Hoạt động đổi mới sáng tạo (ĐMST) trong doanh nghiệp đã được chú trọng, nhưng chưa giải quyết được vấn đề ứng dụng khoa học và công nghệ (KH và CN) để tăng năng suất một cách hiệu quả. Vì vậy, từ năm 2013, dự án Đẩy mạnh ĐMST thông qua nghiên cứu khoa học và công nghệ (First) của Bộ KH và CN đã hỗ trợ các doanh nghiệp kết hợp các viện nghiên cứu, trường đại học để đổi mới công nghệ, giải quyết những vấn đề thực tiễn thông qua các đề tài nghiên cứu.

Các nhà khoa học của Công ty cổ phần Bóng đèn phích nước Rạng Đông thử nghiệm sản phẩm đèn led trên một số nông sản.

Những mô hình thực tiễn

Gia đình anh Nguyễn Hữu Yên là một trong những hộ có nghề trồng hoa lâu đời tại xã Tây Tựu, quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội). Dẫn chúng tôi đi thăm khu vực vườn rộng hơn 4.300 m2, đang thử nghiệm sử dụng sản phẩm bóng đèn chuyên dụng cho việc trồng hoa cúc của gia đình, anh Yên cho biết, đây là vụ hoa thứ hai anh sử dụng những bóng đèn chuyên dụng mà chưa bị hỏng cái nào. Sản phẩm có hiệu quả vượt trội so với các sản phẩm chiếu sáng thông thường khác mà lượng điện năng tiêu thụ chỉ bằng một phần ba so với dùng loại bóng đèn cũ. Đây là sản phẩm đèn LED của Công ty cổ phần Bóng đèn phích nước Rạng Đông (Công ty Rạng Đông) và nhóm hợp tác nghiên cứu dự án “Nghiên cứu và phát triển công nghệ, sản xuất, thử nghiệm và thương mại hóa sản phẩm LED dùng trong chiếu sáng nhân tạo nông nghiệp công nghệ cao tại thị trường Việt Nam” được hỗ trợ từ dự án First. Dự án nghiên cứu thành công tám chủng loại sản phẩm đèn LED chuyên dụng cho các hoạt động nuôi cấy mô, rau sạch, hoa cúc, thanh long, tảo, tàu cá. Khi đưa sản phẩm để nông dân thử nghiệm, bước đầu đã được đón nhận, phản hồi tốt, và được dùng thay thế những sản phẩm nguồn sáng đang sử dụng rộng rãi (đèn dây tóc, huỳnh quang, compact…) nhưng tiêu tốn nhiều điện năng.

Theo kỹ sư Nguyễn Văn Trinh (Trung tâm R và D chiếu sáng Rạng Đông), nhờ các nghiên cứu, công ty có tám sản phẩm đèn LED chuyên dụng đã hoàn thiện và được thương mại hóa tại Đà Lạt, Hà Nội, Bình Thuận, Tiền Giang, Tây Ninh… Nhóm nghiên cứu của công ty đã chế tạo thành công được các sản phẩm đèn LED và là cơ sở cho những nghiên cứu lâu dài, tiếp tục phát triển các kết quả để giải quyết những vấn đề chiếu sáng, cũng như tạo ra sản phẩm và quy trình mới phục vụ tái cấu trúc sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp Việt Nam. Thành công có được là do từ nhiều năm qua Rạng Đông đã có sự hợp tác với các viện nghiên cứu, trường đại học, từ đó thu hút các chuyên gia, nhà khoa học đến cùng nghiên cứu, làm việc và giải các “bài toán” thực tiễn từ sản xuất của đơn vị.

Công ty cổ phẩn Khoa học xanh Hidumi Pharma (huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An) cũng là một đơn vị tiêu biểu trong việc đổi mới công nghệ khi được dự án First hỗ trợ thực hiện dự án “Nghiên cứu ứng dụng các giải pháp công nghệ để phát triển sản xuất và chế biến tảo xoắn Spirulina trên quy mô công nghiệp và đẩy mạnh thương mại hóa các sản phẩm”. Chỉ trong hơn hai năm, công ty đã hoàn toàn làm chủ được công nghệ và nguồn giống tảo Spirulina có giá trị kinh tế cao. Đồng thời, công ty xây dựng được ba phòng thí nghiệm hiện đại, tạo ra quy trình công nghệ mới, ứng dụng tảo Spirulina cho nhiều lĩnh vực và có bảy sản phẩm từ tảo trên thị trường, mang đến việc làm, thu nhập cho khoảng 500 lao động địa phương; sau khi thực hiện dự án doanh thu của doanh nghiệp dự kiến tăng 150%, lợi nhuận dự kiến tăng 120%…

Trong lĩnh vực công nghệ cũng có doanh nghiệp tạo ra sự phát triển vượt bậc sau khi triển khai dự án do First hỗ trợ. Như Công ty cổ phần Đầu tư phát triển công nghệ Trí Nam được dự án First tài trợ 70% kinh phí phát triển giải pháp “Quản lý công việc – VTICK”, giúp người dùng lên danh sách công việc, kế hoạch… được đồng bộ trên điện thoại thông minh và trang web trực tuyến. Sản phẩm đã hoàn thiện và có nhiều khách hàng, như Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, Tập đoàn Điện lực Việt Nam… Hay như Công ty cổ phần Dịch vụ và Truyền thông Minh Việt, sau khi triển khai dự án “Nghiên cứu và phát triển công nghệ tăng cường thực tế trên thiết bị di động – Ứng dụng sản xuất phần mềm hỗ trợ giáo dục cho học sinh mầm non, tiểu học và trung học cơ sở” đã đưa ra sản phẩm phần mềm giúp học sinh tự học tiếng Anh, tiếng Việt hay các trò chơi tư duy phù hợp mô hình giáo dục STEM…

