Ngày 10/12, tại Tp. Hồ Chí Minh đã diễn ra Hội thảo Kết nối và phát huy các nguồn lực để startups Việt nhìn ra thế giới. Sự kiện được tổ chức bởi Kênh truyền hình văn hóa đối ngoại VTC10, NetViet và nằm trong khuôn khổ nhiệm vụ Đề án 844 – truyền thông nhằm thu hút nguồn lực đầu tư trong nước, quốc tế, từ các doanh nghiệp lớn, quỹ đầu tư mạo hiểm, nhà đầu tư thiên thần cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

Hội thảo được bảo trợ bởi Bộ Khoa học và Công nghệ với sự hiện diện của Thứ trưởng Trần Văn Tùng, cùng sự tham gia của Uỷ ban về người Việt Nam ở nước ngoài TP.HCM

Thứ trưởng Trần Văn Tùng phát biểu tại hội thảo

Hội thảo “Kết nối và phát huy các nguồn lực để Startups Việt nhìn ra thế giới” kết nối 3 thành phần: Việt Nam, người Việt Nam ở nước ngoài, người nước ngoài tại Việt Nam Những người quan tâm và có sự ảnh hưởng cho phong trào khởi nghiệp Việt Nam. Hội thảo đã thu hút được giới chuyên gia, các cơ quan ngoại giao, các nhà đầu tư, các đơn vị hỗ trợ khởi nghiệp và đặc biệt là những nhà khởi nghiệp trong nước và nước ngoài tại Việt Nam.

Qua các phiên thảo luận, hội thảo đã ghi nhận nhiều ý kiến, quan điểm mới và thông tin giá trị từ các góc độ bao gồm quản lý nhà nước, chuyên gia về khởi nghiệp, nhà đầu tư, doanh nghiệp khởi nghiệp.

Hội thảo thu hút đại diện quản lý nhà nước, các tổ chức đơn vị hỗ trợ khởi nghiệp và startup

Phát biểu tại hội nghị, thứ trưởng Trần Văn Tùng đã nhấn mạnh về những kết quả tốt đẹp từ Ngày hội khởi nghiệp Techfest Vietnam 2019 tại Quảng Ninh với số tiền ban đầu là 750 triệu đô đầu tư cho startup từ hành trình các hoạt động khởi nghiệp trong năm vừa qua. Ông cũng khẳng định Hành trình đưa startup Việt ra nước ngoài đã thu hút hiệu quả các nguồn lực hỗ trợ từ các nước có hệ sinh thái khởi nghiệp thành công nhất trên thế giới như Mỹ, Hàn Quốc, Singapore … Mỗi bước đi trên hành trình đó, startup Việt cùng với các hoạt động phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp ra quốc tế của Bộ Khoa học & Công nghệ đã nhận được sự hỗ trợ nhiệt tình từ các tổ chức, cá nhân có tâm huyết với các hoạt động khởi nghiệp của Việt Nam. Đặc biệt Bộ Khoa học và Công nghệ đã thực hiện ký hợp tác với nhiều tổ chức lớn của nước ngoài trong việc đào tạo tri thức, kiến thức cho khởi nghiệp, được ví như “Nguồn lực mềm” – yếu tố được cho là rất quan trọng để phát triển khởi nghiệp sáng tạo.

Cũng tại Hội thảo, Bà Marie C. Damour – Tổng lãnh sự Mỹ tại Tp. HCM đã thể hiện niềm vui mừng và hào hứng với sự phát triển rất nhanh của startup Việt trong những năm gần đây. Qua hơn 20 năm, mối quan hệ ngoại giao giữa hai nước Việt – Mỹ, đến nay, đã đạt thành quả về kinh tế với 60 tỷ đô giao thương năm 2018, Việt Nam đang là thị trường rất tiềm năng được Hoa Kỳ nhắm tới. Thêm nữa với hơn 30 ngàn du học sinh Việt tại Mỹ, việc phát triển khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của Việt Nam đang có nhiều điều kiện thuận lợi để nhắm tới thị trường công nghệ của Mỹ.

Các diễn giả trao đổi tại hội thảo

Với vai trò kết nối từ cơ quan quản lý và triển khai các hoạt động phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, tiến sĩ Phạm Hồng Quất – Cục trưởng Cục phát triển Thị trường và Doanh nghiệp KH&CN, Bộ Khoa học và Công nghệ đã chia sẻ: Các hoạt động phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo của Bộ Khoa học và Công nghệ, chúng tôi có mục tiêu không tập trung ở những con số nhà đầu tư, tổ chức hỗ trợ hay startup mà ngắn gọn là Gọi được vốn cho khởi nghiệp. Mục tiêu của Đề án 844 – Phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đến 2020 là thu hút được 1000 tỷ đồng đầu tư cho startup và từ mua bán sát nhập doanh nghiệp, đến 2025 con số này sẽ là 2000 tỷ đồng.

Các vị khách mời tại hội thảo cũng đã chia sẻ tâm tư, kinh nghiệm của tổ chức, góp ý cho các hoạt động kêu gọi đầu tư của startup Việt.

Ông Trí Hoàng – CEO AI 20X: Là một nhà khởi nghiệp thành công tại Silicon Valley với nhiều lần bán Công ty thành công và giá trị công ty lớn nhất lên tới 268 triệu USD. Ông có kinh nghiệm hơn 40 năm làm cầu nối phát triển kinh tế và công nghệ giữa Hoa Kỳ và nhiều quốc gia trên thế giới. Là một người Việt xa xứ, ông mong muốn góp phần vào sự phát triển của Việt Nam, đặc biệt trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Thông qua việc mở nhà máy tại Việt Nam và hỗ trợ công ty Việt Nam đến với Silicon Valley.

Bà Thạch Lê Anh – Nhà sáng lập Vietnam Sillicon Valley, là nhân vật “chắp cánh” thành công cho hàng loạt startup công nghệ tên tuổi. Đồng thời, bà cùng VietNam Silicon Valley đã góp phần tăng tỷ lệ sống sót của Startup từ 10% lên 38% trên con đường tiên phong đưa khởi nghiệp đổi mới sáng tạo vào Việt Nam.

Hội thảo được tổ chức thực sự là cơ hội gặp gỡ của những nhân tài Việt tại nhiều quốc gia, cũng như những người nước ngoài có dấu ấn tốt đẹp tại Việt Nam. Không chỉ là cơ hội để chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm mà còn là cầu nối để người tham dự và startup Việt có hướng nhìn mới về thị trường trong tương lai và nhận biết các xu thế đang được quan tâm hiện tại.

Truyền thông Chương trình 2075