Nông sản Việt Nam được đánh giá là dồi dào, phong phú và có chất lượng tốt, một số loại đã được người tiêu dùng tại các quốc gia đánh giá cao như: nhãn, thanh long, dứa, vải thiểu.

Nhằm tiếp tục phát huy giá trị nông sản Việt, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 25/CT-TTg về một số nhiệm vụ, giải pháp phát triển công nghiệp chế biến nông lâm thủy sản và cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp. Ðiển hình là các chương trình: KH&CN phục vụ xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020; phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao đến năm 2020); đổi mới công nghệ quốc gia đến năm 2020; các hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp… Nhờ đó, ngành nông nghiệp Việt Nam đã có những thành quả đáng ghi nhận.

Bên cạnh đó, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 với trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, internet vạn vật, điện toán đám mây và công nghệ viễn thám… là cơ hội để Việt Nam nắm bắt các công nghệ mới, thúc đẩy tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, thu hẹp khoảng cách phát triển với các nền kinh tế phát triển khác trên thế giới và đẩy mạnh sự phát triển của ngành nông nghiệp.

Ngành nông nghiệp Việt Nam cũng phấn đấu đến năm 2030 đứng trong số 15 nước phát triển nhất thế giới; trong đó, ngành chế biến nông sản đứng trong top10.

Hướng ứng dụng công nghệ JEVA

Dù có rất nhiều loại trái cây nhiệt đới chất lượng cao, nhưng năm nào nông sản Việt cũng phải “giải cứu”. Một trong những nguyên nhân là do sản xuất manh mún, công nghệ sau thu hoạch lạc hậu, chủ yếu xuất khẩu ở dạng thô. Việc kêu gọi người dân chung tay “giải cứu” chỉ là giải pháp tình thế, về lâu dài và mang tính căn cơ là nâng hàm lượng công nghệ của nông sản.

Từ thực tế trên, PGS.TS Nguyễn Minh Tân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển ứng dụng các hợp chất thiên nhiên, Đại học Bách khoa Hà Nội và cộng sự đã hợp tác với nhóm nghiên cứu của Đại học Johanes Kepler Linz, Áo để nghiên cứu, phát triển thành công công nghệ và thiết bị cô đặc dịch mẫn cảm nhiệt tại nhiệt độ thấp và áp suất thường – công nghệ JEVA.

Với công nghệ này, các doanh nghiệp có thể chế biến được các loại hoa quả khác nhau, như dưa hấu, thanh long, vải, ổi… Sau quá trình sơ chế, ép dịch ra và xử lý enzim, đưa vào chế biến sâu sẽ thu được hai thành phẩm: Dịch cô đặc và dịch ngưng. Khi sử dụng, chỉ cần pha nước cô đặc quả với nước lọc sẽ có nước uống như nước quả ép thông thường.

Ưu điểm của công nghệ JEVA là có thể cô đặc nước quả thông qua phương pháp tách nước từ dịch quả thực hiện tại nhiệt độ thấp nên giữ được các vitamin, chất khoáng và hương vị tự nhiên của nguyên liệu.

Ngoài ra, sản phẩm nước quả cô đặc được sản xuất từ công nghệ JEVA có nồng độ chất khô cao nên giảm thể tích vận chuyển, có thể bảo quản ở nhiệt độ thường trong thời gian dài và không cần dùng bất cứ chất bảo quản nào. Đồng thời, hệ thống thiết bị có thể vận hành với nhiều qui trình khác nhau để chế biến nhiều loại nước quả khác nhau, vì vậy tăng được hiệu quả sản xuất, không lệ thuộc vào mùa vụ.

Công nghệ JEVA có nhiều ưu điểm so với các công nghệ hiện đang áp dụng tại Việt Nam, nhất là tiêu tốn năng lượng chỉ bằng khoảng 20-25%, có thể được triển khai trên quy mô vừa và nhỏ, không nhất thiết gắn với vùng nguyên liệu. Ngoài ra, công nghệ này hoàn toàn không tạo ra chất thải hoặc nước thải.

Cô đặc hoa quả bằng công nghệ JAVE (ảnh: Thu Hằng)

Mục tiêu thương mại hóa sản phẩm là hướng đến các doanh nghiệp xuất khẩu các sản phẩm nông sản của Việt Nam, kể cả các thị trường khó tính như châu Âu, Mỹ, Nhật Bản. Do mỗi dây chuyền thiết bị có khả năng chế biến nhiều loại quả khác nhau, cho nên, doanh nghiệp có thể thu mua, chế biến nhiều loại quả để cho nhiều sản phẩm đa dạng.

Bên cạnh đó, người nông dân cũng có thể đầu tư hoặc thuê hệ thống thiết bị để tự chế biến sản phẩm hoa quả, góp phần tăng giá trị sản phẩm, giảm tối đa tổn thất sau thu hoạch.

Thiết bị được thiết kế nhỏ gọn, điều khiển tự động, không đòi hỏi người vận hành phải có kỹ thuật cao. Ví dụ, để cô đặc nước dưa hấu, người dùng chỉ cần nhập chữ “dưa hấu” là hệ thống thiết bị sẽ tự động chạy quy trình thích hợp để cho ra sản phẩm cuối cùng. Với những ưu điểm trên, công nghệ Jeva được kỳ vọng góp phần hạn chế tình trạng “được mùa mất giá”, hoặc tăng giá trị cho các nông sản không bán được do thị trường biến động.

