Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, ngành sản xuất lúa gạo Việt Nam phải đối mặt với hai thách thức lớn là biến đổi khí hậu và hiệu quả sản xuất lúa gạo thấp. Trước những thách thức lớn đó, việc ứng dụng các thành tựu khoa học và công nghệ vào quá trình sản xuất lúa gạo đã được Nhà nước, các doanh nghiệp và người dân quan tâm và chú trọng.

Những thách thức lớn trong sản xuất lúa gạo

Việt Nam là quốc gia nông nghiệp có truyền thống trồng lúa nước lâu đời. Từ nhiều năm trước, nông nghiệp trồng lúa đã trở thành vấn đề an ninh của đất nước, đồng thời là cơ sở sống còn cho nền kinh tế nước nhà. Trong quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa hiện nay, phát triển lúa nước vẫn luôn là vấn đề trọng tâm gắn liền với an ninh lương thực, với lợi ích quốc gia.

Tuy nhiên, trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng như hiện nay, ngành sản xuất lúa gạo Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức như thị trường nhập khẩu gạo truyền thống không ổn định, xu hướng cạnh trạnh với các nước xuất khẩu gạo khác, yêu cầu về chất lượng và quy trình sản xuất gạo ngày càng cao,…trong đó hai thách thức lớn nhất phải kể đến là biến đổi khí hậu và hiệu quả sản xuất lúa gạo thấp.

Giống lúa OM 3673 đang sản xuất thử ở Sóc Trăng, kết quả từ dự án “Nghiên cứu ứng dụng công nghệ tiên tiến chọn tạo giống lúa thuần chống chịu mặn-hạn thích nghi với điều kiện canh tác lúa vùng nhiễm mặn thuộc Đồng bằng sông Cửu Long” thuộc Chương trình hợp tác nghiên cứu song phương và đa phương về khoa học và công nghệ của Bộ Khoa học và Công nghệ

Biến đổi khí hậu và nước biển dâng

Những diễn biến phức tạp và khó lường của quá trình biến đổi khí hậu đang trở thành vấn đề được quan tâm sâu sắc trên toàn thế giới. Là một trong 10 nước chịu tác động nặng nề nhất từ biến đổi khí hậu, sự biến đổi bất thường từ môi trường tự nhiên đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhiều ngành kinh tế của Việt Nam, trong đó có ngành sản xuất lúa gạo.

Biến đổi khí hậu làm nước biển dâng cao, điều này không những gây ra ngập lụt và còn làm mất đất trồng lúa ở các vựa lúa quan trọng như: đồng bằng sông Cửu Long, đồng bằng sông Hồng và các tỉnh duyên hải miền Trung. Đồng thời, nước biển dâng gây ra sự nhiễm mặn, làm giảm hệ số sử dụng đất, ảnh hưởng tới khả năng sinh trưởng và chất lượng lúa tại nhiều tỉnh, đặc biệt các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Tình trạng này cũng đi kèm với sự gia tăng nhiệt độ kéo dài, làm giảm độ ẩm của đất, từ đó gây hạn hán làm giảm diện tích trồng lúa, trong đó, một số vùng ở miền núi phía Bắc và duyên hải miền Trung chịu tác động mạnh mẽ hơn cả. Nhiều loại dịch bệnh cây trồng cũng xuất hiện và gia tăng nhanh chóng, làm giảm năng suất và chất lượng lúa.

Thử nghiệm lai tạo gene lúa phục vụ đề tài “Nghiên cứu ứng dụng công nghệ tiên tiến chọn tạo giống lúa thuần chống chịu mặn, hạn thích nghi với điều kiện canh tác lúa vùng nhiễm mặn thuộc Đồng bằng sông Cửu Long” thuộc Chương trình Đổi mới công nghệ quốc gia Công Nghệ do Bộ khoa học và Công nghệ quản lý.

Hiệu quả sản xuất lúa gạo thấp
Tuy là một trong những nước sản xuất và xuất khẩu lúa gạo lớn nhất trên thế giới nhưng chất lượng gạo Việt Nam không cao, đặc biệt khi so sánh với gạo từ các nước xuất khẩu gạo khác. Điều này dẫn đến giá trị gạo Việt Nam trên trường quốc tế thấp, thu nhập người dân vì thế cũng rất thấp. Bên cạnh những lý do từ tác động của ngoại cảnh, một trong những lý do chính đến từ cách thức canh tác truyền thống lạc hậu của người dân. Do đó, việc đổi mới cách thức canh tác nhằm thích ứng với thị trường gạo trong và ngoài nước là điều cần thiết trong bối cảnh cạnh tranh hiện nay.

Giải pháp khoa học công nghệ trong hoạt động sản xuất lúa gạo

Trước những thách thức lớn đó, việc ứng dụng các thành tựu khoa học và công nghệ vào quá trình sản xuất lúa gạo có thể coi là xu hướng tất yếu. Thế kỷ 21 đã chứng kiến nhiều thành công lớn của việc ứng dụng khoa học công nghệ vào nông nghiệp nói chung và ngành sản xuất lúa gạo nói riêng ở nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ như Israel, Mỹ, Hà Lan, Đức, Nhật Bản, Đài Loan, Trung Quốc,… Qua đó, có thể thấy, khoa học công nghệ thực sự là giải pháp then chốt giúp tối ưu hóa quá trình sản xuất, từ đó tạo ra sản phẩm chất lượng với năng suất cao ngay cả trong những điều kiện bất lợi.

