Áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật (KHKT) vào sản xuất nông nghiệp là xu hướng tất yếu để nâng cao năng suất, hiệu quả lao động. Trên cơ sở hỗ trợ, hướng dẫn, chuyển giao KHKT của Hội Nông dân tỉnh, Sở KH&CN, Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư, một số nông dân đã áp dụng vào thực tiễn sản xuất, giúp giảm chi phí sản xuất, tăng năng suất, chất lượng nông sản, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Nhờ áp dụng kỹ thuật gieo mạ khay, cấy, gặt bằng máy, năng suất và sản lượng lúa của HTX Tân Phong (Bình Xuyên) tăng lên đáng kể. Ảnh Trường Khanh

Theo giới thiệu của Trung tâm Ứng dụng tiến bộ Khoa học và Công nghệ (Sở KH&CN), chúng tôi đến tham quan mô hình gieo mạ khay, cấy, gặt bằng máy của HTX Dịch vụ nông nghiệp Tân Phong ở xã Tân Phong (Bình Xuyên). Đây là một trong những mô hình gieo mạ khay, cấy, gặt bằng máy được Trung tâm Ứng dụng tiến bộ Khoa học và Công nghệ chuyển giao, hướng dẫn thực hiện. Trong quá trình triển khai, để áp dụng mô hình vào thực tiễn, do chi phí đầu tư cơ sở vật chất lớn, HTX gặp khó khăn về nguồn vốn, song bằng kinh nghiệm thực tế, sự sáng tạo của ông Nguyễn Đình Bông, Phó Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Tân Phong, HTX đã triển khai thành công mô hình gieo mạ khay, cấy, gặt bằng máy. Mô hình giúp giảm đáng kể công lao động, thời gian gieo cấy; tăng năng suất, sản lượng thu hoạch tới hơn 20%.

Chia sẻ về quá trình triển khai mô hình gieo mạ khay, cấy, gặt bằng máy của HTX, ông Bông cho biết: “Năm 2016, tôi được Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư tỉnh tạo điều kiện đi dự hội thảo về máy nông nghiệp tại 9 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Trong buổi hội thảo, tôi được tiếp cận với nhiều tiến bộ KHKT trong sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là mô hình gieo mạ khay, cấy, gặt bằng máy nên đã lên kế hoạch đầu tư cho HTX áp dụng mô hình này. Trong quá trình triển khai mô hình do chi phí xây dựng nhà hoạt hóa và các thiết bị để ủ mạ khay lên tới 300 triệu đồng, HTX không có kinh phí đầu tư nên phải tạm dừng dự án. Tuy nhiên, sau khi nghiên cứu và thử nghiệm ở 2 vụ lúa, tôi đã tìm ra phương pháp loại bỏ nhà hoạt hóa mà vẫn thực hiện được gieo mạ khay. Hiện nay, HTX đã áp dụng mô hình gieo mạ khay, cấy gặt bằng máy trên diện tích 20ha trồng lúa của HTX, ngoài ra còn làm dịch vụ, triển khai mô hình trên gần 20ha trồng lúa tại các địa phương khác”.

Rời HTX Dịch vụ nông nghiệp Tân Phong, chúng tôi đến trang trại nuôi lợn của ông Tạ Hùng Đậu, ở thành phố Phúc Yên. Trong khi bệnh dịch tả lợn Châu Phi gây thiệt hại rất lớn cho nhiều hộ chăn nuôi, nhưng trang trại chăn nuôi lợn của ông Đậu gần như không bị ảnh hưởng vì ông sử dụng thức ăn sinh học thảo dược do mình sáng chế cho lợn ăn. Thức ăn sinh học thảo dược được Viện Công nghiệp thực phẩm (Bộ Công thương) kiểm nghiệm và xác nhận đạt tiêu chuẩn an toàn quy định, Cục Sở hữu trí tuệ cấp bằng Độc quyền giải pháp hữu ích. Trao đổi với phóng viên, ông Đậu chia sẻ: “Để chăn nuôi đạt hiệu quả cao phải đảm bảo năng suất, song, cũng không thể vì năng suất mà lạm dụng cám công nghiệp, các loại kháng sinh, ảnh hưởng đến chất lượng thịt gia súc, gia cầm, làm gia tăng nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh, gây nguy hại đến sức khỏe người tiêu dùng. Từ thực tế đó, tôi dành nhiều năm nghiên cứu và chế biến ra loại cám có chứa ngũ cốc và các thành phần thảo dược trong tự nhiên. Loại thức ăn này giúp đàn lợn tăng sức đề kháng, cho chất lượng thịt vượt trội và giảm thiểu ô nhiễm môi trường”.

Tìm hiểu thêm, chúng tôi được biết, bên cạnh việc sản xuất thức ăn sinh học thảo dược cho đàn lợn của mình, ông Đậu còn chuyển giao công nghệ sản xuất loại thức ăn này đến nhiều mô hình chăn nuôi thuộc các tỉnh: Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Ngãi… Năm 2018, ông Đậu đã cung ứng hơn 200 tấn thức ăn sinh học thảo dược ra thị trường. Thức ăn sinh học thảo dược mang thương hiệu Tạ Hùng Đậu ngày càng được nhiều người biết đến.

Theo Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Trịnh Đình Mao: Hiện nay, tính sáng tạo, nghiên cứu trong nông dân vẫn chưa đạt hiệu quả như mong đợi, nông dân chủ yếu dựa vào hỗ trợ, hướng dẫn của cơ quan chuyên môn. Trong Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Vĩnh Phúc được tổ chức định kỳ 2 năm một lần, phần lớn bài dự thi tập trung vào lĩnh vực công nghiệp môi trường, đề tài dự thi về nông nghiệp, nông thôn còn hạn chế. Vì vậy, để nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả, thời gian tới, tỉnh cần có thêm cơ chế, chính sách nhằm hỗ trợ, khuyến khích nông dân nghiên cứu, sáng tạo, áp dụng các tiến bộ KHKT vào sản xuất, góp phần mang lại hiệu quả kinh tế, nâng cao đời sống nông dân.

Theo: sokhcn.vinhphuc.gov.vn