Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh cho biết, đầu tư khoa học công nghệ trong chế biến sau thu hoạch đóng vai trò quan trọng để hình thành và khép kín chuỗi sản xuất nông nghiệp. Ngành khoa học công nghệ đã tăng cường hợp tác với ngành nông nghiệp để đẩy mạnh vấn đề này. 

Dù có vị trí rất quan trọng để nâng cao giá trị gia tăng cho ngành nông nghiệp nhưng đến nay ngành chế biến nông sản vẫn còn khá ì ạch, có tới 70% sản phẩm nông sản vẫn phải xuất khẩu thô.

Tại Đồng Nai, toàn tỉnh có khoảng 300 DN chế biến nông sản, trong đó có khoảng 130 DN nằm trong các khu công nghiệp và cụm công nghiệp nhưng chủ yếu là DN có vốn đầu tư nước ngoài hoạt động ở các lĩnh vực như: Thức ăn gia súc, bột ngọt, bột nêm, cà phê, mía đường, sữa, hạt điều, bánh kẹo… Ngoài ra, có khoảng 3.000 cơ sở kinh doanh, sản xuất liên quan đến chế biến nông sản, thực phẩm nhưng ở quy mô hộ gia đình, sơ chế là chính nên giá trị chưa cao.

Trên quy mô toàn quốc, hiện, cả nước đã hình thành và phát triển hệ thống công nghiệp chế biến, bảo quản nông sản có công suất thiết kế lên đến 100 triệu tấn nguyên liệu/năm. Có trên 7.500 DN chế biến quy mô công nghiệp gắn với xuất khẩu, trong đó có hơn 2.600 cơ sở chế biến nông sản, hơn 760 cơ sở chế biến thủy sản…

Tuy nhiên, trình độ công nghệ chế biến nông sản của nước ta chưa cao, tỷ lệ sản phẩm có giá trị gia tăng cao còn thấp, chủng loại chưa phong phú. Các sản phẩm có giá trị gia tăng thấp vẫn chiếm tỷ lệ lớn (khoảng 80% sản lượng).

Ông Lê Mạnh Hùng – Phân viện Cơ điện nông nghiệp và công nghệ sau thu hoạch miền Nam cho hay, hiện các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu dưới dạng sản phẩm thô theo đường tiểu ngạch với giá trị thấp, mẫu mã chưa hấp dẫn, giá thành cao, tiềm ẩn nhiều rủi ro về an toàn thực phẩm.

Đẩy mạnh đầu tư cho công nghệ chế biến sau thu hoạch

Thông tin về vấn đề công nghệ chế biến sau thu hoạch tại phiên họp thứ 36 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội diễn ra mới đây, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh cho biết, công nghệ chế biến sau thu hoạch thực sự là khâu quan trọng, đặc biệt là với một nước nông nghiệp như Việt Nam. Điều này thể hiện qua chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước và các chương trình cụ thể của Bộ Khoa học và Công nghệ.

“Ngành khoa học công nghệ đã tăng cường hợp tác với ngành nông nghiệp để đẩy mạnh vấn đề này. Khâu chế biến sau thu hoạch là khâu quan trọng để hình thành và khép kín chuỗi sản xuất trong nông nghiệp, chúng tôi cũng rất quyết liệt trong nội dung này”, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh cho biết.

Theo Bộ trưởng Chu Ngọc Anh, công nghệ phục vụ chế biến sau thu hoạch hiện nay dựa vào kết quả nghiên cứu từ viện nghiên cứu và trường đại học, cùng với đó là bản thân doanh nghiệp được hỗ trợ và nâng cao năng lực hấp thụ, chuyển giao công nghệ.

Bộ Khoa học và Công nghệ cũng rất chú trọng đến nội dung này, theo Bộ trưởng Chu Ngọc Anh, trong tất cả kỳ hội chợ về thiết bị công nghệ vừa rồi thì có tới 33.000 công nghệ được chuyển giao trong nhiều thời kỳ, trong đó, tỷ trọng cho công nghệ chế biến sau thu hoạch rất cao. Ví dụ như Viện Nghiên cứu Nông nghiệp Nafoods đã hỗ trợ và chuyển giao công nghệ cho nhiều doanh nghiệp, góp phần lớn vào xuất khẩu hoa quả của Việt Nam hay Công ty Việt Nam Food đã được chuyển giao công nghệ đã đóng vai trò lớn trong sản xuất cá tra, tham gia vào xử lý phụ phẩm từ tôm…

“Chính sách đóng vai trò quan trọng trong khuyến khích doanh nghiệp. Sau khi có Nghị định 57/2018/NĐ-CP về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn  thì số doanh nghiệp trong lĩnh vực này tăng lên nhanh chóng, từ 3.700 doanh nghiệp lên đến hơn một vạn, gấp 3 lần, trong số đó có nhiều nhà máy chế biến rau, củ, quả… đây là những đối tượng chúng tôi quan tâm trong chuyển giao công nghệ và đã có tác động mạnh mẽ”, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh khẳng định.

PV (T/h)