Trước xu thế chuyển đổi số đang lan tỏa mạnh mẽ trên toàn cầu, Việt Nam không thể đứng ngoài cuộc – nếu không muốn nói đây là vấn đề mang tính sống còn. Từng ngành, từng lĩnh vực đều cần phải tái cấu trúc, thay đổi về chất mô hình tăng trưởng, dựa nhiều hơn vào sáng tạo và tăng năng suất.

Từ câu chuyện tiên phong…

Thực tế cho thấy, thế giới đang chứng kiến một cuộc “chuyển mình” mạnh mẽ, với những doanh nghiệp, tổ chức đi tiên phong trên lộ trình chuyển đổi số, tạo ra sự đột phá về năng suất, cải thiện năng lực quản trị, trải nghiệm khách hàng và tối ưu hóa mô hình kinh doanh.

Minh chứng điển hình cho xu thế này trên thế giới, có thể kể đến Airbus – công ty hàng đầu thế giới hoạt động trong lĩnh vực hàng không vũ trụ và các dịch vụ liên quan, với gần 50 năm “tuổi đời”, đã nhận diện các vấn đề và coi dữ liệu là mấu chốt chính trong chuyển đổi số. Hãng đã kết hợp với Palantir – công ty tiên phong về phân tích dữ liệu lớn trên thế giới, ra mắt nền tảng Skywise vào tháng 6/2017. Đây là nền tảng dữ liệu mở lớn nhất về ngành hàng không, hay còn gọi là hồ dữ liệu (data lake) của ngành hàng không.

Chuyển đổi số đang lan tỏa mạnh mẽ trên toàn cầu

Trong đó, Skywise kết nối và thu thập dữ liệu từ hệ thống dữ liệu trên máy bay của Airbus, hệ thống dữ liệu vận hành bay của các hãng hàng không trên thế giới. Qua phân tích lượng dữ liệu khổng lồ này, đã mang lại những giá trị cụ thể cho các hãng hàng không như giảm gián đoạn chuyến bay; giảm chi phí bảo trì; tối ưu hóa hoạt động bay và quản lý đội bay…). Hơn nữa, các hãng hàng không có thể lưu trữ, truy cập, quản lý và phân tích các dữ liệu này mà không cần phải đầu tư thêm cơ sở hạ tầng.

Đồng thời, đội ngũ kỹ sư của Airbus cũng có thể cải thiện chất lượng máy bay từ chính nguồn dữ liệu phản hồi của khách hàng. Ví dụ, nhờ phân tích dữ liệu lớn, Airbus đã giảm thời gian cần thiết để sửa máy bơm nhiên liệu trên máy bay A380 từ 24 tháng xuống còn 2 tuần.

Một câu chuyện thú vị khác cũng đang diễn ra ở Walmart – tập đoàn sở hữu hệ thống bán lẻ lớn nhất thế giới, bao gồm các chuỗi siêu thị, cửa hàng khổng lồ tại nhiều đất nước. Với hơn 40 triệu lượt mua sắm mỗi ngày, Walmart chịu sức ép rất lớn về vận hành dịch vụ.

Để giải quyết sức ép này, Walmart đã có nhiều phát kiến quan trọng, điển hình là triển khai ứng dụng di động và tạo ra nhiều cách thức giao nhận hàng hóa. Với ứng dụng của Walmart trên di động, khách hàng có thể đặt hàng nhanh chóng và “đặt chỗ” trước thông qua các đơn hàng tạo sẵn, sau đó đến quầy ưu tiên để thanh toán. Walmart cũng tạo ra nhiều cách thức giao nhận hàng hóa khác nhau. Khách hàng có thể đặt hàng online và sau đó nhận hàng tại cửa hàng ở nhiều quầy và nhiều cách khác nhau.

Ngoài ra, Walmart còn thí nghiệm những công nghệ mới nhờ vào Walmart Lads (một dạng nhà máy số) để cải tiến việc vận hành và tăng cường trải nghiệm người dùng. Ví dụ như ứng dụng blockchain để tăng cường an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc với thời gian rút ngắn “kỷ lục” là 2 giây. Cùng đó, Walmart đã cải tiến trong việc vận hành khối nghiệp vụ hậu cần và xây dựng hệ thống điện toán đám mây tư nhân lớn nhất thế giới với khả năng xử lý khoảng 2,5 petabytes dữ liệu trong 1 giờ…

“Bắt tay” vào chuyển đổi số

Những câu chuyện điển hình trên là minh chứng cho thấy xu thế chuyển đổi số đang diễn ra ngày càng mạnh mẽ trên toàn cầu. Việt Nam không thể đứng ngoài dòng chảy này. Theo đánh giá của các chuyên gia, nhiều doanh nghiệp Việt Nam ở hầu hết các lĩnh vực như thương mại, tài chính ngân hàng, giáo dục, y tế, du lịch, logistics, công nghiệp chế tác,… đều ít nhiều bắt tay vào công cuộc cải tổ chính mình theo xu hướng chuyển đổi số trên thế giới.