Thực tế cho thấy, để rau quả Việt Nam có khả năng xuất khẩu vào những thị trường lớn, nhiều tiềm năng, cách duy nhất là giảm tỷ trọng xuất khẩu tươi, tăng tỷ trọng xuất khẩu hàng qua chế biến sâu, qua đó tăng giá trị cho sản phẩm. Việc các nhà khoa học trong nước phát triển công nghệ này góp phần hỗ trợ cho định hướng đó. Vấn đề là doanh nghiệp và nhà khoa học cần hợp tác để thúc đẩy ứng dụng công nghệ, đem lại hiệu quả trong thực tế.

Tháng 6-2019, hệ thống cô đặc nước quả – Jeva đã xuất sắc giành giải bạc Silver Prize tại Triển lãm và Diễn đàn quốc tế về sáng chế của phụ nữ lần thứ 12 tại Hàn Quốc. Qua thời gian thử nghiệm, các nhà khoa học đã tiếp xúc và giới thiệu sản phẩm mẫu tại Quảng Ngãi, Bắc Giang, Đắk Lắk, Hà Nội… và nhận được nhiều sự quan tâm của các doanh nghiệp trồng và chế biến nông sản.

Công nghệ JAVE chế biến hoa quả (ảnh Thanh Tùng)

Để hỗ trợ đầu ra cho nông sản, thời gian qua Chính phủ đã có những chính sách ưu đãi, hỗ trợ phát triển nông nghiệp công nghệ cao, qua đó đã thu hút nhiều tập đoàn, công ty đầu tư vào lĩnh vực này như: Vingroup, NutiFood, Dalat Hasfarm… Các ứng dụng KH&CN cũng được tận dụng linh hoạt, năng động trong nông nghiệp và tạo những chuyển biến tích cực cho nông nghiệp Việt Nam. Đồng thời, Bộ KH&CN cũng đã phối hợp Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, các cơ quan có liên quan cùng tháo gỡ nhiều vướng mắc, nhằm tạo môi trường pháp lý thuận lợi cho hoạt động nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng và đổi mới công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp.

Bên cạnh đó, thông qua các chương trình như Chương trình Phát triển Thị trường Doanh nghiệp và Khoa học Công nghệ đã góp phần tạo động lực, thúc đẩy hiệu quả các hoạt động liên doanh, liên kết trong nghiên cứu phát triển công nghệ, phát triển thị trường.

Thông qua các sự kiện như: Vietnam Foodexpo – Foodtech 2020 – Triển lãm Quốc tế Công nghiệp Thực phẩm Việt Nam 2020 – sự kiện chuyên ngành về thực phẩm, rau quả, thủy hải sản, trà, cà phê, thiết bị chế biến công nghệ thực phẩm được tổ chức thường niên, thu hút nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước tham gia. Vietnam Foodexpo – Foodtech 2020 dự kiến diễn ra vào tháng 11/2020 tại TP.HCM; tại đây, các cá nhân, hiệp hội, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thực phẩm, chế biến, bảo quản, đóng gói thực phẩm tới tham quan, nghiên cứu tìm hiểu thị trường, giới thiệu, trưng bày các máy móc, thiết bị, sản phẩm của mình đồng thời tìm kiếm cơ hội hợp tác kinh doanh.

Ngoài các sản phẩm trưng bày, triển lãm còn tổ chức các hoạt động giới thiệu, cuộc thi nhằm tôn vinh giá trị thương hiệu thực phẩm Việt Nam. Bên cạnh đó, chương trình Kết nối giao thương sẽ giúp các doanh nghiệp tiếp cận các tập đoàn thu mua, đồng thời kết nối hệ thống kinh doanh trong và ngoài nước với các công ty sản xuất và xuất khẩu thực phẩm Việt Nam.

Hay sự kiện Chợ công nghệ và thiết bị chuyên ngành Techmart- một trong những sự kiện thường niên do Trung tâm Thông tin và Thống kê Khoa học và Công nghệ – thuộc Sở KH&CN TP.HCM, tổ chức nhằm hỗ trợ đưa công nghệ từ các viện nghiên cứu, trường đại học, doanh nghiệp công nghệ ra thị trường. Đây cũng là nơi để các doanh nghiệp khởi nghiệp tìm kiếm đối tác đầu tư, hợp tác để phát triển sản phẩm, ý tưởng sáng tạo và phát triển kinh doanh.

Techmart Công nghệ sau thu hoạch năm 2020 cũng giới thiệu các công nghệ bảo quản và chế biến nông sản sau thu hoạch, tạo ra thực phẩm có chất lượng, giá trị dinh dưỡng cao, không tồn dư các hóa chất độc hại và an toàn cho người sử dụng. Với 3 hoạt động chính: Trưng bày, giới thiệu công nghệ và thiết bị; Hội thảo trình diễn công nghệ; Tư vấn chuyên gia về công nghệ – Phiên chợ đặc biệt này thu hút hơn 100 công nghệ của 50 doanh nghiệp, trường viện, các nhóm khởi nghiệp tham gia quảng bá và xúc tiến thương mại. Bên cạnh đó, Techmart Công nghệ sau thu hoạch năm 2020 còn có 17 chuyên đề hội thảo, bao gồm tham luận khoa học từ các chuyên gia và hội thảo giới thiệu công nghệ từ các doanh nghiệp.

Từ thực tế trên có thể khẳng định, hoạt động tư vấn công nghệ đã và đang góp phần thúc đẩy quá trình kết nối, giao dịch giữa các nhà cung cấp công nghệ và khách hàng, hỗ trợ cho doanh nghiệp và các cá nhân, tổ chức tiếp cận và ứng dụng các tiến bộ khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Đây cũng là đích đến của chương trình phát triển thị trường khoa học và công nghệ trong việc hình thành và phát triển thị trường KH&CN tại Việt Nam.

Truyền thông chương trình 2075