Tại Lễ kỷ niệm 60 năm thành lập Bộ KH&CN, Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh đã có bài phát biểu quan trọng, trong đó nhấn mạnh đến 5 nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm mà ngành KH&CN cần tập trung phối hợp chặt chẽ hơn nữa với các ban, ủy ban, bộ, ngành, cơ quan ở trung ương và địa phương, cộng đồng các nhà khoa học, nhà quản lý và doanh nghiệp triển khai trong giai đoạn tới. Tạp chí Khám phá xin được trích đăng những nội dung quan trọng trong bài phát biểu này.

Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh đọc diễn văn khai mạc tại Lễ kỷ niệm

 Phát triển khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu

Trong công cuộc CNH, HĐH và hội nhập quốc tế, việc quản lý nhà nước về công nghệ và môi trường đã trở nên cấp bách. Ngày 30/9/1992, Quốc hội khóa IX đã ban hành Nghị quyết thành lập Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường. Bộ đã tham gia đóng góp cho việc hoạch định các chủ trương, đường lối quan trọng của Đảng: Nghị quyết Trung ương 7, khóa VII lần đầu tiên khẳng định KH&CN là nền tảng của CNH, HĐH; Nghị quyết Trung ương 2, khóa VIII về định hướng chiến lược phát triển KH&CN trong thời kỳ CNH, HĐH và nhiệm vụ đến năm 2000; các Nghị quyết Đại hội VIII, Đại hội IX của Đảng. Đặc biệt, Hiến pháp 1992 được sửa đổi năm 2001 bổ sung một tuyên ngôn quan trọng: “Phát triển khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu”. Luật KH&CN năm 2000 được ban hành, lần đầu tiên luật hóa các quy định về KH&CN, góp phần giải phóng tiềm năng sáng tạo và tạo tiền đề cho việc xã hội hóa hoạt động KH&CN.

Để tập trung hơn cho các nhiệm vụ quản lý nhà nước về KH&CN trong phạm vi cả nước, đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế và hội nhập của đất nước, tháng 8/2002, Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường được đổi tên thành Bộ Khoa học và Công nghệ với một số điều chỉnh về chức năng, nhiệm vụ; lĩnh vực quản lý nhà nước về môi trường được chuyển về Bộ Tài nguyên và Môi trường. Trong công tác tham mưu, Bộ đã tham gia đóng góp cho việc hoạch định các chủ trương, đường lối quan trọng của Đảng: Nghị quyết Đại hội X, Đại hội XI; Nghị quyết 20, khóa XI về phát triển KH&CN phục vụ sự nghiệp CNH, HĐH trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế; các Nghị quyết 05, 06, 10, 11 của Trung ương; Nghị quyết số 23, 50, 52 của Bộ Chính trị khóa XII.

Trong công tác xây dựng pháp luật, các đạo luật chuyên ngành trong lĩnh vực quản lý KH&CN được ban hành và sửa đổi, bổ sung để phù hợp với thực tiễn quản lý như: Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005, sửa đổi, bổ sung năm 2009; Luật Chuyển giao công nghệ năm 2006; Luật Chuyển giao công nghệ năm 2017; Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật năm 2006; Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa năm 2007; Luật Năng lượng nguyên tử năm 2008; Luật Công nghệ cao năm 2008; Luật Đo lường năm 2011; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm, Luật Sở hữu trí tuệ năm 2019,…. Các đạo luật này cùng với hệ thống các văn bản hướng dẫn thi hành ngày càng hoàn thiện, đã góp phần tạo hành lang pháp lý thuận lợi và đồng bộ hơn cho hoạt động KH&CN và quản lý KH&CN.

KH&CN đã có những đóng góp nổi bật trong phát triển kinh tế – xã hội và hội nhập quốc tế

Hiến pháp năm 2013 tiếp tục khẳng định “Phát triển KH&CN là quốc sách hàng đầu; giữ vai trò then chốt trong sự nghiệp phát triển kinh tế – xã hội của đất nước”. Luật KH&CN 2013 được ban hành đã kế thừa các quy định tiến bộ của Luật KH&CN năm 2000, bổ sung thêm nhiều nội dung mới có tính đột phá về cơ chế, chính sách đối với KH&CN mà trụ cột là ba nhóm giải pháp: Đổi mới cơ chế quản lý tổ chức và nhiệm vụ KH&CN; đổi mới cơ chế tài chính và đầu tư cho KH&CN; đổi mới chính sách đối với nhân lực KH&CN. Hệ thống văn bản hướng dẫn thi hành Luật cũng đã được Bộ trình Chính phủ ban hành kịp thời.

Trong giai đoạn hiện nay, với sự phát triển nhanh chóng của cách mạng KH&CN, tại Nghị định số 95/2017/NĐ-CP, Chính phủ đã giao cho Bộ Khoa học và Công nghệ thực hiện chức năng quản lý nhà nước về: hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo; phát triển tiềm lực KH&CN; sở hữu trí tuệ; tiêu chuẩn đo lường chất lượng; năng lượng nguyên tử, an toàn bức xạ và hạt nhân. Chính phủ coi đổi mới sáng tạo là một lĩnh vực mới cần chú trọng thúc đẩy.

Có thể thấy rằng, trong hơn 30 năm đất nước tiến hành công cuộc đổi mới toàn diện, cơ chế và chính sách quản lý hoạt động KH&CN cũng luôn được quan tâm đổi mới nhằm giải phóng tiềm năng sáng tạo, tạo môi trường thuận lợi và thông thoáng cho hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ. Trên cơ sở đó, KH&CN đã có những đóng góp nổi bật trong phát triển kinh tế – xã hội và hội nhập quốc tế, được Lãnh đạo Đảng, Nhà nước ghi nhận và biểu dương.

