Năm 2018 đánh dấu mốc mới trong hoạt động đối ngoại đa phương về sở hữu trí tuệ của Việt Nam khi lần đầu tiên nước ta đảm nhận nhiệm vụ Chủ tịch Đại hội đồng WIPO với nhiệm kỳ 2 năm. Đây là một thành tựu quan trọng trong hoạt động hội nhập quốc tế, thể hiện uy tín của Việt Nam tại diễn đàn đa phương lớn nhất thế giới về sở hữu trí tuệ, là kết quả của việc thực hiện chủ trương chủ động, tích cực hội nhập quốc tế của Đảng và Nhà nước.

Đại sứ Dương Chí Dũng của Việt Nam chủ trì phiên họp Đại hội đồng WIPO 2018

Để phục vụ việc đảm nhận vị trí Chủ tịch Đại hội đồng WIPO của Việt Nam, Cục Sở hữu trí tuệ đã tích cực tham gia các cuộc họp, theo dõi các vấn đề được thảo luận của các Ủy ban chuyên môn của WIPO như Ủy ban Sở hữu trí tuệ và phát triển (CDIP), Ủy ban liên chính phủ về sở hữu trí tuệ và nguồn gen, tri thức truyền thống và văn hóa dân gian (IGC), Ủy ban thường trực về luật sáng chế (SCP), Ủy ban thường trực về nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp và chỉ dẫn địa lý (SCT), Hội đồng Liên minh PCT, Hội đồng Liên minh Madrid, Nhóm công tác của Liên minh Madrid, Nhóm công tác của Liên minh La Hay,… Bên cạnh đó, Việt Nam cũng chủ động có ý kiến về các vấn đề khác của WIPO khi cần. Trong khuôn khổ APEC và ASEAN, Việt Nam tham gia tích cực và đầy đủ các Nhóm Chuyên gia và Nhóm Công tác về Sở hữu trí tuệ, khẳng định vai trò và vị thế của Việt Nam trong các tổ chức này, tích cực chuẩn bị khởi động cho năm Chủ tịch ASEAN 2020 của Việt Nam.

Năm 2018 cũng ghi nhận nhiều hoạt động hợp tác quốc tế nổi bật được triển khai nhằm đóng góp tích cực cho sự phát triển của hệ thống sở hữu trí tuệ Việt Nam. Trong số đó, không thể không nhắc đến sự hợp tác đặc biệt có hiệu quả với WIPO thông qua việc hỗ trợ Việt Nam xây dựng Chiến lược quốc gia về sở hữu trí tuệ do Lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ trực tiếp chỉ đạo và Dự án Trục xoay và Nan hoa nhằm giúp Việt Nam hình thành nên mạng lưới các trung tâm hỗ trợ đổi mới sáng tạo và chuyển giao công nghệ (TISCs) tại các trường đại học, viện nghiên cứu. Việc các Cơ quan Sáng chế Nhật Bản (JPO), Cơ quan Sở hữu trí tuệ Hàn Quốc (KIPO), Cơ quan Sáng chế Châu Âu (EPO) đã và sẽ lần lượt trở thành đối tác triển khai thử nghiệm Chương trình thẩm định nhanh đơn sáng chế (PPH) của Việt Nam đã tạo ra một bước ngoặt trong hoạt động hợp tác quốc tế về thẩm định đơn sáng chế. Thông qua PPH, Cục Sở hữu trí tuệ sẽ rút ngắn thời gian thẩm định đơn đăng ký sáng chế, góp phần thúc đẩy các hoạt động đổi mới, sáng tạo, chuyển giao công nghệ, qua đó tạo thuận lợi cho quan hệ thương mại, đầu tư giữa Việt Nam và các nước. Bên cạnh lĩnh vực sáng chế, năm qua Cục Sở hữu trí tuệ cũng đã khởi động Dự án “Hỗ trợ bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho 3 sản phẩm: Thanh long Bình Thuận, Cà phê Buôn Ma Thuột và Vải thiều Lục Ngạn” để đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho 3 sản phẩm này tại Nhật Bản nhằm tạo thuận lợi cho các mặt hàng nông sản của Việt Nam có thể tiếp cận được thị trường Nhật Bản. Ngoài ra, Cục Sở hữu trí tuệ cũng đã phối hợp với Cơ quan Sở hữu trí tuệ Hàn Quốc (KIPO), Hiệp hội Xúc tiến sáng chế Hàn Quốc (KIPA) triển khai thành công Dự án hỗ trợ xây dựng thương hiệu tơ lụa Mã Châu của tỉnh Quảng Nam, góp phần khôi phục lại nghề dệt lụa truyền thống và các giá trị văn hóa của tỉnh Quảng Nam.

