Ngày 2/9/2020 tại Geneva (Thụy Sỹ), Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới (WIPO) kết hợp với Trường Đại học Cornell (Mỹ) và Học viện Kinh doanh INSEAD (Pháp) và các đối tác đã công bố Báo cáo Chỉ số đổi mới sáng tạo (ĐMST) toàn cầu năm 2020 (Global Innovation Index 2020, gọi tắt là GII 2020). Chỉ số, với 80 tiêu chí (từ hơn 30 nguồn công cộng và tư nhân quốc tế, trong đó 58 dữ liệu cứng, 18 chỉ số tổng hợp và các khảo sát), cung cấp các số liệu chi tiết về hiệu suất ĐMST của 131 nền kinh tế trên toàn thế giới.

Theo GII 2020, Việt Nam vẫn giữ nguyên thứ hạng 42 so với năm 2019 (năm 2019 tăng 3 bậc so với năm 2018). Đây vẫn là vị trí cao nhất mà Việt Nam đạt được. Việt Nam vẫn đứng đầu trong số 29 quốc gia thu nhập trung bình thấp. Trong khu vực ASEAN, Việt Nam vẫn duy trì vị trí thứ 3, sau Singapo (Thứ 8) và Malaixia (thứ 33).

Một số điểm chính của Báo cáo GII năm 2020

Báo cáo GII 2020 có chủ đề: “Ai cấp tài chính cho đổi mới sáng tạo” nhận định đại dịch COVID-19 đang gây áp lực nghiêm trọng đến sự gia tăng lâu dài trong ĐMST trên toàn thế giới, có khả năng cản trở một số hoạt động ĐMST trong một số lĩnh vực, nhưng đồng thời cũng thúc đẩy ĐMST ở những lĩnh vực khác mà đặc biệt là trong lĩnh vực y tế, giáo dục, du lịch và bán lẻ.

Theo Giám đốc điều hành INSEAD cho Chỉ số Toàn cầu Bruno Lanvin, hiện có những rủi ro thực sự đối với sự cởi mở và hợp tác quốc tế về ĐMST. Đối mặt với những thách thức chưa từng có, cho dù là y tế, môi trường, kinh tế hay xã hội, thế giới cần kết hợp các nỗ lực và nguồn lực để đảm bảo nguồn tài chính liên tục cho ĐMST.

Cuộc khủng hoảng COVID-19 đã ảnh hưởng đến bối cảnh ĐMST vào thời điểm mà ĐMST đang phát triển mạnh mẽ. Trong năm 2018, chi tiêu cho nghiên cứu và phát triển (R&D) đã tăng 5,2%, tức là nhanh hơn đáng kể so với tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu, sau khi phục hồi mạnh mẽ từ cuộc khủng hoảng tài chính 2008-2009. Đầu tư mạo hiểm (VC) và sử dụng tài sản trí tuệ (IP) ở mức cao nhất mọi thời đại.

Chủ đề của GII 2020 đặt câu hỏi “Ai cấp tài chính cho đổi mới sáng tạo?”. Một câu hỏi then chốt là ảnh hưởng của nền kinh tế từ cuộc khủng hoảng COVID-19 sẽ tác động như thế nào đến các công ty khởi nghiệp, đầu tư mạo hiểm và các nguồn tài trợ cho ĐMST truyền thống khác. Nhiều chính phủ đang thiết lập các gói cứu trợ khẩn cấp để giảm bớt tác động của việc đóng cửa và đối mặt với suy thoái kinh tế đang rình rập. Nhưng GII 2020 khuyên rằng các đợt hỗ trợ tiếp theo phải được ưu tiên và sau đó mở rộng hỗ trợ cho ĐMST, đặc biệt là cho các doanh nghiệp nhỏ và các công ty khởi nghiệp đang gặp trở ngại trong việc tiếp cận các gói giải cứu.