Theo ông Phạm Văn Diễn (cán bộ dự án First), các doanh nghiệp khi tham gia dự án đều gặp một số khó khăn về khả năng quản trị, thương mại hóa sản phẩm hoặc tài chính. Nhưng sau khi tham gia thực hiện dự án được sự hỗ trợ của First, các doanh nghiệp đã có những thay đổi rõ rệt, hầu hết đều tự tin khi đưa sản phẩm thương mại hóa và nhanh chóng tìm được các đối tác. Đến nay, dự án First đã tài trợ 68 dự án, trong đó có 15 doanh nghiệp nhận được hỗ trợ đã đẩy mạnh được hoạt động ĐMST, đổi mới công nghệ và tạo ra những quy trình sản xuất mới.

Cú huých cho nghiên cứu, đổi mới sáng tạo

Trong bối cảnh hội nhập hiện nay, những doanh nghiệp sản xuất nếu không có sự thay đổi về phương thức quản lý, quy trình sản xuất, công nghệ để tạo ra những sản phẩm mới, giá hợp lý thì gần như khó có thể cạnh tranh được với sản phẩm của nước ngoài. Trong khi đó, doanh nghiệp được xác định là trung tâm của mục tiêu phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Tăng cường hiệu quả hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển và ứng dụng công nghệ, thúc đẩy các hoạt động ĐMST cho doanh nghiệp chính là tạo thêm giá trị gia tăng cho nền kinh tế, đưa đất nước phát triển bền vững. Do vậy, việc đầu tư cho doanh nghiệp đổi mới công nghệ sẽ góp phần nâng cao năng suất, khả năng cạnh tranh và chất lượng tăng trưởng của nền kinh tế. Từ thực tế đó, dự án First ưu tiên tài trợ các nhóm hợp tác nghiên cứu về khoa học, công nghệ và ĐMST giữa doanh nghiệp và các viện, trường, triển khai các dự án kinh doanh dựa trên các kết quả nghiên cứu.

Từ kết quả triển khai dự án tại đơn vị mình, Tổng Giám đốc Công ty Rạng Đông Nguyễn Đoàn Thăng khẳng định, dự án First là cơ hội để thực hiện ý tưởng chế tạo sản phẩm đèn LED của Việt Nam cho chiếu sáng nông nghiệp. Công ty đã cùng các nhà khoa học xây dựng đề án, thuyết trình và cam kết có được sản phẩm đầu ra theo yêu cầu. Đáng chú ý, thông qua sự hỗ trợ của dự án First sẽ bảo đảm doanh nghiệp gắn kết chặt hơn với các cơ sở nghiên cứu, được các chuyên gia nước ngoài hỗ trợ tư vấn, được kế thừa các kết quả nghiên cứu thuộc Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia về các sản phẩm chiếu sáng. Hơn nữa, hỗ trợ của First còn có vai trò “bà đỡ” khuyến khích hình thành mô hình mẫu liên minh KH và CN, chuỗi liên kết sản xuất và phân phối gắn bó hơn. Cùng quan điểm, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Khoa học xanh Hidumi Pharma cho rằng, nhờ hỗ trợ của dự án First, công ty đã có niềm tin và khẳng định được quyết tâm đầu tư cho KH và CN, ĐMST. Đơn vị không chỉ thành công về mặt làm chủ công nghệ, mà còn mở ra tiềm năng lớn phát triển cho những sản phẩm được hình thành từ dự án như việc chiết xuất được sản phẩm Chlorin e6 từ tảo Spirulina, tạo tiền đề cho các nghiên cứu về trị liệu bệnh ung thư, cũng như mở ra triển vọng ứng dụng tảo Spirulina trong điều trị bệnh ung thư ở Việt Nam và trên thế giới.

Giám đốc Ban quản lý dự án First Lương Văn Thắng chia sẻ, những doanh nghiệp khi thực hiện dự án đều là những doanh nghiệp có tiềm lực về KH và CN, nhưng chưa dám đầu tư cho hoạt động ĐMST vì chưa dám chắc chắn phương án sẽ mang lại thành công. Dự án First với sự hỗ trợ của Ngân hàng Thế giới đã đưa ra phương thức tài trợ ĐMST tiệm cận phương thức tài trợ quốc tế từ việc xét duyệt, tuyển chọn, cho đến việc thực hiện đều công khai, minh bạch trong đổi mới công nghệ, hỗ trợ các chuyên gia, nhà khoa học giúp doanh nghiệp thực hiện thành công dự án đề xuất. Vì vậy, dự án không những tạo niềm tin cho doanh nghiệp về việc đầu tư cho KH và CN vào sản xuất là đúng đắn mà còn thúc đẩy sự chuyển đổi trong quan điểm đầu tư vào đổi mới công nghệ, phục vụ nâng cao năng lực cạnh tranh trực tiếp của doanh nghiệp và nền kinh tế. Mặt khác, mục tiêu dài hạn của dự án First là hỗ trợ cho hệ thống ĐMST hiệu quả, giải quyết “điểm nghẽn” giữa sáng tạo của nhà khoa học với mong muốn đổi mới công nghệ của doanh nghiệp nhằm tăng giá trị gia tăng của sản phẩm.

Nguồn: /baomoi.com