản phẩm về điện gia dụng ứng dụng công nghệ nano. Hay tập đoàn Bosch (Đức) đưa ra những “đề bài” sản xuất sản phẩm điện gia dụng thông minh.

“Các đặt hàng này sẽ đưa về các vườn ươm và cộng đồng khởi nghiệp đưa ra ý tưởng. Doanh nghiệp lớn họ đã hiểu rõ về thị trường, có khả năng nắm bắt nhu cầu thị trường nên những sản phẩm sáng tạo sẽ dễ được thị trường tiếp cận hơn”- ông Tước chia sẻ.