Trong bối cảnh chủ đề GII 2020 “Ai sẽ cấp tài chính cho ĐMST?”, một trong những phát hiện của GII là tiền tài trợ cho các dự án ĐMST đang cạn kiệt. Các giao dịch VC đang giảm mạnh ở Bắc Mỹ, châu Á và châu Âu. Tác động của sự thiếu hụt này tài chính cho ĐMST sẽ không đồng đều, với những tác động tiêu cực nặng nề hơn đối với các VC giai đoạn đầu, bởi các công ty khởi nghiệp chuyên sâu về R&D và ở các quốc gia không phải là điểm nóng về VC.

Trong khi các tác động của đại dịch đối với hệ thống khoa học và ĐMST sẽ mất nhiều thời gian để có thể thấy rõ được, nhưng đã có những dấu hiệu tích cực về sự hợp tác quốc tế ngày càng tăng trong khoa học. Đồng thời, có những lo ngại về các dự án nghiên cứu lớn bị gián đoạn. Tổng giám đốc WIPO, ông Francis Gurry, cho rằng: “Sự lây lan nhanh chóng trên toàn thế giới của COVID-19 đòi hỏi phải có tư duy mới để đảm bảo chiến thắng chung trước thách thức toàn cầu quan trọng này. Ngay cả khi tất cả chúng ta đều phải vật lộn với những tác động kinh tế và con người trước mắt của đại dịch COVID-19, thì các chính phủ vẫn cần đảm bảo rằng các gói giải cứu được định hướng trong tương lai và hỗ trợ các cá nhân, viện nghiên cứu, công ty và những người khác có những ý tưởng mới và hợp tác sáng tạo nhằm đạt được các giải pháp trong thời kỳ COVID-19”.

Báo cáo nhấn mạnh, trong bảng xếp hạng hàng năm liên quan đến các nền kinh tế trên thế giới về năng lực và sản lượng ĐMST, GII cho thấy sự ổn định hàng năm ở vị trí cao nhất, nhưng cũng có sự dịch chuyển tích cực dần dần về phía các nước có năng lực ĐMST cao, như nhóm các nền kinh tế châu Á – đặc biệt là Trung Quốc, Ấn Độ Philippines và Việt Nam – đã tăng đáng kể trong bảng xếp hạng đổi mới sáng tạo trong những năm qua.

Thụy Sĩ, Thụy Điển, Mỹ, Anh và Hà Lan dẫn đầu bảng xếp hạng GII 2020. Hàn Quốc, nền kinh tế châu Á thứ hai (sau Singapo thứ 8) lần đầu tiên gia nhập top 10. Top 10 chủ yếu là các quốc gia có thu nhập cao.

Khái quát xếp hạng GII 2020

Về thứ hạng ĐMST năm nay, theo Chỉ số GII 2020, Thụy Sĩ là quốc gia ĐMST nhất thế giới, tiếp theo là Thụy Điển, Mỹ, Vương quốc Anh. Cũng như GII 2019, GII 2020 cũng xác định các nền kinh tế đứng đầu về ĐMST trong khu vực: Mỹ, Thụy Sỹ, Ấn Độ, Nam Phi, Chile, Israel và Singapo; và đứng đầu về ĐMST trong cùng nhóm thu nhập: Thụy Sỹ (đứng đầu nhóm thu nhập cao), Trung Quốc (đứng đầu nhóm thu nhập trung bình cao), Việt Nam (đứng đầu nhóm thu nhập trung bình thấp) và Tanzania (đứng đầu nhóm thu nhập thấp).

Với thứ hạng 14 năm nay, Trung Quốc vẫn trong Top 20 nền kinh tế ĐMST nhất thế giới và là nền kinh tế có thu nhập trung bình duy nhất trong top 20 (Bảng 1). Trung Quốc đại diện cho một bước đột phá của một nền kinh tế có sự chuyển đổi nhanh chóng được định hướng bởi chính sách của chính phủ, ưu tiên cao cho nghiên cứu và phát triển (R&D).