Trong đó, nổi lên những doanh nghiệp, tập đoàn lớn như Viettel, Vietcombank, EVN, FPT… đã có những động thái tham gia tích cực vào công cuộc chuyển đổi số và đã gặt hái được những kết quả nhất định. Điển hình như FPT với việc định hướng “chuyển đổi số cùng với khách hàng”.

FPT đã đưa chuyển đổi số gắn liền với tăng cường năng lực công nghệ mới chuyên sâu, tập trung giải quyết vấn đề một cách đột phá và không ngừng sáng tạo. Có thể thấy được những kết quả liên tục của quá trình này qua các sản phẩm giải pháp đã được FPT đưa ra thị trường trong nước và thị trường toàn cầu như bệnh viện thông minh, giao thông thông minh, điện toán đám mây, truyền hình thông minh.

Một ví dụ là hệ thống công cụ bán hàng được chuyển đổi thành hệ thống trực tuyến với các công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo, thực tế ảo, điện toán đám mây giúp tiếp cận khách hàng một trực quan thay vì sử dụng phương pháp tiếp cận truyền thống. Hay như hệ thống quản lý dự án đồng bộ giúp người quản lý cập nhật tiến độ dự án từng phút để hỗ trợ việc ra quyết định thay vì việc báo cáo định kỳ hằng tuần, tháng, quý như trước đây.

Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, ông Phan Thanh Sơn – Giám đốc Công nghệ Công ty Hệ thống thông tin FPT khẳng định, quá trình chuyển đổi số sẽ thay đổi mô hình kinh doanh, cách vận hành doanh nghiệp và thậm chí thay đổi luôn cách tư duy, kỹ năng, lực lượng lao động. Nếu doanh nghiệp không chuyển đổi số và vẫn giữ nguyên mô hình cũ chắc chắc sẽ tụt hậu và đến một lúc nào đó sẽ trở thành “ốc đảo” và bị đào thải trong “cuộc chơi” mới. “Kết quả cuối cùng của chuyển đổi số chính là tạo ra sản phẩm tốt, giá thành rẻ, năng suất cao, đi kịp với thời đại” – ông Phan Thanh Sơn nhấn mạnh.

Nhằm mục tiêu góp phần thúc đẩy chuyển đổi số tại Việt Nam, ngày 8/8, tại Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA) tổ chức Diễn đàn cấp cao công nghệ thông tin – truyền thông Việt Nam (Vietnam ICT Summit) 2019 với chủ đề “Chuyển đổi số vì một Việt Nam hùng cường”.

Theo chương trình, các nội dung chính tại Vietnam ICT Summit 2019 bao gồm: Thảo luận chủ đề 1: Giải pháp đột phá đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số – Phát triển hạ tầng ICT và các công nghệ nền tảng; thảo luận chủ đề 2: Giải pháp đột phá đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số – Nền tảng ứng dụng; tiếp đó, là 2 chuyên đề song song: Chuyển đổi số cho các cơ quan Nhà nước và chuyển đổi số cho các doanh nghiệp.

Đặc biệt, nhấn mạnh tầm vóc và ý nghĩa một “diễn đàn của hành động”, Liên minh chuyển đổi số sẽ được ra mắt tại Vietnam ICT Summit 2019, với thành viên là một số Tập đoàn công nghệ và kinh tế hàng đầu tại Việt Nam, như: Viettel, FPT, VNPT, CMC, Misa, VNG, MobiFone, Liên Việt Post Bank, HiPT…

Bên cạnh đó, còn có các phát biểu cam kết và tuyên bố của các cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức về các chương trình hành động, hoạt động thúc đẩy nhanh chuyển đổi số quốc gia. Từ những chia sẻ, bài học kinh nghiệm cũng như với các nỗ lực của doanh nghiệp, tổ chức, diễn đàn được kỳ vọng sẽ mở ra một chương mới, với những câu chuyện, những kỳ tích mới được chính người Việt Nam viết nên!.

Theo: congthuong.vn