Toàn cảnh Lễ kỷ niệm 60 năm thành lập Bộ KH&CN và đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất với gần 2000 đại biểu trong hội trường theo dõi bộ phim về sự phát triển của ngành KH&CN.

Nhìn lại 60 năm hình thành và phát triển, mỗi cán bộ của Bộ Khoa học và Công nghệ hôm nay đều hết sức tự hào và thể hiện lòng biết ơn vô hạn với sự hy sinh thầm lặng và to lớn của lớp lớp cha anh đi trước đã hun đúc nên các giá trị và đặt nền móng cho những thành công của ngày hôm nay.

5 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm

Bước sang giai đoạn phát triển mới, khi Đất nước ta hội nhập toàn diện với thế giới và đứng trước nhiều cơ hội cũng như thách thức trong bước đường phát triển như: Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Hiệp định CPTPP và các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, được sự quan tâm, chỉ đạo của Đảng và Nhà nước, trực tiếp của đồng chí Thủ tướng Chính phủ, Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ tiếp tục nỗ lực phát huy sức sáng tạo của nhân dân, nhiệt huyết nghiên cứu của cộng đồng các nhà khoa học-công nghệ, nguồn lực đầu tư của doanh nghiệp. Đồng thời, tập trung phối hợp chặt chẽ hơn nữa với các ban, ủy ban, bộ, ngành, cơ quan ở trung ương và địa phương, cộng đồng các nhà khoa học, nhà quản lý và doanh nghiệp triển khai các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm sau:

  1. Tiếp tục đổi mới hệ thống sáng tạo quốc gia theo hướng lấy doanh nghiệp làm trung tâm và trường đại học là chủ thể nghiên cứu mạnh. Thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo quốc gia để phát triển mạnh lực lượng doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo có tiềm năng tăng trưởng nhanh.
  2. Tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp về kinh tế, thương mại, đầu tư và cải thiện môi trường kinh doanh để kích cầu công nghệ và nhu cầu đổi mới sáng tạo từ khu vực doanh nghiệp. Tăng cường năng lực hấp thụ công nghệ của doanh nghiệp thông qua tiếp tục khuyến khích doanh nghiệp đầu tư lập quỹ phát triển KH&CN, thành lập viện nghiên cứu, doanh nghiệp KH&CN, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo. Tăng cường hợp tác công tư trong triển khai các dự án công nghệ quy mô lớn và hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo.
  3. Đối với các trường đại học, cùng với đào tạo, nghiên cứu khoa học phải là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu. Quan tâm đầu tư kinh phí và cơ sở hạ tầng nghiên cứu, phòng thí nghiệm trọng điểm, nhóm nghiên cứu mạnh, trung tâm xuất sắc trong các trường đại học. Đối với các viện nghiên cứu, thực hiện trao quyền tự chủ tối đa gắn với trách nhiệm giải trình, chịu sự đánh giá độc lập về kết quả hoạt động và công khai kết quả đánh giá. Thúc đẩy gắn kết, hợp tác giữa các trường đại học, viện nghiên cứu với khu vực công nghiệp và doanh nghiệp để đẩy mạnh thương mại hóa kết quả nghiên cứu trong thực tiễn sản xuất, kinh doanh.
  4. Tiếp tục đổi mới hoạt động quản lý KH&CN theo hướng dỡ bỏ các rào cản, giải phóng tối đa tiềm năng sáng tạo. Phát triển đội ngũ cán bộ khoa học mạnh, kết hợp đồng thời các biện pháp động viên, khuyến khích và đặt yêu cầu trở lại đối với nhà khoa học.
  5. Đẩy mạnh hợp tác và hội nhập quốc tế, thúc đẩy hợp tác nghiên cứu chung để tranh thủ nguồn lực và tri thức của các quốc gia tiên tiến, đồng thời từng bước nâng tầm năng lực và trình độ nghiên cứu trong nước. Thu hút, khai thác thế mạnh của đội ngũ các nhà khoa học tài năng là người Việt Nam ở nước ngoài.

Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng qua 60 năm hình thành và phát triển, Bộ Khoa học và Công nghệ luôn làm tốt chức năng tham mưu cho Đảng, Nhà nước trong việc ban hành và tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách pháp luật, thúc đẩy nền khoa học công nghệ (KHCN) nước nhà.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nêu bật những kết quả quan trọng mà KH&CN đã đóng góp vào sự phát triển của đất nước.

“Chúng ta cần phải có một bước chuyển đổi về mặt chiến lược để thúc đẩy nghiên cứu và phát triển khởi nghiệp sáng tạo, ứng dụng kết hợp phát triển công nghệ trong một số ngành, lĩnh vực mới có thế mạnh. Cần phải xác định KHCN và đổi mới sáng tạo phải là nền tảng thúc đẩy phát triển nhanh và bền vững của đất nước, là lực lượng sản xuất trực tiếp, là động lực chính của mô hình phát triển kinh tế xã hội, đồng thời phải làm tốt hơn nữa sự phối hợp giữa Nhà nước và xã hội trong việc phát triển KHCN kết hợp tốt hơn giữa nội lực và ngoại lực trong phát triển KHCN và đổi mới sáng tạo”.- Thủ tướng nhấn mạnh.  Đây là yêu cầu trọng trách to lớn đối với Bộ Khoa học và Công nghệ và đội ngũ cán bộ quản lý và cán bộ nghiên cứu KHCN.

Truyền thông chương trình 2075