KH&CN ngày càng đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế – xã hội, đặc biệt là quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Nhiều doanh nghiệp đã đầu tư rất lớn cho đổi mới công nghệ, trong đó có sự hỗ trợ quan trọng từ Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia đến năm 2020.

Đến nay, Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia do Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) chủ trì đã thu hút được hàng trăm đề xuất trên toàn quốc. Có nhiều mô hình đổi mới công nghệ thành công với hướng đi mới, doanh nghiệp chủ trì, kết hợp cùng cơ sở nghiên cứu và sự hỗ trợ của nhà nước.

Đây là một trong những cơ sở để Việt Nam vươn lên từ made in Việt Nam (sản xuất tại Việt Nam) hướng tới make in Việt Nam (Việt Nam làm chủ công nghệ và chủ động trong sản xuất).

Công ty TNHH Việt Nông đã chú trọng đầu tư ứng dụng công nghệ trong chọn tạo và sản xuất hạt giống các loại rau màu mới

Chú trọng ứng dụng KH&CN vào sản xuất

Mặc dù các khoản chi cho KH&CN từ ngân sách tăng bình quân 16,5%/năm, tuy nhiên từng đó vẫn là chưa đủ cho nhu cầu phát triển hiện nay. Chính vì vậy mà trong thời gian qua, bản thân các doanh nghiệp đã rất chú trọng đến việc phát triển và ứng dụng KH&CN vào sản xuất.

Trong khi không ít doanh nghiệp khác vẫn loay hoay về đầu tư chắp vá thì nhờ chủ động về dây chuyền công nghệ, Công ty Cổ phần Thuốc Thúy y Trung ương 5 đã chủ động mở rộng đầu tư sang những ngành hàng chiến lược khác.

Tin tưởng đầu ra cho sản phẩm, mới đây doanh nghiệp đã đưa vào vận hành một nhà máy sản xuất hiện đại theo tiêu chuẩn GMP WHO với giá trị hàng trăm tỉ đồng.

Nguyễn Thị Hương, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thuốc Thúy y Trung ương 5 cho biết, kể cả không có sự đầu tư của Nhà nước, công ty chúng tôi vẫn tổ chức nghiêm túc công tác nghiên cứu khoa học, bởi sản phẩm có quá trình nghiên cứu là những sản phẩm chuẩn mực nhất. Chúng tôi rất ủng hộ phát triển doanh nghiệp theo hướng công nghệ cao.

Nhận thấy rõ KH&CN là con đường ngắn nhất để bứt phá, nâng cao sức cạnh tranh, ngày càng nhiều doanh nghiệp đã mạnh dạn đầu tư nghiên cứu, đổi mới công nghệ.

Quá trình này đòi hỏi ít nhất ba yếu tố là nguồn vốn, cơ sở vật chất và nguồn nhân lực. Để làm được điều này, doanh nghiệp rất cần sự đồng hành của nhà nước cùng tháo gỡ khó khăn.

Công ty TNHH sản xuất phụ tùng ô tô, xe máy Hưng Yên sản xuất ra những sản phẩm theo đơn đặt hàng trực tiếp từ phía đối tác là những tập đoàn công nghiệp lớn của Hàn Quốc, Nhật Bản. Công ty đã sản xuất ra chiếc máy đúc áp lực cao thế hệ mới có thể nâng năng suất cao tới 1/3 nhờ hệ thống robot.

Để có thể trở thành nhà cung cấp phụ trợ cấp 1, Công ty đã đầu tư lớn cho đổi mới công nghệ trong đó có sự hỗ trợ quan trọng từ Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia.

Bà Lê Thị Thanh Hằng, Giám đốc Công ty TNHH sản xuất phụ tùng ô tô, xe máy Hưng Yên cho biết, nếu công nghiệp hỗ trợ không phát triển thì nền sản xuất của một quốc gia sẽ không phát triển. Rất may nhà nước đã nhìn nhận ra vấn đề đó dành cho doanh nghiệp vừa và nhỏ một chương trình dẫn hướng, đường lối cho doanh nghiệp vừa và nhỏ mở tầm nhìn.

Công ty TNHH sản xuất phụ tùng ô tô, xe máy Hưng Yên chỉ là một trong số những đơn vị tham gia Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia, trong đó phần lớn là các doanh nghiệp chủ trì và đã huy động được gần 1.000 tỷ đồng vốn đối ứng. Cách làm này đã phát huy hiệu quả việc kết nối giữa nhà nước với doanh nghiệp và nhà khoa học, giữa các ngành và các địa phương trong đổi mới công nghệ.

Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng cho biết, về phía Bộ KH&CN và Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia đã giúp cho doanh nghiệp kết nối, tìm hiểu, lựa chọn ra được các công nghệ phù hợp.

Trong thời gian tới, Bộ KH&CN sẽ xây dựng bản đồ công nghệ cho các ngành, các lĩnh vực, các địa phương, các doanh nghiệp. Khi chúng ta xây dựng xong bản đồ công nghệ chúng ta mới khẳng định là chúng ta phải lựa chọn, bổ sung những công nghệ nào cho phù hợp để phát triển ngành, lĩnh vực, địa phương cũng như là doanh nghiệp.