Nhận thấy được tầm quan trọng của khoa học công nghệ trong việc phát triển nền nông nghiệp lúa nước của quốc gia, Đảng và Nhà nước đã chỉ đạo Bộ Khoa học và Công nghệ kết hợp với các Bộ – ngành khác thực hiện các Chương trình Khoa học và Công nghệ quốc gia nhằm hỗ trợ, thúc đẩy đổi mới khoa học công nghệ trong quy trình sản xuất lúa gạo, từ đó góp phần giảm thiểu tối đa tác động từ những thách thức bên ngoài. Trọng tâm của các chương trình này hiện nay chủ yếu hướng đến giảm thiểu tối đa tác động của biến đổi khí hậu tới các hoạt động sản xuất lúa gạo.

Một số dự án trong Chương trình Đổi mới công nghệ quốc gia tập trung hỗ trợ nghiên cứu hướng đến việc lai tạo các giống lúa mới có khả năng chống chịu những bất lợi từ ngoại cảnh. Trong các dự án nổi bật của chương trình, phải kể đến dự án “Nghiên cứu ứng dụng công nghệ tiên tiến chọn tạo giống lúa thuần chống chịu mặn-hạn thích nghi với điều kiện canh tác lúa vùng nhiễm mặn thuộc Đồng bằng sông Cửu Long” do Viện lúa Đồng bằng Sông Cửu Long chủ trì, thành công tạo được sáu giống lúa chống chịu được điều kiện môi trường khắc nghiệt. Bên cạnh đó, dự án “Đánh giá hiện trạng, năng lực công nghệ và nhu cầu đổi mới công nghệ trong tạo giống và sản xuất lúa lai tại miền Bắc và duyên hải miền Trung” do Công ty Cổ phần Giống cây trồng Trung Ương chủ trì đã xây dựng được bản đồ công nghệ chọn tạo giống lúa đầu tiên cho ngành nông nghiệp quốc gia. Ngoài ra, một số dự án nổi bật khác của chương trình có thể kể đến như: dự án “Nghiên cứu ứng dụng công nghệ chỉ thị phân tử và chỉnh sửa hệ gen trong chọn tạo giống lúa năng suất, chất lượng, chống chịu sâu bệnh và bất lợi ngoại cảnh” do Công ty giống cây trồng Thái Bình chủ trì; dự án “Nghiên cứu phát triển các nguồn Gen lúa thích ứng với biến đổi khí hậu”; dự án “Ứng dụng công nghệ tiên tiến và mô hình liên kết để sản xuất lúa gạo theo chuỗi giá trị tại Đồng bằng sông Cửu Long” do Công ty Cổ phần công nghệ cao Trung Thạnh chủ trì;…..

Nhằm nâng cao hoạt động sản xuất lúa gạo theo chuỗi giá trị, Chương trình hỗ trợ phát triển doanh nghiệp khoa học và công nghệ và tổ chức KH&CN công lập thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm (chương trình 592) cũng đã hỗ trợ triển khai nhiều dự án như: dự án “Hoàn thiện công nghệ sản xuất máy tách màu phân loại gạo sử dụng công nghệ xử lý ảnh” do Công ty Long An chủ trì; dự án “Hoàn thiện công nghệ sản xuất một số sản phẩm rượu từ gạo nếp cái hoa vàng và gạo nếp than (nếp cẩm) quy mô công nghiệp” do Công ty Aroma chủ trì; dự án “Hoàn thiện công nghệ sản xuất một số sản phẩm từ gạo ứng dụng trong công nghiệp thực phẩm”;…Bộ KH&CN cũng hỗ trợ thực hiện một số dự án phối hợp với nước ngoài như dự án “Nghiên cứu ứng dụng công nghệ của Nhật Bản trong hệ thống thủy lợi nội đồng nâng cao hiệu quả sử dụng nước, giảm phát thải nhà kính trong sản xuất lúa vùng Đồng bằng sông Hồng”;

Hệ thống sấy lúa công suất 150 tấn/mẻ, kết quả từ dự án “Hoàn thiện thiết kế và chế tạo hệ thống sấy lúa vỉ ngang năng suất 150 tấn/mẻ” thuộc Chương trình Đổi mới công nghệ quốc gia của 

Bộ Khoa học và Công nghệ

Không chỉ những tập đoàn lớn và các viện nghiên cứu tích cực ứng dụng công nghệ vào quy trình sản xuất, các doanh nghiệp nhỏ và vừa và thậm chí người dân tại các địa phương thời gian qua cũng chủ động đổi mới mô hình kinh doanh và sản xuất. Một trong những kết quả KH&CN được doanh nghiệp và người dân ứng dụng rộng rãi nhất phải kể đến kết quả từ dự án “Hoàn thiện thiết kế và chế tạo hệ thống sấy lúa vỉ ngang năng suất 150 tấn/mẻ”. Theo báo cáo, kết quả này đã được triển khai tại nhiều tỉnh thành: Bình Thuận, Hà Tĩnh, Hải Dương… và được chuyển giao sang cả thị trường Myanmar.

Truyền thông Chương trình 2075