Bảng 1. Top 20 GII 2020

Năm nay, 4 nền kinh tế trong khu vực Đông Nam Á, Đông Á nằm trong top 20 là Singapo (8), Hàn Quốc (11), Nhật Bản (15) và Trung Quốc (14).

Một bối cảnh đổi mới đang thay đổi

Trên thế giới, ĐMST tiếp tục thay đổi, GII 2020 cho thấy trong những năm qua, Ấn Độ, Trung Quốc, Philipin và Việt Nam là những nền kinh tế có tiến bộ đáng kể nhất trong xếp hạng ĐMST GII của họ theo thời gian. Cả 4 nền kinh tế hiện đều có mặt trong top 50.

Các nền kinh tế hàng đầu trong GII hầu như vẫn chỉ thuộc nhóm thu nhập cao, với Trung Quốc (thứ 14) vẫn là nền kinh tế có thu nhập trung bình duy nhất trong GII top 30, Malaixia (thứ 33) theo sau.

Ấn Độ (thứ 48) và Philipin (thứ 50) lần đầu tiên lọt vào top 50. Philipin đạt thứ hạng tốt nhất từ ​​trước đến nay (năm 2014, nước này xếp thứ 100). Đứng đầu trong nhóm thu nhập trung bình thấp, Việt Nam đứng thứ 42 trong năm thứ hai liên tiếp – từ vị trí 71 năm 2014. Indonesia (thứ 85) gia nhập top 10 của nhóm này. Tanzania đứng đầu nhóm thu nhập thấp (thứ 88).

Nguyên Trưởng khoa và Giáo sư Quản lý tại Đại học Cornell Soumitra Dutta nhận định: “Trung Quốc, Ấn Độ và Việt Nam đã thể hiện sự theo đuổi bền bỉ ĐMST và đã gặt hái được thành công theo thời gian. GII đã được sử dụng bởi chính phủ của các quốc gia đó và của các nước khác thế giới để cải thiện hiệu suất ĐMST của họ“.

Bảng 2. Các nước đứng đầu về ĐMST 2020 theo nhóm thu nhập

Nguồn: GII 2020, WIPO

 

Về chỉ số ĐMST 2019 của Việt Nam 

Trong GII 2020, Việt Nam đứng thứ 42/131 nền kinh tế được xếp hạng, vị trí này được giữ nguyên so với năm 2019 (năm 2019 tăng 3 bậc so với năm 2018), sau 3 năm liên tiếp tăng hạng.

Bảng 3: So sánh thứ hạng các trụ cột GII của Việt Nam qua các năm từ 2013 – 2020

Nguồn: GII 2014-2020, WIPO

Năm 2020, Việt Nam vẫn duy trì thứ hạng về chỉ số ĐMST so với năm 2019 là do có sự tăng 1 bậc ở nhóm chỉ số đầu vào (lên vị trí 62 từ vị trí 63 năm 2019) và đồng thời giảm 1 bậc ở nhóm chỉ số đầu ra của ĐMST (37 xuống 38).

Nhóm chỉ số đầu vào, gồm 5 trụ cột, trong đó có 2 trụ cột tăng bậc: trụ cột “Cơ sở hạ tầng” tăng 9 bậc và trụ cột “Trình độ phát triển kinh doanh” tăng 30 bậc, mức tăng cao ấn tượng bù đắp cho mức giảm bậc của 3 trụ cột còn lại.

Nhóm chỉ số đầu ra giảm bậc do trụ cột “Sản phẩm tri thức và công nghệ” giảm 10 bậc, mặc dù trụ cột “Sản phẩm sáng tạo” tăng 9 bậc.

Bảng 4: Xếp hạng GII 2019 của các nước ASEAN được xếp hạng

Nguồn: GII 2014-2020, WIPO

P.A.T (NASATI)