Hiện có rất nhiều doanh nghiệp là doanh nghiệp KHCN. Tuy nhiên, điều đáng nói là những doanh nghiệp này không làm thủ tục để được cấp Chứng nhận doanh nghiệp khoa học và công nghệ (KH&CN). Nguyên nhân được đại diện nhiều doanh nghiệp chỉ ra là vì thủ tục vẫn còn nặng nề, lo ngại sẽ để lộ bí quyết.

Để tháo gỡ rào cản trong cấp Chứng nhận doanh nghiệp KH&CN, Bộ KH&CN và Chính phủ đã đưa ra các chính sách và điều chỉnh linh hoạt để tiến sát mục tiêu đến năm 2020, cả nước sẽ có 5.000 doanh nghiệp KHCN. Tuy nhiên, qua thực tế triển khai đã “vấp” phải rất nhiều rào cản để đạt được mục tiêu đó.

(Ảnh minh họa)

Chỉ rõ những rào cản, Phó Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp Khoa học Công nghệ (NATEC) – Bộ Khoa học Công nghệ Trần Xuân Đích cho hay, hiện có rất nhiều doanh nghiệp là doanh nghiệp KHCN, đặc biệt trong ngành công nghệ thông tin có đến trên 2.000 doanh nghiệp KHCN. Tuy nhiên, điều đáng nói là những doanh nghiệp này không làm thủ tục để được cấp chứng nhận này.

Nguyên nhân được đại diện nhiều doanh nghiệp chỉ ra là vì thủ tục vẫn còn nặng nề, lo ngại sẽ để lộ bí quyết. Bên cạnh đó, một trong những ưu đãi hy vọng sẽ tạo ra sức hút các doanh nghiệp là ưu đãi về thuế thì cũng không còn là “con át chủ bài” vì theo Luật thuế thì một doanh nghiệp chỉ được nhận một ưu đãi duy nhất trong khi đó ngành nào cũng có ưu đãi riêng. Đó là chưa nói đến việc ưu đãi thuế cho các doanh nghiệp KHCN lại đi sau và cũng chưa phải là chính sách ưu đãi có tính vượt trội.

Để khuyến khích hơn việc tăng số lượng doanh nghiệp công nghệ, từ đầu năm Chính phủ đã ban hành Nghị định số 13/2019/NĐ-CP ngày 1/2/2019. Theo Nghị định, doanh nghiệp được cấp Chứng nhận doanh nghiệp KH&CN khi đáp ứng các điều kiện sau: được thành lập và hoạt động theo Luật doanh nghiệp; có khả năng tạo ra hoặc ứng dụng kết quả khoa học và công nghệ được cơ quan có thẩm quyền đánh giá, thẩm định, công nhận theo quy định tại khoản 2 Điều 7 của Nghị định này; có doanh thu từ việc sản xuất, kinh doanh sản phẩm hình thành từ kết quả khoa học và công nghệ đạt tỷ lệ tối thiểu 30% trên tổng doanh thu.

Bên cạnh đó, Nghị định số 13/2019/NĐ-CP đã giảm bớt các điều kiện chứng nhận doanh nghiệp KH&CN không cần thiết, gây khó khăn cho doanh nghiệp như: đơn giản hóa việc chứng minh quyền sở hữu, quyền sử dụng hợp pháp đối với kết quả KH&CN bằng quy định doanh nghiệp có thể tự cam kết về quyền sở hữu, quyền sử dụng đối với kết quả khoa học và công nghệ và có thể bị hủy bỏ hiệu lực giấy chứng nhận nếu bị cơ quan có thẩm quyền kết luận có hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; khuyến khích doanh nghiệp có kết quả nghiên cứu thuộc mọi lĩnh vực KH&CN đều có thể chứng nhận doanh nghiệp KH&CN.

Về thời gian cấp Chứng nhận doanh nghiệp KH&CN, theo Nghị định mới chỉ còn tối đa 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ. Như vậy, theo nghị định mới doanh nghiệp không cần giải trình quá trình ươm tạo, cơ chế và hồ sơ đơn giản, tăng cường tính hậu kiểm nên không vi phạm bản quyền sở hữu trí tuệ, các doanh nghiệp KHCN không lo ngại bị xâm phạm bản quyền, bí mật về ý tưởng và công nghệ.

Đặc biệt, trước đây, các doanh nghiệp phải có doanh thu từ việc sản xuất, kinh doanh sản phẩm hình thành từ kết quả khoa học và công nghệ đạt tỷ lệ năm đầu 30%, năm thứ 2 là 50%, năm thứ 3 là 70%, nay theo nghị định mới chỉ tối thiểu 30% trên tổng doanh thu trong cả quá trình đã được hưởng ưu đãi miễn 4 năm không thu thuế thu nhập doanh nghiệp, giảm 50% thuế thu nhập doanh nghiệp trong 9 năm tiếp theo.

Với những ưu đãi cụ thể hơn đối với doanh nghiệp KHCN, hy vọng rằng mục tiêu có được 5.000 doanh nghiệp KH&CN trong năm sau sẽ có những bước biến chuyển tích cực.

Theo: petrotimes.vn