Đoàn cán bộ của Cục Công nghiệp thực phẩm Nhật Bản (FIAB) làm việc với  Ủy ban nhân dân huyện Lục Ngạn để hỗ trợ chuẩn bị đơn đăng ký chỉ dẫn địa lý vải thiều Lục Ngạn tại Nhật Bản

Một số sản phẩm thuộc bộ nhận diện thương hiệu lụa Mã Châu

                Khăn lụa Mã Châu do các chuyên gia Hàn Quốc hỗ trợ thiết kế

Dấu chứng nhận lụa Quảng Nam do Dự án thiết kế

Hoạt động hợp tác quốc tế trong năm vừa qua cũng đi vào chiều sâu, đã góp phần đắc lực vào việc nâng cao năng lực của Cục Sở hữu trí tuệ. Cụ thể, Cục Sở hữu trí tuệ đã ký kết và bắt đầu triển khai Dự án “Hiện đại hóa hệ thống quản trị đơn SHCN của Cục Sở hữu trí tuệ” (Dự án WIPO IPAS) với WIPO. Theo kế hoạch, hệ thống WIPO IPAS sẽ vận hành từng phần từ quý 2 năm 2019 và vận hành đầy đủ vào giữa năm 2020. Hệ thống này sau khi được đưa vào vận hành sẽ giúp Cục Sở hữu trí tuệ rút ngắn đáng kể thời gian thẩm định đơn đăng ký sở hữu công nghiệp, cung cấp thông tin kịp thời cho công chúng và các đối tác có liên quan. Cục Sở hữu trí tuệ cũng ký kết Bản ghi nhớ hợp tác mới với Cơ quan Sáng chế Nhật Bản, trong đó có một nội dung quan trọng là thiết lập Nhóm công tác về Sáng chế. Đây là cơ chế hợp tác chuyên sâu song phương đầu tiên mà Cục Sở hữu trí tuệ triển khai với đối tác nước ngoài. Thông qua cơ chế này, hai Cơ quan trao đổi thường xuyên và chuyên sâu về các vấn đề trong lĩnh vực sáng chế như nâng cao năng lực thẩm định đơn sáng chế, quản trị chất lượng và đào tạo cán bộ. Bên cạnh đó, việc nâng cao năng lực cán bộ thông qua đào tạo là một việc làm không thể thiếu. Cục Sở hữu trí tuệ đã tổ chức 88 đoàn ra với 137 lượt cán bộ và 35 đoàn vào với 116 lượt chuyên gia trong năm 2018. Các đối tác lớn giúp đào tạo nhân lực về sở hữu trí tuệ cho Việt Nam phải kể đến là WIPO, EPO, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Singapore, Australia,…

Cục trưởng Đinh Hữu Phí và Tổng Cục trưởng Naoko Munakata ký Thỏa thuận hợp tác giữa Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam và Cơ quan Sáng chế Nhật Bản.

Cục trưởng Đinh Hữu Phí và ông Wiliam Meredith, đại diện WIPO bấm nút khởi động Dự án WIPO IPAS.

Toàn cảnh Lễ khởi động Dự án WIPO IPAS

Trong năm qua, Cục Sở hữu trí tuệ đã duy trì và mở rộng quan hệ hợp tác với các nước thông qua việc ký Bản ghi nhớ hợp tác với Vụ Sở hữu trí tuệ Lào (DIP), Cơ quan Sở hữu trí tuệ Châu Âu (EUIPO), Viện Sở hữu công nghiệp Pháp (INPI), gia hạn Bản ghi nhớ hợp tác với  Cơ quan Sở hữu trí tuệ Vương quốc Anh (UK IPO) và đặc biệt là lần đầu tiên ký kế hoạch hợp tác với Cơ quan Sở hữu công nghiệp Cuba (OCPI). Với quan hệ chính trị hữu nghị tốt đẹp và thủy chung giữa hai nước và được Lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ quan tâm chỉ đạo, Cục đã chủ động đề xuất kế hoạch hợp tác về sở hữu trí tuệ với Cuba. Hoạt động đầu tiên được hai Cơ quan nhất trí tổ chức là Hội thảo Chia sẻ kinh nghiệm thẩm định sáng chế trong lĩnh vực dược phẩm, y tế và công nghệ sinh học diễn ra từ 11-14/12/2018 tại Hà Nội.

Cục Sở hữu trí tuệ và Cơ quan Sở hữu công nghiệp Cuba tổ chức Chia sẻ kinh nghiệm thẩm định sáng chế trong lĩnh vực dược phẩm, y tế và công nghệ sinh học, ngày 11-14/12/2018 tại Hà Nội

Có thể nói, hợp tác quốc tế về sở hữu trí tuệ năm 2018 đã góp phần thúc đẩy quá trình hội nhập ngày càng sâu rộng của Việt Nam, ở cả cấp độ song phương và đa phương, góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trong các tổ chức quốc tế liên quan đến sở hữu trí tuệ nói riêng và trên trường quốc tế nói chung. Các hoạt động hợp tác này đều thiết thực với hoạt động chuyên môn của Cục, hỗ trợ tích cực cho sự phát triển của hệ thống sở hữu trí tuệ Việt Nam./.