Doanh nghiệp chủ trì kết hợp cùng cơ sở nghiên cứu và sự hỗ trợ của nhà nước là hướng đi phát triển sản phẩm công nghệ của Việt Nam

Nâng cao sức cạnh tranh

Hiện nay cả thế giới, trong đó có Việt Nam đã bước vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Khâu giống cây trồng vẫn là một trong những yếu tố quan trọng hàng đầu trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp.

Theo ý kiến của các chuyên gia, thị trường hạt giống rau trong nước do các công ty nước ngoài chi phối với hơn 80% thị phần, các doanh nghiệp này đều đánh giá Việt Nam là một thị trường tiềm năng.

Trên thị trường có nhiều giống cây trồng nhưng số lượng giống được nghiên cứu và sản xuất trong nước còn ít. Các công ty giống ở Việt Nam có nhiều xong chỉ nhập hàng về bán, và số công ty thật sự nghiên cứu về giống còn hạn chế. Giống nhập khẩu sử dụng và phát triển trong vài năm sẽ bị thoái hóa và phải tiếp tục nhập khẩu.

Hơn nữa kinh phí đầu tư để nhà khoa học nghiên cứu phát triển giống lại không đủ. Một nghịch lý là sau khi nghiên cứu xong, làm ra giống nhưng giá thành lại cao hơn so với giống ngoại bán tại Việt Nam.

Nhận thấy tiềm năng lớn của thị trường này, Công ty TNHH Việt Nông đã thực hiện nhiệm vụ thuộc Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia. Công ty đã tập trung nghiên cứu, sản xuất và kinh doanh hạt giống rau màu chất lượng cao.

Nhờ đầu tư ứng dụng công nghệ trong chọn tạo và sản xuất hạt giống các loại rau màu mới, Công ty TNHH Việt Nông đã lai tạo ra 12 loại rau màu mới đạt chuẩn quốc gia từ hơn 3000 giống rau màu trên thế giới đã giúp gia tăng giá trị ngành hàng chủ lực cho Việt Nam.

Từ những giống rau màu chất lượng cao này, Công ty tiến hành nhân rộng mô hình sản xuất và quy trình công nghệ canh tác cho hơn 12 nghìn hộ nông dân tham gia sản xuất và nhân giống thương phẩm.

Kết quả này đã góp phần làm giảm 10% khối lượng và giá thành nhập khẩu các loại hạt giống này, đóng góp vào thành công trong xuất khẩu của ngành hàng rau, hoa quả của nước ta.

Ông Trần Xuân Trường cho biết, nhờ nỗ lực, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty TNHH Việt Nông đã cho ra đời những loại giống Made in VietNam chất lượng cao và cạnh tranh trực tiếp với nước ngoài. Hiện tại, một số loại giống do Việt Nông tạo ra đã có doanh thu hàng chục tỷ đồng.

Lãnh đạo Công ty quan niệm rằng, hoạt động nghiên cứu chính là nền tảng. Mỗi năm doanh nghiệp đầu tư đến 20% lợi nhuận cho nghiên cứu và xác định nghiên cứu là vấn đề cốt lõi cho sự tồn tại lâu dài của doanh nghiệp.

“Việt Nam là nước nông nghiệp có nhiều lợi thế trong lĩnh vực nông nghiệp, đặc biệt là ngành nghiên cứu hạt giống. Được sự hỗ trợ, đồng hành của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) đã giúp Công ty làm ra các giống hiện tại.

Tuy nhiên, Công ty mong muốn nhà nước, chính phủ và bộ, ban, ngành có những chính sách phù hợp hơn để khuyến khích doanh nghiệp như Việt Nông dám đầu tư vào nghiên cứu nông nghiệp, vì đầu tư vào nghiên cứu tốn nhiều chi phí và đây là một con đường dài”, ông Trần Xuân Trường chia sẻ.

Ông Tạ Việt Dũng, Cục trưởng Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ cho biết, hiện tại đa số công ty của Việt Nam là nhập khẩu các giống rau từ nước ngoài, chúng ta làm chủ được số lượng giống rau rất ít và không chủ động được vấn đề về giống.

Vì vậy việc Công ty TNHH Việt Nông tạo ra được 12 giống rau góp phần giảm nhập siêu hàng năm về giống với giá trị trên 200 triệu USD/1 năm. Việc tạo ra giống này đã giải được bài toán về nhập khẩu và giúp chúng ta chủ động được nguồn giống.

Lĩnh vực công nghệ cao sẽ tiếp tục nhận được ưu tiên, đầu tư của Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia, không chỉ là tiền, đó còn là định hướng thông tin, tư vấn về công nghệ cho doanh nghiệp. Bài toán phát triển các sản phẩm công nghệ Make in Việt Nam đang tìm ra lời giải với hướng đi mới, doanh nghiệp chủ trì kết hợp cùng cơ sở nghiên cứu và sự hỗ trợ của nhà nước.

 

Theo: baodatviet.vn